Thứ Tư, 19/09/2012 09:20

Thông tư 26: Ngân hàng nhỏ hẹp cửa lên sàn

Được nới điều kiện về thời gian hoạt động, rút ngắn thời gian duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, song sự siết chặt về quản trị cộng với tình hình thị trường ảm đạm khiến các ngân hàng khó thực hiện kế hoạch niêm yết, dù đã được đại hội đồng cổ đông thông qua.

Nới nợ xấu, chặt quản trị

Từ ngày 29/10/2012, Thông tư 26/2012/TT-NHNN hướng dẫn thủ tục chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước và nước ngoài của tổ chức tín dụng cổ phần chính thức có hiệu lực. Theo đó, các tổ chức tín dụng muốn niêm yết phải tuân thủ 9 điều kiện chặt chẽ. So với Quyết định 787/2004/QĐ-NHNN (Quy định tạm thời về việc ngân hàng thương mại cổ phần đăng ký niêm yết và phát hành cổ phiếu ra công chúng), Thông tư 26 đã mở hơn một số điều kiện, song lại chặt hơn về mặt quản trị.

Cụ thể, trước đây, muốn niêm yết, tổ chức tín dụng phải có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% liên tục trong 2 năm gần nhất. Tuy nhiên, với Thông tư 26, tổ chức tín dụng chỉ phải đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới tại thời điểm cuối quý trong thời gian 2 quý liền kề trước khi đề nghị. Điều kiện phải được NHNN xếp loại A liên tục trong 2 năm gần nhất cũng được bãi bỏ.

Bên cạnh việc nới thời gian hoạt động, cũng như tỷ lệ nợ xấu, đa phần các điều kiện đều được thắt chặt hơn. Mức phạt tiền hành chính mà các tổ chức tín dụng không được vi phạm trong thời gian 12 tháng liền kề trước thời điểm đề nghị trước đây là 1 triệu đồng trở lên, nay được nâng trên 30 triệu đồng.

Ngoài ra, Thông tư 26 còn đưa ra nhiều điều kiện mới về quản trị rủi ro, buộc các tổ chức tín dụng muốn niêm yết phải thực hiện, như tuân thủ các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành liên tục trong 6 tháng liền kề trước thời điểm đề nghị; phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của NHNN tại thời điểm cuối quý liền kề trước quý đề nghị; tại thời điểm đề nghị, HĐQT, Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng có số lượng và cơ cấu đảm bảo quy định của pháp luật hiện hành. Có bộ phận kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật.

Bị làm khó, vẫn thờ ơ niêm yết

Soi vào tình hình của hệ thống ngân hàng hiện nay, có thể thấy điều kiện mà Thông tư 26 đưa ra sẽ loại nhiều ngân hàng nhỏ tham gia niêm yết trên sàn chứng khoán.

“Thông tư 26 sẽ là một rào cản với ngân hàng niêm yết, bởi hiện nay, rất nhiều ngân hàng chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, chưa cóù bộ phận kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ đạt chuẩn… Tỷ lệ nợ xấu cũng là một vấn đề. Hiện nhiều ngân hàng đang ‘làm xiếc’ với nợ xấu. Với tình hình kinh tế hiện nay, chắc chắn, khi bị thanh, kiểm tra, nhiều ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn, không đáp ứng được tỷ lệ nợ xấu dưới 3% trong 2 quý liền kề”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP đã niêm yết khẳng định.

TS. Phan Minh Ngọc, Phó giám đốc phòng Nghiên cứu doanh nghiệp (Ngân hàng Sumitomo Chi nhánh Singapore) cho rằng, nhiều ngân hàng Việt Nam chưa tuân thủ nghiêm quy định về phân loại nợ, áp dụng các thủ thuật đảo nợ, hoặc cố tình trốn tránh việc phân loại các món nợ vào nhóm 3 đến 5. Chính vì vậy, tỷ lệ nợ xấu và trích lập dự phòng của một số ngân hàng thấp hơn rất nhiều so với thực tế.

Dù vậy, khi được hỏi, đa phần ngân hàng tỏ ra thờ ơ với Thông tư 26, dù trước đó, nhiều ngân hàng tuyên bố sắp niêm yết. Không bình luận về điều kiện mà Thông tư 26 đưa ra, song ông Chu Việt Cường, đại diện vốn cổ đông lớn của HDBank khẳng định, các ngân hàng sẽ cân nhắc việc niêm yết vào thời điểm này.

Trước đó, một loạt ngân hàng khác, như Nam Á, Phương Nam, Đại Á, Đông Á, Techcombank… cũng đã lên kế hoạch niêm yết trong năm 2011, hoặc 2012. Thế nhưng, nhiều ngân hàng cho hay, kế hoạch trên đã được hoãn lại vô thời hạn. Ngay cả “ông lớn” BIDV cũng phải thông báo hoãn niêm yết cổ phiếu, do thị trường đi xuống. Lý do mà các ngân hàng đưa ra là, thị trường đang ảm đạm, cổ phiếu ngân hàng rớt giá, nên việc niêm yết không thuận lợi, mục tiêu huy động vốn của ngân hàng khó khả thi. Chưa kể, thời gian gần đây, một loạt doanh nghiệp bị thâu tóm qua sàn chứng khoán cũng làm chùn tay không ít ngân hàng.

Trả lời chất vấn của cổ đông, ông Phạm Văn Bự, Chủ tịch HĐQT DongA Bank lý giải, sở dĩ Ngân hàng chưa thể niêm yết, bởi thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn khó khăn. Nếu niêm yết vào thời điểm này, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các cổ đông. Vì vậy, ông Bự đề nghị, tiếp tục lùi thời hạn niêm yết, dù kế hoạch này đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua từ năm 2011.

Hiện đã có 9 tổ chức tín dụng niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung và theo dự báo của nhiều chuyên gia, ngoài BIDV, trong vài năm tới, sẽ khó có thêm cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thùy Liên

đầu tư

Các tin tức khác

>   HDG: Niêm yết bổ sung 10 triệu cổ phiếu (18/09/2012)

>   PTK: 25/09 chào sàn 21.6 triệu cp, với giá 12,000 đồng (18/09/2012)

>   VNN: BCTC năm 2010. năm 2011. 6 tháng đầu năm 2012 (18/09/2012)

>   PID: Bản cáo bạch niêm yết lần đầu (18/09/2012)

>   PTK: Bản cáo bạch và các phụ lục niêm yết lần đầu (18/09/2012)

>   Đầu tư Vietnamnet được niêm yết cổ phiếu tại HNX (18/09/2012)

>   Danh sách cổ phiếu hủy niêm yết ngày một dài (16/09/2012)

>   EMC: Bản cáo bạch và các phụ lục niêm yết (14/09/2012)

>   AGM niêm yết 18.2 triệu cổ phiếu (14/09/2012)

>   PTK sắp niêm yết 21.6 triệu cổ phiếu trên HOSE (14/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật