Ai đang mua vàng trong nước?
Trong thời gian 1 tháng vừa qua, bên cạnh việc giá vàng thế giới tăng mạnh từ khoảng 1,620 USD/ounce lên 1,735 USD/ounce thì giá vàng trong nước cũng thực hiện một cuộc chạy đua khiến người dân và các nhà đầu tư ưa thích lĩnh vực này phải chóng mặt.
Đáng chú ý là mặc dù Ngân hàng Nhà nước cùng công ty SJC luôn nói vẫn có đủ vàng để cung cấp cho thị trường trong nước thì chênh lệch giá vàng Việt Nam và thế giới lại tăng trở lại tới mức 3 triệu đồng/lượng.
Mức chênh lệch cao nói trên được nhiều chuyên gia lý giải là do lực mua để cắt lỗ của nhiều ngân hàng đã chuyển vàng sang VND để hưởng chênh lệch lãi suất trước đây. Lãnh đạo một công ty vàng cho biết liên tục nhận được điện thoại của các đại lý lớn hỏi mua vàng SJC. Những đại lý này cho biết họ gom vàng SJC để bán cho ngân hàng, họ gom ở những đại lý nhỏ không đủ nên phải quay qua các công ty vàng lớn. Đồng thời, một chuyên gia từ SJC cho hay: Người mua vàng chủ yếu là doanh nghiệp, tổ chức - là ngân hàng - chứ người dân mua không đáng kể.
Vậy hãy cùng “điểm mặt, chỉ tên” một số tổ chức được đề cập nói trên.
Hiện nhóm 7 ngân hàng được phép bán vàng SJC bình ổn là ACB, Eximbank, Sacombank, Techcombank, DongABank, SouthernBank, VietABank. Các ngân hàng này cũng được phép mở tài khoản vàng ở nước ngoài để cân bằng trạng thái. Theo báo cáo tài chính được công bố tại thời điểm 30/06/2012:
1) ACB: Trạng thái tài khoản vàng tại nước ngoài là 10,769 tỷ VND.
Đồng thời, thông qua cấu trúc các hợp đồng phái sinh với giá trị khoảng 25,934 tỷ VND.
Không những thế, nhiều khả năng ACB tạo ra các hợp đồng mua kỳ hạn vàng trong nước để có trạng thái dương và được phép bán thêm khoảng 23,000 tỷ VND vàng nữa.
2) Eximbank (EIB): Không có quá nhiều cấu trúc phức tạp, Eximbank có trạng thái vàng ngoại bảng khoảng 8,726 tỷ VND tại thời điểm này.
3) Sacombank (STB): Trạng thái vàng tài khoản tại nước ngoài là 4,454 tỷ VND.
4) Techcombank: Trạng thái vàng vật chất khá cân bằng, có lẽ do hoạt động kinh doanh vàng không được chú trọng quá nhiều.
5) SouthernBank, DongABank, VietABank: Theo số liệu cuối năm 2011, 3 ngân hàng này lần lượt có trạng thái vàng là âm 5,394 tỷ VND, âm 2,678 tỷ VND và âm 7,502 tỷ VND. Với tình hình thị trường 6 tháng đầu năm, thì nhiều khả năng trạng thái vàng của các ngân hàng này còn âm nhiều tại thời điểm 30/06/2012.
Như vậy, tại thời điểm 30/06/2012, chỉ 7 ngân hàng nói trên đã bán ít nhất khoảng 88,000 tỷ VND (tương đương hơn 1.9 triệu lượng vàng SJC với giá 46 triệu VND/lượng như hiện nay).
Vụ ông Nguyễn Đức Kiên và Nguyên TGĐ ACB Lý Xuân Hải bị bắt vừa qua đã phần nào tạo khủng hoảng rút tiền và vàng tại ngân hàng này đồng thời làm mất niềm tin của người gửi tiền vào uy tín của các ngân hàng. Việc này khiến người dân có xu hướng rút dần vàng gửi tại hệ thống ngân hàng về.
Đồng thời, theo Thông tư 12/2012/T-NHNN, các tổ chức tín dụng phải dừng huy động vàng vào ngày 25/11/2012. Kết hợp với việc giá vàng bắt đầu có xu hướng tăng sẽ buộc các ngân hàng phải nhanh chóng mua lại số vàng đã bán trong nước để trả trạng thái, tạo nên lượng cầu lớn trong thời gian qua và cả trong thời gian sắp tới.
Giả sử các ngân hàng chỉ cần mua lại 1/5 số vàng đã bán, lượng cầu cũng đã lên tới gần 400,000 lượng vàng SJC. Như vậy con số 50,000 lượng vàng mà SJC mới gia công sau ngày 23/08/2012 chẳng đáng là bao, trong khi lượng vàng mua vào và bán ra cho dân chúng của SJC trong các ngày gần đây luôn ở trạng thái bán ròng.
Và thị trường vàng Việt Nam sẽ còn nhiều cơn bão từ nay đến cuối năm.
Trung Clas (Vietstock)
Finfonet
|