Ngân hàng khó niêm yết vì nợ xấu
Kể từ 29/10/2012, các ngân hàng muốn niêm yết sẽ phải đáp ứng những yêu cầu mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong số đó có quy định về tỷ lệ nợ xấu dưới 3% trong 2 quý liên tiếp.
Đây sẽ là rào cản cho nhiều ngân hàng muốn niêm yết trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay và đặc biệt, không ít ngân hàng đang niêm yết cũng không đáp ứng được quy định mới.
Điều kiện niêm yết: vừa nới, vừa siết
Theo Thông tư số 26/2012/TT-NHNN của NHNN hướng dẫn thủ tục về việc niêm yết cổ phiếu trên TTCK trong nước và nước ngoài của tổ chức tín dụng cổ phần, có hiệu lực kể từ ngày 29/10/2012, các tổ chức tín dụng muốn niêm yết phải tuân thủ 9 điều kiện.
Ông Cao Tấn Phát, chuyên viên phân tích ngành ngân hàng của CTCK ACB (ACBS) nhận xét, điều kiện niêm yết trong Thông tư 26 có nhiều điểm mới so với quy định tại Quyết định số 787/2004/QĐ-NHNN (về việc ngân hàng TMCP đăng ký niêm yết và phát hành cổ phiếu ra công chúng). Chẳng hạn, thời gian hoạt động tối thiểu tính đến thời điểm đề nghị giảm từ 5 năm xuống 2 năm; tỷ lệ nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý trong thời gian 2 quý liền kề, thay vì 2 năm như trước đây.
Tuy nhiên, Thông tư 26 có những điều kiện thắt chặt hơn về vấn đề quản trị ngân hàng. Theo đó, phải tuân thủ các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành liên tục trong 6 tháng liền kề trước thời điểm đề nghị niêm yết; phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của NHNN; tại thời điểm đề nghị, HĐQT, Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng có số lượng và cơ cấu đảm bảo, có bộ phận kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật...
Nhiều ngân hàng không đủ điều kiện niêm yết do nợ xấu
Hiện có 9 tổ chức tín dụng niêm yết trên TTCK gồm: 8 ngân hàng là ACB, CTG, EIB, MBB, NVB, SHB, STB, VCB và 1 công ty tài chính là PVF. Ngoài ra, còn có BIDV (với mã chứng khoán BID) đã nộp hồ sơ niêm yết trên HOSE từ ngày 25/5/2012, nhưng đang tạm hoãn.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho biết, Thông tư 26 sẽ hạn chế các ngân hàng niêm yết, bởi rất nhiều ngân hàng hiện chưa có bộ phận kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ đạt chuẩn. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu cũng là một vấn đề lớn, do không phải ngân hàng nào cũng tuân thủ việc phân loại nợ theo Điều 7 Quyết định 493 của NHNN, chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.
“Với tình hình kinh tế hiện nay, nhiều ngân hàng lớn cũng không đáp ứng được tỷ lệ nợ xấu dưới 3% trong 2 quý liền kề”, vị chuyên gia nói.
Theo thống kê của ĐTCK, tính đến quý II/2012, không ít tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu (theo dữ liệu công bố chính thức) trên 3% như NVB (3,87%), VCB (3,5%), PVF (3,22%), BIDV (3,29%), BaovietBank (4,31%), PGBank (3,06%)…
Được biết, một loạt ngân hàng khác như Nam Á, Phương Nam, Đại Á, Đông Á, Techcombank, HDBank… đã lên kế hoạch niêm yết trong năm 2011 hoặc năm 2012. Tuy nhiên, phần lớn kế hoạch trên vẫn đang được hoãn lại vô thời hạn.
Nguyễn Quang
đầu tư chứng khoán
|