“Sếp” ngân hàng “rủ nhau” từ nhiệm: Bình thường và bất thường
Vẫn biết quyết định thay “tướng” tại các ngân hàng thương mại không có gì lạ nhưng việc 4 “sếp cỡ bự” của ACB và Eximbank liên tiếp và đồng loạt xin rời bỏ các vị trí công tác có thể xem là một “hiện tượng bất thường”.
Tuy nhiên, đằng sau hiện tượng bất thường này, có thể sẽ là một kết cục mang tính đương nhiên.
4 "sếp lớn" của Eximbank và ACB cùng từ nhiệm.
|
Như Petrotimes đưa tin, liên tiếp trong các ngày 19, 20 và 21/9/2012, thị trường tài chính – ngân hàng chứng kiến màn “rửa tay, gác kiếm” của 4 nhân vật được đánh giá là những “cao thủ” hàng đầu, có tiếng tăm trong giới ngân hàng. Sự ngờ vực xoay quanh các quyết định trên gần như ngay lập tức được dư luận xã hội đặt ra. Có hay không một mối quan hệ đặc biệt đằng sau các quyết định trên là điều mà xã hội đặc biệt quan tâm.
Và dù cả ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và ông Phạm Trung Cang đều đã lên tiếng khẳng định lý do từ nhiệm của mình hoàn toàn mang tính chất cá nhân, song sự “đồng thời” của những quyết định trên không tránh khỏi sự hoài nghi về cái gọi là “lý do cá nhân” mà các ông này đưa ra. Sự hoài nghi này là hoàn toàn có cơ sở khi mà cả 4 cá nhân trên đều đã từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại Ngân hàng Á Châu (ACB).
Theo những thông tin mới nhất được phát đi từ lãnh đạo các ngân hàng ACB và Eximbank thì cả 4 cá nhân trên rất có khả năng liên quan đến hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của ông Lý Xuân Hải - cựu Tổng giám đốc ACB. Cụ thể: Các cá nhân trên có liên quan đến việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải uỷ thác 19 nhân viên ngân hàng nhận khoản tiền 718 tỉ đồng.
Nhiều thông tin lại cho rằng, khoản tiền 718 tỉ đồng trên đã “chảy” vào tài khoản của Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - Tp Hồ Chí Minh), người từng được biết đến là đại gia trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán và hiện số tiền này đi đâu không rõ.
Vậy trách nhiệm của 4 cá nhân trên ở đâu xoay quanh khoản tiền 718 tỉ đồng được cho là “cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của ông Lý Xuân Hải? Và liệu đây có phải là lý do khiến cả 4 cá nhân trên nhất loạt từ nhiệm hay không?
Lời giải chính thức cho câu hỏi này vẫn đang được cơ quan điều tra làm rõ nhưng với những vi phạm pháp luật của ông Lý Xuân Hải thì trách nhiệm của các cá nhân liên quan là không thể tránh khỏi. Vấn đề bây giờ là trách nhiệm của các cá nhân này trong sai phạm trên đến đâu mà thôi.
Nhóm lợi ích có thể là mầm mống gây hoạ cho doanh nghiệp.
|
ACB và Eximbank đều lên khẳng định các ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ và ông Phạm Trung Cang có liên quan tới ông Lý Xuân Hải. Trong đó, ông Trịnh Kim Quang và Lê Vũ Kỳ được cho là đã ký phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải uỷ thác 718 tỉ đồng cho các nhân viên ngân hàng mang đi gửi.
Tất cả mới dừng lại ở diện nghi vấn nhưng nếu mối quan hệ trên mức bình thường giữa Lý Xuân Hải và 4 cá nhân trên thực sự đã tồn tại thì xem ra, trách nhiệm của các ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ và Phạm Trung Canh cần phải làm rõ.
Petrotimes từng đề cập tới mối quan hệ chéo, sở hữu chéo hoặc vai trò của một hay một nhóm lợi ích trong hệ thống ngân hàng. Những cá nhân hay nhóm lợi ích này sẽ lợi dụng tầm ảnh hưởng của mình tại các ngân hàng để chi phối, nắn “dòng vốn” hoặc hướng các khoản đầu tư, cho vay của ngân hàng đó về các công ty “sân sau” của mình hoặc các dự án của riêng mình.
Và tất nhiên, trong chuỗi quan hệ đó, rất có thể một khoản tiền không nhỏ đã “bốc hơi” trong quá trình luân chuyển của “dòng chảy tiền”. Việc cả 4 sếp bự ở ACB và Eximbank đồng thời xin từ chức không khỏi khiến người ta nghĩ tới cái gọi là “nhóm lợi ích” được hình thành trong mối quan hệ này. Đáng nói hơn nữa là hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng, “nhóm lợi ích” trên rất có thể có thêm cả ông Lý Xuân Hải.
Suy luận này hoàn toàn có căn cứ bởi bản thân những cá nhân trên có một điểm chung là đều đã và đang nắm giữ những vị trí tối quan trọng ở ACB. Đặc biệt, những sai phạm xoay quanh khoản tiền 718 tỉ đồng ở ACB lại diễn ra trong giai đoạn ông Trần Xuân Giá làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Rồi việc Nguyễn Đức Kiên lợi dụng các mối quan hệ cũng như ảnh hưởng của mình ở các ngân hàng thương mại trên để “làm xiếc”, mang tiền ảo ra vẽ dự án, rồi lại mang dự án đi cầm cố lại để lấy tiền thật. Là người đứng đầu ACB, là người có kiến thức uyên thâm về tài chính ngân hàng, lại từng là người đứng đầu ngành kế hoạch đầu tư – liệu ông Trần Xuân Giá có biết? Trách nhiệm của ông với vai trò là Chủ tịch hội đồng quản trị ở đâu?
Hai quả bom tấn “bầu” Kiên và Lý Xuân Hải đã “phát nổ” và thị trường tài chính, ngân hàng được một phen chao đảo. Những hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế của Lý Xuân Hải, Nguyễn Đức Kiên đang được cơ quan công an làm rõ. Những sai phạm này diễn ra khi cả 4 ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ và Phạm Trung Cang đang nắm vai trò “xương sống” của ACB và Eximbank. Nên, mặc dù đã từ chức nhưng trách nhiệm của những người đứng đầu là không thể không đề cập đến.
Vậy nên, nếu có việc các cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của những người này ở mức cao hơn thì cũng là lẽ đương nhiên.
Petrotimes
|