Bất thường thị trường vàng miếng: Dân thiệt, doanh nghiệp lao đao
Mục tiêu quan trọng mà Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đặt ra là kéo sát giá vàng trong nước và thế giới, nhưng nay chưa đạt được, trong khi cả người dân và doanh nghiệp đều bị thiệt hại lớn, do hiệu ứng từ việc độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng...
Doanh nghiệp trắng tay
Có mặt tại xưởng sản xuất vàng miếng thương hiệu AAA của Tổng Cty vàng Agribank tại Phố Vọng (Hoàng Mai, Hà Nội), phóng viên Tiền Phong chứng kiến cảnh cả hệ thống máy móc đắp chiếu, bụi bám dày.
Trên diện tích hơn 500 m2, với 2 tòa nhà 5 tầng nhưng hiện chỉ sử dụng một tòa nhà. Trong khuôn viên gần 100m2 tại tầng 1 chuyên sản xuất vàng miếng thì nay máy móc từ bàn cân, lò nung, máy đúc, máy cắt… đắp chiếu.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nguyệt - Giám đốc chi nhánh chế tác vàng AAA cho biết: “Xưởng sản xuất vàng miếng thương hiệu AAA ngừng hoạt động từ ngày 24-11-2011, sau khi Ngân hàng Nhà nước có lệnh cấm. Tính từ năm 2004, khi chúng tôi được cấp phép sản xuất vàng miếng, đã sản xuất được 15 tấn vàng miếng, trong đó có 400.000 lượng vàng AAA loại 1 lượng”.
Theo chị Nguyệt, để xây dựng được thương hiệu vàng miếng AAA, doanh nghiệp đã tiêu tốn hàng chục tỷ đồng.
Hệ thống máy móc nhập từ Ý, thiết kế và nhận diện thương hiệu phải thuê trường Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội. Riêng hệ thống máy móc khi đó trị giá gần 10 tỷ đồng (tính thời điểm đó trị giá trên 1.000 cây vàng).
“Việc đầu tư máy móc sản xuất vàng miếng tốn kém nhưng còn tính được bằng tiền, còn việc xây dựng thương hiệu khó tính chính xác được. Khi chúng tôi bán sản phẩm vàng miếng AAA ra thị trường thì người dân chưa có thói quen mua vàng miếng, nên phải quảng cáo, khuyến mãi, tặng kèm những sản phẩm vàng khác. Sau 3 – 5 năm chúng tôi mới tạo ra thương hiệu trên thị trường, để người dân tin tưởng và mua bán. Thời kỳ sôi động nhất, một ngày Cty sản xuất 5.500 lượng vàng miếng (tương đương 2 tạ vàng)”, chị Nguyệt chia sẻ.
Chịu chung số phận, xưởng sản xuất vàng miếng thương hiệu Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng phải đắp chiếu.
Ông Trần Hữu Phúc - Giám đốc sản xuất Cty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho biết: “Chi phí tạo nên thương hiệu thì không gì tính được. Chúng tôi vô cùng xót xa nhìn thương hiệu vàng do mình xây dựng đang mất dần”, ông Phúc nói.
Dân mất tiền oan
Cả nước có 7 dây chuyền sản xuất vàng miếng của 6 doanh nghiệp (riêng Agribank có 2 dây chuyền, một ở Hà Nội, một ở Sài Gòn), thì nay theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất vàng miếng (chỉ thuê Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) gia công). Số dây chuyền sản xuất vàng miếng còn lại coi như bỏ đi.
Theo ông Nguyễn Đình Tuyến - Quản lý sản xuất, Cty CP thương mại vàng bạc đá quý Phương Nam (NJC), mỗi đơn vị đầu tư khoảng chục tỉ đồng cho máy móc thiết bị sản xuất vàng miếng.
Tuy nhiên, thiệt hại lớn hơn cả đối với DN là bỗng dưng bị “truất quyền thi đấu”, dù trước đó họ được NHNN cấp phép và đã đầu tư một khoản kinh phí không nhỏ để quảng bá thương hiệu, nhưng nay bị mất trắng.
Ngoài ra, để thu hút khách hàng, DN buộc phải bán sản phẩm bằng giá vốn, tức là “làm không công”, về mặt lợi nhuận thì đây cũng là một thiệt hại đáng kể.
Ngoài ra, theo ông Tuyến, bản thân người dân sở hữu vàng miếng phi SJC đang bị thiệt hại lớn từ chính sách độc quyền này. Dù chất lượng vàng của NJC cũng như các thương hiệu khác không thua gì so với SJC, chỉ khác về mặt thương hiệu.
Ông Tuyến, cho biết: “Khi mới được phép sản xuất vàng miếng, chúng tôi có hứa với khách hàng là “một đổi một”, tức nếu khách hàng cần bán thì mình thu mua lại bằng với giá của SJC.
Nhưng khi Nhà nước ra quy định các DN không được sản xuất vàng miếng nữa thì nghiễm nhiên SJC thành độc quyền, còn mình thành phế phẩm.
Những người đã bán ra hết rồi thì thôi, còn những người bây giờ muốn bán lại với số lượng lớn, cả trăm lượng, một mặt chúng tôi không đủ tiền mua, mặt khác không có ai sẵn sàng mua lại vàng của chúng tôi, hoặc có thu mua nhưng với giá rẻ hơn giá với SJC đến 1,6 triệu đồng/lượng, khiến khách hàng bị thiệt hại nhiều nên họ rất bức xúc”.
Đại diện một DN từng được sản xuất vàng miếng (xin không nêu tên) cho biết: “Trước đây khi chỉ có một đơn vị dập vàng miếng gia công, chúng tôi cũng như các DN khác từng bị họ ép.
Họ lấy lý do này nọ để không chịu dập ngay mà lưu một tháng sau, từ khi nhận vàng nguyện liệu, mới trả vàng miếng theo đơn đặt hàng. Trong một tháng này, họ lấy vàng của chúng tôi để kinh doanh kiếm lời.
Vì bị o ép và không được xem là thượng đế, nên chúng tôi mới phải đầu tư máy móc thiết bị dập vàng miếng. Nay trở lại độc quyền sản xuất vàng miếng, sẽ không tránh khỏi tình trạng tương tự”.
Theo vị đại diện trên khi đã độc quyền thì giá cả sẽ khó sát với thị trường, nhất là khi giá thị trường thế giới xuống, và người thiệt sẽ là người tiêu dùng.
“Đời nào anh độc quyền chịu hi sinh lợi ích của mình để giám giá, bán giá thấp, vì họ đâu có người cạnh tranh, trong khi người mua khi cần thì bắt buộc vẫn phải mua mà không có lựa chọn khác”- vị đại diện nói.
Ngọc Mai - Đại Dương
Rủi ro chính sách, DN tự chịu
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Quốc Quýnh, Thư ký Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam nói: “Trước đây, các thương hiệu vàng phi SJC đều do NHNN cho phép sản xuất vàng miếng, nên doanh nghiệp mới đầu tư máy móc. Thậm chí NHNN còn cho những doanh nghiệp này vay vốn để phát triển thị trường vàng trong nước. Bỗng dưng NHNN thay đổi chính sách, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Với sự thay đổi chính sách một cách đột ngột thế này thị trường vàng không biết rồi sẽ đi về đâu”.
N.M ghi
|
tiền phong
|