Xếp hạng tín dụng: Vũ khí ngăn rủi ro, ngừa nợ xấu
Chưa bao giờ, việc xếp hạng tín dụng, xếp hạng tín nhiệm lại nóng như hiện nay. Sự kiện Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC - Ngân hàng Nhà nước) công bố Xếp hạng tín dụng Top 1.000 doanh nghiệp (diễn ra hôm nay - 21/9) thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là doanh nghiệp và ngân hàng.
Tránh rủi ro, ngừa nợ xấu
TS. Nguyễn Hữu Đương, Phó giám đốc CIC cho hay, việc xếp hạng tín dụng của CIC phục vụ chủ yếu cho hoạt động ngân hàng, nhằm tiến tới minh bạch thông tin của các doanh nghiệp (DN) và các tổ chức tín dụng Việt Nam. Kết quả xếp hạng của CIC sẽ giúp sàng lọc, tìm kiếm cơ hội đầu tư, khẳng định vị thế cho DN tốt. Đồng thời, là kênh thông tin hiệu quả để tổ chức tín dụng tham khảo trong đánh giá khách hàng, quản trị rủi ro tín dụng.
Trên thực tế, hoạt động xếp hạng tín dụng DN ở Việt Nam còn khá mới mẻ, song được các ngân hàng, DN đánh giá rất cao. TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho hay, hoạt động tín dụng chiếm 50 - 70% tổng thu nhập của ngân hàng, song cũng đối mặt với rất nhiều rủi ro. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là đối tượng được cấp tín dụng cố tình lừa đảo, trây lỳ, không trả nợ đúng hạn, hoặc sử dụng vốn sai mục đích, do yếu kém trong kinh doanh và quản lý. Rủi ro này hoàn toàn có thể giảm thiểu, nếu các ngân hàng thực hiện tốt khâu “phòng bệnh”, tức là sàng lọc khách hàng từ trước khi cấp tín dụng.
“Thông qua xếp hạng tín dụng của khách hàng, ngân hàng có thể đánh giá cơ bản về mức độ rủi ro của khách hàng, sàng lọc được khách hàng tốt để phục vụ việc ra quyết định cấp tín dụng. Đây cũng là cơ sở để ngân hàng có thể tập trung vào các đặc điểm riêng của khách hàng, để có biện pháp quản lý tín dụng hiệu quả”, ông Hưởng nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Xuân Đồng, Trưởng ban Quản lý rủi ro (Agribank) cũng cho rằng, xếp hạng tín dụng giúp ngân hàng giảm chi phí, thời gian ra quyết định cho vay, cũng như quản trị rủi ro tín dụng tốt hơn.
Về phía DN, kết quả xếp hạng tín dụng cũng mở ra khá nhiều cơ hội. Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty May thêu An Phước khẳng định, xếp hạng tín dụng là cơ sở để DN đánh giá vị thế cạnh tranh, nhất là so với các DN cùng ngành, đánh giá độ tín nghiệm với ngân hàng. Đây cũng là cơ sở để DN tránh rủi ro trong lựa chọn đối tác kinh doanh.
Xếp hạng tín dụng sẽ ngày càng “hot”
Hoạt động xếp hạng tín dụng, xếp hạng tín nhiệm với DN, với các quốc gia đã phổ biến trên thế giới từ lâu với sự làm mưa, làm gió của 3 “đại gia”: Standard & Poor’s (S&P), Moody’s và Fitch. Kết quả xếp hạng mà các hãng xếp hạng này đưa ra có thể làm thay đổi vận mệnh của một DN, thậm chí một quốc gia.
Tại Việt Nam, hiện mới có tổ chức xếp hạng tín dụng công là CIC, bên cạnh hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của các ngân hàng thương mại. Kết quả xếp hạng của CIC được xem là đáng tin cậy nhất, có uy tín nhất để các ngân hàng tham khảo, điều chỉnh kết quả xếp hạng tín dụng nội bộ. Dù hiện tại, kết quả xếp hạng tín dụng vẫn chưa được phổ cập rộng rãi, song TS. Nguyễn Hữu Đương tin tưởng: “Thời gian tới, xếp hạng tín dụng sẽ phổ cập rộng rãi ở Việt Nam vì lợi ích chung của cả nền kinh tế”.
Với các ngân hàng, tuy không coi xếp hạng tín dụng là “thần dược” để chống rủi ro tín dụng, song TS. Nguyễn Đức Hưởng cũng thừa nhận, đây là đòi hỏi cần thiết không chỉ với DN, ngân hàng thương mại, mà còn cả nền kinh tế.
Chung nhận định, đa phần các ngân hàng, DN đều cho rằng, xếp hạng tín dụng thời gian tới sẽ ngày càng “hot”, bởi không chỉ với DN, ngân hàng, mà còn với các nhà đầu tư.
Cụ thể, với các nhà đầu tư nước ngoài, hoặc các nhà đầu tư chứng khoán, xếp hạng tín dụng được coi là kênh cung cấp thông tin đa chiều để nhà đầu tư đưa ra quyết định đúng đắn. Việc khó nhất hiện nay trong đảm bảo thông tin chính xác của hoạt động xếp hạng tín dụng, theo TS. Nguyễn Hữu Đương, chính là độ trung thực của báo cáo tài chính DN. Đến nay, mới chỉ có khoảng 1% báo cáo tài chính của DN được kiểm toán.
Thùy Liên
Đầu tư
|