Tìm cơ hội xuất khẩu vật liệu xây dựng
Tìm thị trường mới để xuất khẩu là một trong những giải pháp giúp các doanh nghiệp vật liệu xây dựng vượt qua khó khăn trong bối cảnh tiêu thụ tại thị trường trong nước rất chậm do sự trầm lắng của thị trường bât động sản.
Myanmar là một trong những thị trường vừa được Tập đoàn C.T Group giới thiệu đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tại một buổi hội thảo trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm quốc tế xây dựng Vietbuild 2012 diễn ra từ 13 đến 17-9 tạikhu liên hợp thể dục thể thao Phú Thọ, TPHCM.
Ông Phan Thành Nhơn, Tổng giám đốc Công ty C.T Myanmar – công ty thành viên của Tập đoàn C.T Group, cho biết nhu cầu về vật liệu xây dựng tại nước này rất lớn trước nhu cầu đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất như nhà ở, văn phòng, khách sạn trong thời gian tới.
Ông Nhơn cho biết năng lực sản xuất thấp, chủng loại vật liệu xây dựng nghèo nàn là những khoảng trống cho các doanh nghiệp Việt Nam khai phá nếu như không muốn đi sau các nước khác trong khu vực cũng đang rất quan tâm đến thị trường mới mẻ này.
Theo số liệu nghiên cứu thị trường của C.T Myanmar, nhu cầu ximăng của thị trường này khoảng 5,35 triệu tấn/năm, trong khi thị trường nội đia chỉ đáp ứng được khoảng 65%, phần còn lại phải nhập khẩu từ Thái Lan và Trung Quốc.
Ở mảng sắt thép, mỗi năm nước này cần khoảng 500.000 tấn, trong khi năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 1%, phần lớn còn lại phải nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam. Trong tổng giá trị gần 604 triệu đô la Mỹ, Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này còn khá khiêm tốn, mới chỉ ở mức 23 triệu đô la Mỹ theo ghi nhận năm 2011.
Tương tự, khả năng sản xuất gạch xây dựng ở nước này cũng chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu xây dựng trong nước, phần còn lại đang phải nhập khẩu.
Trao đổi với các doanh nghiệp trong nước, ông Nhơn cho biết với kinh nghiệm là người đã thâm nhập thị trường Myanmar từ năm 2009, công ty sẵn sàng làm cầu nối giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường này, bên cạnh cơ hội cung cấp vật liệu xây dựng cho cho 24 dự án của Tập đoàn C.T Group đang đầu tư xây dựng tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Cung, Phó chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam, cho rằng việc tìm cơ hội xuất khẩu vật liệu xây dựng sang thị trường các nước khác trong khu vực là điều các doanh nghiệp nên quan tâm bởi nó sẽ phần nào giúp giải quyết khó khăn hiện nay.
Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc với các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, cụ thể là giải quyết vấn đề tồn kho trong lĩnh vực này.
Tổng hội xây dựng Việt Nam dẫn số liệu thống kê cho thấy các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đang chật vật lới tình trạng tồn kho tăng mặc dù đã giảm công suất sản xuất.
Với mức tồn kho khoảng 1,5 triệu tấn, lĩnh vực xi măng được cho là đã về mức an toàn, trong khi đó sắt thép đang tồn ở mức 400.000 tấn. Năng lực sản xuất đá ốp lát khoảng 10 triệu mét vuông sản phẩm/năm; tuy nhiên hiện chỉ chạy khoảng 70% công suất thiết kế, và lượng tồn kho khoảng 40 triệu mét vuông gạch ốp lát và khoảng một triệu sản phẩm gốm sứ vệ sinh. Tương tự, bốn nhà máy kính nổi cũng đang tồn kho khoảng 265.000 tấn, tương đương năm tháng sản xuất.
Theo ông Cung, muốn giải quyết hàng tồn kho phải tạo được thị trường bất động sản phát triển, nghĩa là thị trường này có đầu ra thì mới mong vật liệu xây dựng bán được. Bên cạnh đó các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng phải cố gắng tiết kiệm chí phí sản xuất và năng cao chất lượng sản phẩm của mình.
Bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TPHCM, nêu thực tế rằng giá vật liệu xây dựng trong nước vẫn còn cao hơn so với sản phẩm nhập khẩu, và nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản để giảm giá thành đã sử dụng vật liệu xây dựng của Trung Quốc có giá rẻ hơn 20 – 30%.
Do vậy, vấn đề là các doanh nghiệp trong nước phải làm sao để có thể cạnh tranh trên sân nhà, cũng như phải làm thế nào để cạnh tranh với hàng Trung Quốc ở thị trường Myanmar.
Theo ông Nhơn, mặc dù một số nước có chung biên giới với Myanmar nhưng hệ thống giao thông đường bộ còn rất kém, trong khi Việt Nam khá thuận tiện với giao thông đường thủy. Hơn nữa, người tiêu dùng ở nước này quan tâm nhiều đến chất lượng hơn là về giá cả và đang có thiện cảm với chất lượng của hàng Việt Nam.
Ông Cung cho rằng việc xuất khẩu có thể lãi không nhiều nhưng nó giúp giải quyết bài toán thị trường. Tuy nhiên, chính trong xuất khẩu sẽ giúp cho doanh nghiệp trong nước lớn lên, đòi hỏi họ sản xuất phải quy củ và bài bản hơn.
Đình Dũng
TBKTSG Online
|