Thứ Tư, 19/09/2012 15:53

Tham nhũng tăng cao trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lưu ý vấn đề nổi lên là “tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương tăng cao, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục”.

Về tình hình chung, cơ quan thẩm tra nhìn nhận, số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý trong năm 2012 tuy có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít.

Đáng chú ý là việc xử lý đối với một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp mặc dù đã được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc nhưng việc giải quyết vẫn bị kéo dài, có những vụ án được khởi tố điều tra cách đây nhiều năm nhưng cho đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh đó, số vụ sau nhiều năm khởi tố, điều tra nay lại đình chỉ điều tra với lý do người phạm tội đã khắc phục hậu quả. Có vụ án đã được khởi tố, điều tra nhiều năm nhưng phải tạm đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra vẫn chưa chứng minh được thiệt hại.

Đi kèm nhận xét nhiều vụ án, bị can trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã được thay đổi sang tội danh nhẹ khác hơn, chủ yếu là thay đổi tội danh từ tham ô tài sản sang tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi….báo cáo thẩm tra nêu ví dụ vụ Đoàn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc ngân hàng BIDV chuyển từ tội danh nhận hối lộ sang lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Việc một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng như vụ cố ý làm trái tại Vinashin, Vinalines... theo cơ quan thẩm tra đã đã gây bất bình, bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Từ kết quả khảo sát tại nhiều địa phương, Ủy ban Tư pháp nhận xét, nhiều vụ án tham nhũng được xét xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, phạt cảnh cáo chiếm tỉ lệ cao. Có nơi áp dụng điều 47 của Bộ luật Hình sự để xử dưới khung hình phạt chiếm tới trên 80% và cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm trên 50%.

“Thực trạng xử lý không đúng pháp luật đối với một số vụ án có biểu hiện tham nhũng hiện nay gây bất bình, bức xúc, chưa tạo được lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng”, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Ủy ban Tư pháp cũng tỏ ra sốt ruột khi liên tục nhiều năm qua báo cáo về nội dung này đều đã nêu một thực trạng, qua công tác thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm, thất thoát về tiền, tài sản lớn, nhưng hầu hết là kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính, số vụ tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự rất ít.

Trong quá trình thanh tra, cơ quan thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm nhưng không chuyển ngay cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định mà phải chờ đến khi có kết luận thanh tra mới chuyển vụ việc, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng.

Hầu như không có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào phát hiện được vụ việc tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Trong khi cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, cơ chế kiểm tra, thanh tra của các cơ quan hành chính nhà nước vẫn chưa hữu hiệu trong việc giám sát, kiểm tra đối với việc xử lý hành chính, kỷ luật.

Nhiều ý kiến tại Ủy ban này đề nghị, cần phải có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với cơ quan thanh tra, kiểm toán trong quá trình thanh tra, kiểm toán không phát hiện hành vi tham nhũng nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện và xử lý được nhiều hành vi tham nhũng.

Theo đánh giá của Chính phủ thì: “Công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu và mục tiêu là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước”.

Nhất trí với đánh giá này, song cơ quan thẩm tra nhấn mạnh rằng một trong những nguyên nhân quan trọng của tệ nạn tham nhũng hiện nay là tình trạng suy thoái đạo đức của không ít cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong đó một số cán bộ là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bên cạnh đó là bệnh quan liêu, thành tích, hình thức vẫn còn nặng nề, nên không ít người đứng đầu vẫn còn có biểu hiện bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý.

Nguyễn Lê

tbktvn

Các tin tức khác

>   Vốn dân cư đang đỡ ngân hàng (19/09/2012)

>   Tỷ giá ổn định và những tác động tích cực (19/09/2012)

>   Thêm một ngân hàng thương mại cổ phần (31/12/2002)

>   Thông tư 26: Ngân hàng nhỏ hẹp cửa lên sàn (19/09/2012)

>   Chưa xử lý được nợ xấu, lại đua lãi suất (19/09/2012)

>   Tín dụng vẫn tăng trưởng yếu (19/09/2012)

>   Diễn đàn “Khơi thông nguồn vốn & Quản lí dòng tiền hiệu quả” (18/09/2012)

>   Thêm ngân hàng nâng lãi suất huy động lên 13% (18/09/2012)

>   Tỷ giá sẽ ổn định (17/09/2012)

>   DATC: Loay hoay "bài toán" nợ xấu, tài sản tồn đọng (17/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật