Thứ Sáu, 31/08/2012 08:54

Đìu hiu Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột

Trong khi tình trạng nông dân bị ép giá, nạn vỡ nợ cà phê liên tục xảy ra từ phương thức buôn bán truyền thống thì sự ra đời của Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) với phương thức hoạt động mới được hứa hẹn sẽ tăng giá trị cho nông dân trồng cà phê.

Thế nhưng từ sản lượng cà phê giao dịch tại sàn và số lượng người tham gia giao dịch cho thấy trung tâm chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCCE) là một hạng mục trong tổng thể chợ cà phê Buôn Ma Thuột chính thức hoạt động từ tháng 12/2008, hoạt động theo phương thức đấu giá tập trung và công khai, bao gồm giao dịch mua bán ngay và giao dịch mua bán sau, hoạt động dưới nguyên tắc thành viên, dưới sự quản lý của UBND tỉnh Đăk Lăk. BCEC có 5 nhà kho và 1 xưởng chế biến được kì vọng sẽ thu hút được nhiều người tham gia.

Rắc rối nhưng an toàn

Theo quy định, nông dân muốn vào sàn chỉ cần có đủ 1 tấn cà phê thì có thể tham gia giao dịch. Hàng hóa của nông dân đưa vào được phía trung tâm kiểm định chất lượng và phân loại cà phê sau đó được cấp chứng thư hàng gửi kho. Sau đó, phía nông dân phải chờ khách mua mới chốt được giá bán. Mọi hoạt động mua bán diễn ra thông qua các lệnh trên hệ thống điện tử. Ông Võ Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết: “Phương thức hoạt động trung tâm còn mới, hình thức như là giao dịch chứng khoán, mặc dù đặc thù của trung tâm là giao dịch hàng hóa”. Và còn khẳng định: “phương thức hoạt động của BCEC là hiện đại chưa từng có ở Việt Nam”.

So với giao dịch truyền thống, nông dân sau khi thu hoạch đem hàng gửi vào kho của đại lý và chờ được giá mới bán thường chứa đựng nhiều rủi ro như vỡ nợ hay bị ép giá. Ông Châu cho rằng: Phương thức hoạt động của trung tâm thông qua đấu giá tập trung nên nông dân có thể bán được giá cao và được thanh toán qua ngân hàng, nên rất an toàn. Phương thức này có lợi cho bên mua và bên bán. Bên bán được bán giá cao, còn người mua thì mua được hàng có chất lượng.

Chưa hiệu quả vì… còn mới

Dù BCEC đi vào hoạt động đã 4 năm nhưng hầu như vắng bóng người dân đến tham gia giao dịch. Ông Châu cho biết trong niên vụ 2011 - 2012, lượng cà phê giao dịch tại trung tâm chỉ có hơn 100 tấn, trong khi sản lượng cà phê của vùng là 400.000 tấn/năm. Sự hoạt động chưa hiệu quả của BCEC được ông Châu lý giải, là do phương thức hoạt động còn mới, trong khi bà con chưa nắm bắt được nên rất khó để lôi kéo người dân vào tham gia giao dịch. Chứng kiến sự hoạt động của trung tâm, các chuyên gia đánh giá BCEC như là một “sân chơi tốt nhưng thiếu cầu thủ”.

Khi được hỏi về BCEC, ông Tạ Ngọc Bích, nông dân trồng cà phê ở phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột, cho biết: Đã có nghe nói về Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột nhưng ông không giao dịch tại trung tâm mà thường bán cà phê qua các đại lý. Ông Bích lý giải, bản thân ông vốn là nông dân nên không biết về các lệnh bán, lệnh mua, hay khớp lệnh nên còn rất ngại tham gia. Trong khi đó, anh Nguyễn Ngọc Đình, nông dân trồng cà phê xã Eatan (huyện Krông Năng, Đăk Lăk), cho rằng: “Nếu bán ở trung tâm đồng ý giá cao nhưng lại tốn tiền vận chuyển, rồi chờ đến khi có người mua thì lâu quá. Nên tôi hễ thu hoạch xong thì cứ mang ra đại lý cân rồi mang tiền tươi về liền”.

Để giải quyết tình trạng vắng vẻ hiện nay, “Trung tâm dự định sẽ cổ phần hóa BCEC để thu hút nguồn lực tham gia. Bên cạnh đó sẽ hỗ trợ cho ứng trước phí vận chuyển để bà con mang hàng lên giao dịch. Ngoài ra trung tâm còn mở thí điểm 1 số điểm tiếp nhận hàng ở các vùng chuyên canh cà phê để rút ngắn khoảng cách từ sàn đến nông dân, nếu thành công sẽ áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tuyên truyền để bà con nắm rõ hoạt động của trung tâm hơn”, ông Võ Thanh Châu vẫn tự tin nói về những dự định sắp tới của BCEC.

Hữu Phúc

đất việt

Các tin tức khác

>   ASEAN có thể giúp kiềm chế việc giá gạo leo thang (30/08/2012)

>   Cà phê trong nước giữ giá do nông dân găm hàng (30/08/2012)

>   Gạo Việt Nam tăng giá nhờ xuất qua Campuchia và Thái Lan (29/08/2012)

>   Kinh doanh cà phê trên sàn nộp thuế như chứng khoán (29/08/2012)

>   FAO: Giá lương thực trong 10 năm tới sẽ vẫn cao (28/08/2012)

>   100.000 tấn đường của HAG và góc khuất ngành đường (28/08/2012)

>   Giá lúa gạo: Trong nước trụ vững, xuất khẩu suy yếu (27/08/2012)

>   Giá lương thực tăng tác động nặng đến kinh tế (27/08/2012)

>   Cà phê Việt Nam vững giá dù giá thế giới giảm khá mạnh (27/08/2012)

>   Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu giảm (26/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật