Thứ Ba, 28/08/2012 11:13

100.000 tấn đường của HAG và góc khuất ngành đường

Phía sau những ồn ào quanh chuyện HAG đề xuất xin nhập khẩu 100.000 tấn đường là một ngành công nghiệp nội địa có hơn 20 năm tuổi vẫn còn manh mún.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) mới đây nhảy sang lĩnh vực mía đường, nhưng đề xuất xin nhập khẩu 100.000 tấn đường của HAG từ nhà máy mà công ty này đầu tư bên Lào đã vấp phải sự phản đối của nhiều DN mía đường nội địa. Phía sau những ồn ào là một ngành công nghiệp nội địa có hơn 20 năm tuổi vẫn còn manh mún.

Đường HAGL có về quê hương?

Sau ngả rẽ sang cao su, vào cuối năm ngoái, HAG đầu tư 100 triệu USD khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Mía đường Attapeu (Lào), bao gồm 4 hạng mục lớn, trong đó nhà máy chế biến mía đường đóng vai trò chính, với công suất 7.000 tấn/ngày. Để có nguyên liệu cho nhà máy đường, HAGL dự kiến phát triển vùng nguyên liệu rộng 6.000 héc-ta trong năm đầu tiên và nâng dần lên trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi khởi công, nhà máy còn đang xây dựng dở, thì trên thị trường đã xuất hiện thông tin HAG xin nhập khẩu 100.000 tấn đường từ nhà máy tại Lào, vì không tìm được thị trường tiêu thụ.

Báo cáo Hội nghị Tổng kết ngành mía đường năm 2011 cho biết, hai DN lớn ngành mía đường đang niêm yết là CTCP Mía đường Lam Sơn và CTCP Bourbon Tây Ninh đạt sản lượng tương ứng 91.000 tấn và 81.500 tấn, với diện tích vùng nguyên liệu xấp xỉ 12.000 héc-ta. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), niên vụ 2012/2013, sản lượng mía đường sản xuất trong nước đạt khoảng 1,3 triệu tấn. Dựa trên dự báo cung cầu, hạn ngạch (quota) nhập khẩu đường khoảng 70.000 tấn. Con số của HAGL không chỉ lớn gấp 3 lần sản lượng đường trung bình của một công ty mía đường nội địa, mà còn gấp rưỡi hạn ngạch dự kiến.

Đề xuất của HAG không nhận được sự ủng hộ từ nhiều DN mía đường nội địa. Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT LSS bày tỏ sự nghi ngờ: “Giả định năng suất của HAGL tương đương LSS, thì diện tích vùng nguyên liệu tối thiểu phải đạt gấp đôi con số đã công bố. Thực tế, năng suất của HAGL có thể cao hơn do điều kiện thổ nhưỡng, nhưng dự án của HAGL mới ở giai đoạn đầu, rất khó tin khi năm đầu tiên đạt được sản lượng này”.

Hoài nghi của các DN đường nội địa ngả theo hướng HAGL có thể nhập khẩu một phần sản phẩm không phải do mình sản xuất, vì mặt bằng giá đường tiêu thụ nội địa luôn cao hơn sản phẩm nhập khẩu. Do có sự chênh lệch giá, nhiều năm qua, đường nhập lậu từ Thái Lan đã tràn vào Việt Nam. Vấn nạn này tác động tiêu cực tới hiệu quả hoạt động của các DN mía đường nội địa, nhưng chưa có hướng giải quyết hiệu quả.

Một vấn đề gây tranh cãi khác là nếu đề xuất nhập khẩu đường được thông qua, sản phẩm của HAG còn được hưởng ưu đãi về thuế. Cụ thể, thuế suất nhập khẩu đường Việt Nam áp dụng cho các nước ASEAN ở mức chung 5%, tuy nhiên sản phẩm từ Lào chỉ là 2,5%. “Nếu cho HAG nhập khẩu đường, có nghĩa Nhà nước gián tiếp giúp bao tiêu sản phẩm của HAGL. Điều này sẽ đẩy một số DN nội địa vào thế khó khăn”, tổng giám đốc một công ty mía đường niêm yết bất bình.

