Thứ Hai, 10/09/2012 22:30

Quản lý kém hiệu quả

Mặc dù đã có nhiều biện pháp quản lý được tung ra nhưng mục tiêu kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới của Ngân hàng Nhà nước đưa ra vẫn khá xa vời

Ngày 23-8, Ngân hàng (NH) Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1623 quy định về việc tổ chức sản xuất và quản lý vàng miếng. Theo đó, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) là đơn vị duy nhất gia công vàng miếng cho NH Nhà nước dưới sự giám sát của cơ quan này. Đây là bước triển khai tiếp theo của Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, sau khi đưa vàng SJC thành thương hiệu quốc gia và NH Nhà nước “cầm trịch” quản lý vàng miếng.

Phá vỡ nguyên tắc “bình thông nhau”

Ngay sau đó, khuôn đúc, xưởng dập vàng được SJC bàn giao về cho NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM. Dưới sự giám sát của tổ giám sát gia công vàng miếng thuộc NH Nhà nước, SJC đã tiến hành dập lại vàng SJC móp méo, chuyển đổi vàng miếng từ một số thương hiệu khác… giúp tăng nguồn cung cho thị trường. Đã có khoảng 48.000 lượng vàng (tương đương 1,8 tấn vàng) được SJC cung ứng ra thị trường trong những ngày qua.

Tuy nhiên, có vẻ lượng vàng này không đủ sức hạ nhiệt giá vàng trong nước.

Hiện nay, một số thương hiệu vàng miếng khác đã có đơn xin chuyển đổi sang vàng SJC nhưng phải chờ NH Nhà nước quyết định. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng NH Nhà nước cần sớm có biện pháp can thiệp thị trường vàng nhằm tăng thêm nguồn cung cho thị trường...

Mục tiêu của Nghị định 24 là quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững, đưa giá vàng trong nước sát với thế giới. Tuy nhiên đến nay, thị trường gần như vẫn chưa cải thiện dù sản xuất vàng miếng đã do NH Nhà nước “cầm trịch”. Từ khi SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia, giá vàng trong nước vẫn chênh lệch rất lớn với thế giới.

Nguyên tắc “bình thông nhau” đã không còn khi NH Nhà nước không cấp quota nhập khẩu, hạn ngạch sản xuất vàng miếng. Một số chuyên gia cho rằng rất khó để xóa chênh lệch khi vàng trở thành mặt hàng độc quyền, không liên thông với thế giới.

Chậm khai thông nguồn vốn từ vàng

Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố cho thấy chính sách về vàng của NH Nhà nước thời gian qua tỏ ra kém hiệu quả. Chẳng hạn, đến thời điểm này, NH Nhà nước vẫn chưa có biện pháp hiệu quả khơi thông dòng vốn dưới dạng vàng vật chất trong dân - mà theo ước tính của cơ quan này lên đến 300-500 tấn - đưa vào phục vụ kinh tế.

Thậm chí, Thông tư số 11 của NH Nhà nước yêu cầu các NH thương mại chấm dứt huy động vàng, không cho vay vàng vô hình trung khiến lượng vốn dưới dạng vàng vật chất của người dân bị mất liên thông với hệ thống tín dụng của nền kinh tế.

Việc cho phép 5 NH thương mại tham gia bán vàng hồi tháng 11-2011 nhằm kéo giá vàng trong nước về sát thế giới cũng chưa thành công bởi giá vàng “nội - ngoại” chỉ rút ngắn cách biệt xuống còn 500.000 đồng/lượng trong thời gian ngắn. Khoảng một tháng sau, giá vàng trong nước lại cao hơn thế giới 2-3 triệu đồng/lượng...

Phương án xây dựng một thị trường vàng hiện đại nhằm huy động số vàng lên tới 300-500 tấn phục vụ phát triển kinh tế là rất cần thiết nhưng đến nay, đề án huy động vàng trong dân vẫn chưa ra đời. TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, nhận xét: “Các chính sách quản lý vàng hiện nay đã khá đầy đủ nhưng thị trường vàng chưa được cải thiện do vướng các mục tiêu đang thực hiện. Chẳng hạn đề án huy động vàng và phát hành chứng chỉ vàng vẫn chưa triển khai”...

Để giải quyết vấn đề của thị trường vàng hiện nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng mấu chốt là tách hoạt động kinh doanh vàng vật chất ra khỏi hoạt động đầu cơ giá vàng. Phần lớn người mua vàng là để đầu cơ giá nhưng do vàng tài khoản bị cấm, còn chứng chỉ vàng chưa có nên thị trường buộc phải trao đổi vàng vật chất. Việc này đã làm tăng chi phí giao dịch cho người đầu cơ và ảnh hưởng tỉ giá khi có hoạt động nhập lậu vàng.

Vì vậy, NH Nhà nước nên nhanh chóng phát hành chứng chỉ vàng cũng như hình thành sàn vàng quốc gia làm công cụ điều hành thị trường vàng một cách chuyên nghiệp, tuân theo các quy luật thị trường thay vì các biện pháp hành chính.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM, cho biết cơ quan này đang theo dõi sát diễn biến của thị trường vàng, nếu có biến động bất thường sẽ kiến nghị NH Nhà nước có biện pháp can thiệp. Theo ông Minh, giá vàng trong nước tăng cao do ảnh hưởng giá thế giới và một phần do tâm lý. Với cách biệt khá cao so với giá thế giới, người mua vàng nên cẩn trọng để tránh rủi ro.

Ông Minh cũng cho biết từ ngày 25-8 đến nay, tổ giám sát gia công vàng miếng NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM đã giám sát quá trình SJC dập lại vàng móp méo, vàng chuyển đổi từ các thương hiệu khác.

THÁI PHƯƠNG

Người lao động

Các tin tức khác

>   Ai đang mua vàng trong nước? (10/09/2012)

>   Vàng giảm giá mạnh, lỡ mua sẽ lỗ nặng (07/09/2012)

>   Đầu tuần, giá vàng vượt 46,20 triệu đồng mỗi lượng (10/09/2012)

>   Độc quyền vàng miếng: Không hiệu quả (10/09/2012)

>   Giá vàng đều đặn tăng cao (09/09/2012)

>   Giá vàng tăng gần 1,3 triệu đồng trong tuần (08/09/2012)

>   Vàng bật mạnh qua ngưỡng 1,740 USD/oz trước kỳ vọng QE3 (08/09/2012)

>   Đồng loạt tăng lãi suất huy động vàng (07/09/2012)

>   Giá vàng hạ nhiệt, đôla tăng (07/09/2012)

>   Vàng vượt 1,700 USD/oz sau tuyên bố mua trái phiếu của ECB (07/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật