Hướng đi mới của DN vàng
Ông Nguyễn Minh Châu - Giám đốc công ty cho biết, sản phẩm nhẫn vàng đã được Bảo Tín Minh Châu sản xuất từ lâu, với 2 loại chủ yếu là 5 chỉ và 1 lượng. Song sắp tới, bên cạnh nữ trang vàng, DN này cũng duy trì và đẩy mạnh sản xuất nhẫn vàng với quy cách đóng gói chuyên nghiệp, phù hợp để bảo quản lâu dài.
Sau hơn 1 năm chờ đợi, mục tiêu kiểm soát thị trường vàng miếng đã được quyết định bằng việc NHNN sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng. Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC được giao nhiệm vụ gia công vàng miếng cho Nhà nước, theo Quyết định số 1623/QĐ-NHNN được ban hành mới đây.
Để tiết kiệm chi phí của xã hội, NHNN không thành lập bộ máy, nhập dây chuyền sản xuất thương hiệu vàng miếng mới mà sẽ sử dụng dây chuyền sản xuất và thương hiệu vàng miếng của SJC. SJC không được tiếp tục sản xuất vàng miếng mà chỉ được gia công vàng miếng SJC 99,99% cho NHNN theo chỉ đạo của NHNN về hạn mức, thời điểm sản xuất và nguồn vàng nguyên liệu để tổ chức sản xuất vàng miếng dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của NHNN.
Còn nhớ thời điểm hơn 1 năm trước, khi dự thảo nghị định về quản lý thị trường vàng còn đang được bàn thảo theo hướng SJC sẽ là công ty độc quyền sản xuất vàng miếng, 7 đơn vị sản xuất vàng còn lại đã đồng loạt bày tỏ ý kiến lo ngại về những hệ lụy mà quyết định này mang lại. Nhưng đến nay, hầu hết các đơn vị này đã thống nhất với chủ trương của NHNN và bắt đầu chuyển sang những hướng đi mới để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sáng 1/9/2012, chị Bùi Thị Bích (trú tại đường Hồng Hà, Hà Nội) tới Trung tâm thương mại Ruby Plaza mua 2 lượng vàng và được nhân viên bán hàng tại đây tư vấn nên mua loại nhẫn vàng thay vì vàng miếng. “Nhẫn được đóng trong bao nhựa kín rất an toàn và đẹp mắt. Nhân viên bán hàng tư vấn cho tôi rằng với quy cách đóng gói như vậy nhẫn sẽ không bị móp méo như vàng miếng, cũng không bị hao hụt nếu tôi không bỏ khỏi bao, vì thế khi bán lại sẽ không phải chịu thêm tiền gia công. Tôi thấy như vậy cũng khá hợp lý nên quyết định mua thay vàng miếng”, chị Bích cho biết. Trước đó gần 1 tháng, người phụ nữ này đã phải trả 700.000 đồng tiền phí gia công cho 2 lượng vàng SJC bị méo khi mang tới đổi tại chính địa chỉ này.
Được biết, nhẫn vàng của chị Bích mua là sản phẩm của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý SJC Hà Nội. Hiện ngoài nhẫn vàng 1 lượng, đơn vị này cũng sản xuất loại 5 chỉ, 2 chỉ và 1 chỉ, với quy cách đóng gói tương tự để bán cho các khách hàng có nhu cầu bên cạnh các loại nhẫn trang sức khác.
Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cũng đang đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm nhẫn vàng để dần thay thế cho vàng miếng. Ông Nguyễn Minh Châu - Giám đốc công ty cho biết, sản phẩm nhẫn vàng đã được Bảo Tín Minh Châu sản xuất từ lâu, với 2 loại chủ yếu là 5 chỉ và 1 lượng. Song sắp tới, bên cạnh nữ trang vàng, DN này cũng duy trì và đẩy mạnh sản xuất nhẫn vàng với quy cách đóng gói chuyên nghiệp, phù hợp để bảo quản lâu dài.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc - Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận cho biết, công ty sẽ chuyển sang kinh doanh song song hai thương hiệu vàng miếng SJC, đồng thời hướng đến mảng vàng trang sức vốn là thế mạnh từ lâu của PNJ. Theo bà Cúc, hướng đi này cũng là lợi thế của PNJ bởi không phải DN nào cũng mạnh về mảng thiết kế, sản xuất nữ trang.
Dù đồng tình với chủ trương của NHNN, song nhiều DN vẫn không khỏi tiếc nuối bởi dây chuyền sản xuất vàng miếng hàng chục tỷ đồng được họ đầu tư đang phải đắp chiếu chờ ngày thanh lý giá rẻ. Ông Nguyễn Minh Châu - Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho hay, DN này đã từng bày tỏ rất mong muốn được cùng SJC gia công vàng thương hiệu quốc gia và khẳng định hoàn toàn có đủ khả năng làm việc này. “Dây chuyền máy móc và công nghệ đúc vàng mới được chúng tôi nâng cấp từ năm 2007, hiện đang là công nghệ mới nhất của thế giới. Từ thời điểm đó tới nay công ty khấu hao chưa đáng kể mấy. Với tình hình này có lẽ chúng tôi chỉ giữ lại được một số máy để làm nữ trang, số còn lại đành thanh lý hết”, ông Châu thở dài nói.
Ngọc Khanh
Thời báo ngân hàng
|