SJC đề nghị được mua vàng nữ trang làm nguyên liệu
Ông Nguyễn Công Tường, Phó Phòng Kinh doanh vàng miếng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết, đơn vị này đã gửi công văn về NHNN đề nghị cho phép thu mua các loại vàng nữ trang do nhu cầu sử dụng không lớn trên thị trường để tạo nguồn cung cho việc sản xuất vàng miếng.
Theo một chuyên gia tài chính, quyền sản xuất và xuất nhập khẩu vàng miếng hiện nằm trong tay Nhà nước quản lý, đòi hỏi nhà điều hành rất linh hoạt trong vấn đề giá. Tổ chức kinh doanh không có công cụ bình ổn thị trường và họ chỉ có thể làm tròn vai hiệu quả kinh doanh, dù doanh nghiệp đó thuộc sở hữu Nhà nước hay tư nhân.
Ông Nguyễn Công Tường, Phó Phòng Kinh doanh vàng miếng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cho biết, đơn vị này đã gửi công văn về NHNN đề nghị cho phép thu mua các loại vàng nữ trang do nhu cầu sử dụng không lớn trên thị trường để tạo nguồn cung cho việc sản xuất vàng miếng. Theo đó, các loại vàng thấp tuổi sẽ được SJC thu mua với giá thấp rồi phân kim dập ra vàng miếng SJC cung ứng ra thị trường. Theo ông Tường, nếu được NHNN cho phép, việc làm này có thể kéo giá vàng trong nước và quốc tế sẽ sát lại.
“Chúng tôi đang họp bàn ra quyết định có hay không cho phép công ty SJC thu mua nguyên liệu vàng phân kim để gia công thành vàng miếng SJC cung ứng cho thị trường. Do vấn đề cung vàng ra thị trường thời điểm này rất nhạy cảm, không hẳn nhu cầu vàng miếng trong dân tăng nhanh trong những ngày qua làm giá đẩy lên cao hơn so với giá thế giới”, một lãnh đạo NHNN nói với phóng viên Thời báo Ngân hàng như vậy.
Giá vàng trong nước cao hơn thế giới không còn là chuyện lạ, nhưng chưa bao giờ tình trạng chênh lệch lại cao và kéo dài như những ngày qua.
Chẳng hạn giá vàng ngày 11/9 trên thị trường quốc tế ở mức 1.730 USD/oz – tương đương với khoảng 43,5 triệu đồng/lượng chưa tính thuế và phí, trong khi giá vàng trong nước đứng ở mức 46,2 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước cao hơn quốc tế trên 2,5 triệu đồng/lượng. Trong những ngày giá vàng tăng, sức mua trên thị trường vẫn tăng cao, trong khi công ty SJC hiện chỉ có chức năng gia công vàng miếng cho NHNN và kinh doanh số vàng mua vào bán ra.
Theo ông Nguyễn Công Tường, ngày 10/9 số lượng vàng miếng công ty bán ra khoảng 5.200 lượng, trong khi mua vào được 4.500 lượng. Công ty SJC là một đơn vị kinh doanh nên không thể dốc hết nguồn vàng trong kho ra bán, dẫn đến mất cân đối nguồn vàng.
Những người trong cuộc cho rằng, trong số trên dưới 5.000 lượng vàng mỗi ngày công ty SJC bán ra, người mua có ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng, trong khi người dân chiếm một tỷ trọng không đáng kể.
Tổng giám đốc một NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, một số ngân hàng phải mua vàng vào bù đắp cho những khoản vay mượn liên ngân hàng vào cuối tháng 8/2012 để cân đối trạng thái. Thực chất ngân hàng mua vàng cân đối trạng thái kinh doanh là hoạt động bình thường, nhưng các tổ chức kinh doanh trên thị trường thấy ngân hàng mua một lượng họ cũng mua theo làm cho giá lên theo.
Một nguyên nhân nữa do thị trường vàng trong nước chưa liên thông với thế giới. Theo một chuyên gia tài chính, quyền sản xuất và xuất nhập khẩu vàng miếng hiện nằm trong tay Nhà nước quản lý, đòi hỏi nhà điều hành rất linh hoạt trong vấn đề giá. Tổ chức kinh doanh không có công cụ bình ổn thị trường trong tay và họ chỉ có thể làm tròn vai hiệu quả kinh doanh, dù doanh nghiệp đó thuộc sở hữu Nhà nước hay tư nhân.
Theo Đông Lăng
Thời báo ngân hàng
|