Trao đổi với báo giới cách đây không lâu, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAG lại đưa ra các thông tin khác hẳn. Theo đó, việc xin nhập khẩu 100.000 tấn đường không phải do HAG trực tiếp thực hiện, mà do Bộ Công thương Lào đề nghị với Bộ Công thương Việt Nam. Nhà máy của HAG là nhà máy đường duy nhất tại Lào, chưa hoàn thành nên chưa có sản phẩm. Mà niên vụ 2012/2013, sản lượng tối đa cũng chỉ ở mức 80.000 tấn, chứ không lớn tới 100.000 tấn.

“Nếu đưa được đường vào tiêu thụ ở thị trường Việt Nam thì quá tốt, còn nếu không được thì chúng tôi vẫn bán được ở nơi khác. Có thể chia lượng đường sản xuất được cho nhiều thị trường khác nhau”, ông Đức nói.

Mới đây nhất, ngày 10/8 vừa qua, Bộ Công thương có thông báo cuối cùng về hạn ngạch đường nhập khẩu năm 2012 của Việt Nam là theo đúng kế hoạch cũ. Dù vậy, cánh cửa chưa đóng lại hoàn toàn với sản phẩm đường “made in HAG”, vì các nhà sản xuất nội địa có hạn ngạch được quyền chọn nhà nhập khẩu.

Ngành công nghiệp “ồn ào”!

100.000 tấn đường xin nhập khẩu của HAG chỉ là phần tiếp nối mới nhất của câu chuyện dài tập về ngành công nghiệp mía đường nội địa - lĩnh vực có nhiều “tranh luận”. Nếu chú ý theo dõi trên mặt báo có thể thấy các DN đường nội địa than vãn thường xuyên về tình hình khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu, chính sách trợ giá và đòi hỏi hỗ trợ lãi suất. Thế nhưng, những năm gần đây, ngành đường luôn có lãi lớn.

Trừ Bourbon Tây Ninh, các DN mía đường niêm yết có tỷ suất lợi nhuận/vốn (ROE) trong khoảng 32 - 61%, khá cao so với các ngành khác. Cá biệt như CTCP Đường Kon Tum, EPS năm 2011 đạt 17.000 đồng.

Bên cạnh đó, ngành đường được ví như thỏi nam châm, khi gần đây thu hút nhiều DN lớn tham gia. Ngoài HAG, hai năm gần đây, ngành mía đường nội địa còn chứng khiến sự mở rộng hoạt động của CTCP Thành Thành Công. Điều gì thu hút các tên tuổi lớn tham gia ngành mía đường nếu không phải là lợi nhuận? Xin nhắc lại một câu chuyện cũ: Trong một hội nghị về ngành đường, trước các than thở khó khăn của DN đường trong nước, đại diện Bộ NN&PTNT lật vấn đề: “Các anh luôn than vãn khó khăn, nhưng tại sao năm trước trung bình mỗi công ty lãi tới 50 tỷ đồng?”.

Sự ồn ào của ngành mía đường còn đến từ dự báo cung cầu. Chẳng hạn, vào đầu quý II năm nay, Bộ NN&PTNT dự báo, sản lượng đường trong nước thiếu hụt sẽ hạn chế xuất khẩu. Trái ngược 100%, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đưa ra quan điểm, phải đẩy mạnh xuất khẩu, vì nguồn cung trong nước dư thừa! Cả hai bên đều đưa ra các số liệu chứng minh quan điểm của mình, dựa trên các con số thống kê với mẫu khảo sát riêng. Một số ý kiến bình luận, nguồn gốc của những bất đồng xuất phát từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam đứng trên lợi ích của các thành viên, còn Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương đứng trên quan điểm người tiêu dùng.

Thua trên chính sân nhà

Khi được hỏi nên đầu tư gì, năm 2004, trong một cuộc phỏng vấn, Jim Rogers - nhà đầu tư hàng hóa nổi tiếng thế giới đã đưa ra một viên đường và nói với phóng viên một tờ báo tài chính của Pháp rằng, giá đường sẽ được nhân lên năm lần trong vòng thập niên sắp tới. Khi đó, đường được trao đổi trên thị trường với giá 5,5 cents/livre. Chỉ hai năm sau, giá đường đã lên đến hơn 20 cents/livre. Trong giai đoạn khủng khoảng kinh tế thế giới vừa qua, bất chấp việc giá nhiều loại hàng hóa khác lao dốc, đường vẫn theo hành trình riêng tăng giá, chậm chạp nhưng chắc chắn. Điều này giải thích phần nào con số lợi nhuận khá lớn của ngành đường những năm vừa qua.

Báo cáo phân tích ngành đường của CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận xét, ngành đường Việt Nam là một trong những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất kể từ khi kinh tế được đổi mới đến nay. Trong một vài năm gần đây, những khó khăn được giảm xuống phần nào, nhờ giá đường tăng. Tuy nhiên, trong dài hạn, ngành đường Việt Nam vẫn đối diện với khá nhiều tồn tại. Các vấn đề mang tính cố hữu là năng suất thấp, chất lượng không cao, công nghệ thu hoạch và chế biến lạc hậu. Chính những điểm yếu này khiến giá thành đường Việt Nam cao hơn các sản phẩm nhập khẩu, trở thành một ngành nóng với tình trạng buôn lậu khó kiểm soát.

Các DN mía đường cũng có nỗi niềm riêng. Ông Tam cho biết, do hậu quả của chính sách phát triển duy ý chí 1 triệu tấn đường trước đây, ngành mía đường Việt Nam non yếu về mọi mặt. Đặc trưng của ngành đường là tính thời vụ. Các nhà máy chỉ hoạt động hết công suất khoảng 5 tháng/năm. Số đường còn lại sẽ được lưu kho phục vụ cho nhu cầu trong cả năm. Chính vì thế, chi phí của ngành đường rất lớn. Được tiếng thơm do Nhà nước bảo hộ, nhưng “có tiếng mà không có miếng”. Trong khi các loại cây trồng khác như lúa, cây lâm nghiệp nhận được sự hỗ trợ như cho nông dân vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ giống, phân bón, thì sự hỗ trợ cho người trồng mía gần như bằng 0. Chủ yếu vẫn do DN nỗ lực tự thân vận động bao tiêu gần 100% đầu ra cho người trồng mía để giữ vùng nguyên liệu.

“Việt Nam là nước nông nghiệp, hoàn toàn đủ khả năng xuất khẩu đường nếu ngành mía đường được quản lý và quy hoạch tốt. Các khó khăn của ngành chủ yếu xuất phát từ việc điều hành”, ông Tam nhận xét.

Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, mía đường Việt Nam là ngành công nghiệp có sự bảo hộ của Nhà nước. Tuy nhiên, do vùng nguyên liệu được đầu tư dàn trải, manh mún, nên mức giá thu mua mía tươi trung bình hiện nay dao động từ 50 - 60 USD/tấn, cao nhất thế giới. Con số này không thể thấp hơn, vì liên quan đến cuộc sống của hàng triệu người trồng mía. Giá thành sản phẩm cao nên ít có tính cạnh tranh.

“Thời gian qua, Hiệp hội đã liên tục đề nghị các thành viên khuyến cáo người trồng mía tăng năng suất, bằng cách thay đổi phương thức và canh tác và giống mới. Nhưng ngành mía đường nội địa muốn khởi sắc cần có chính sách nhất quán trong từ công tác điều hành tới chủ trương phát triển”, ông Hải nói.

Giang Thanh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   ACBS bổ nhiệm bà Dương Khánh Linh làm Giám đốc CN Khánh Hòa (27/08/2012)

>   Gelex: Lãi ròng 6 tháng tăng gần 44% cùng kỳ (28/08/2012)

>   EVE: Đầu tư 10 tỷ đồng mở chi nhánh tại Campuchia (28/08/2012)

>   CIG đẩy mạnh thu hồi công nợ và bán 79 căn hộ Westa (28/08/2012)

>   CIG: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của 2 chi nhánh (27/08/2012)

>   NAV: Giải trình chậm nộp BCTC soát xét bán niên (27/08/2012)

>   SRF: Báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2012 (27/08/2012)

>   NNC: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 5 (27/08/2012)

>   An toàn tài chính: Lợi thế không thuộc CTCK nhỏ (29/08/2012)

>   GIL: Giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh soát xét 6T/2012 (27/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật