Thứ Sáu, 21/09/2012 06:07

Nền kinh tế đang “thừa vốn, thiếu tiền”

Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Đại Lai, những đồng vốn huy động đang chảy theo mô hình của một công ty tài chính thay vì cho doanh nghiệp vay.

Tại Hội thảo “Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cơ hội vốn cuối năm 2012” do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức ngày 20-9 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) sản xuất còn rất yếu, vốn cũ chưa trả hết, vốn mới không đủ điều kiện tiếp cận, không có thị trường đầu ra. Trong khi đó, tình trạng huy động vốn tăng nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn “dẫm chân tại chỗ”.

Nguồn vốn chạy lòng vòng

Theo TS Nguyễn Đại Lai, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước -NHNN), phần lớn tín dụng bơm ra trong tám tháng qua chủ yếu để người vay trả nợ cũ hoặc để đảo nợ, làm cho tổng dư nợ vẫn ở mức cũ. Đối với thị trường vốn cũng có tình trạng ứ đọng, không tìm được nhiều khách hàng đủ điều kiện hấp thụ vốn mới hiệu quả và an toàn để bán vốn. Cả nền kinh tế đang trong trạng thái “thừa vốn, thừa hàng và thiếu tiền”.

Ông Lai dẫn chứng theo con số Tổng cục Thống kê đưa ra và đặt câu hỏi, tính đến hết tháng 8, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng có mức tăng khá mạnh (hơn 10%) thì dư nợ tín dụng chỉ nhích thêm 1,4% so với cuối năm 2011. Vậy luồng tiền đi đâu? Theo ông Lai, những đồng vốn huy động này đang chảy theo mô hình của một công ty tài chính thay vì cho DN vay. Theo đó, thứ nhất, tiền có thể chảy theo các nhóm lợi ích để cho vay. Thứ hai, tiền đổ vào các công cụ tài chính như trái phiếu DN. Thứ ba, đồng vốn huy động đang chảy loanh quanh ở thị trường liên ngân hàng giữa các ngân hàng với nhau, hay nói cách khác lượng tiền thay vì chảy vào sản xuất thì lại đang bị thao túng bởi các quan hệ sở hữu chéo vô cùng chằng chịt.

Tình trạng huy động vốn tăng nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn “dẫm chân tại chỗ”.
Tình trạng huy động vốn tăng nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn “dẫm chân tại chỗ”.

Mặt khác, theo ông Lai, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến vốn chưa đến tay DN là do tình trạng lạm phát liên tục tăng cao trong ba năm qua đã làm cho tiền buộc phải chui vào hàng hóa để làm phương tiện thanh toán (do giá tăng) thay vì chui vào ngân hàng để đi ra sản xuất.

Tẩy chay ngân hàng đòi phí “bôi trơn”

Để tháo gỡ khó khăn cho DN và ngân hàng, ông Lai cho rằng các DN cần mở rộng thị trường tiêu thụ theo nguyên tắc “buôn có bạn, bán có phường” thông qua các hiệp hội ngành nghề để hình thành các kênh phân phối hợp lý. Chính phủ cần có chính sách “kích” mạnh vào năng lực mua hàng hóa, dịch vụ chứ không nên “kích” mạnh vào khu vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ. NHNN nên làm đầu mối mua vốn của các ngân hàng thừa với lãi suất bằng lãi suất tái cấp vốn do NHNN ấn định trừ đi 1% và bán lại cho ngân hàng thương mại (NHTM) thiếu bằng hoặc xấp xỉ lãi suất tái cấp vốn cùng kỳ, không cao hơn lãi suất cho vay ngoài thị trường.

Ngoài ra, theo ông Lai, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có thể thành lập một công ty mua bán nợ hoặc môi giới mua bán nợ để khai thác các khoản vốn phải thu, trả chưa đáo hạn của giữa các NHTM. “Cạnh đó, NHNN nên sớm dỡ bỏ mọi quy định trần lãi suất, nếu sử dụng biện pháp hành chính để can thiệp lãi suất thì nên áp ở lãi suất cho vay. Đồng thời, Nhà nước sớm có cơ chế xóa bỏ mọi hình thức sở hữu chéo giữa DN với ngân hàng” - ông Lai đề xuất.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng VN bổ sung DN cần chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với khả năng, tình hình tài chính hiện có và năng lực, sở trường của DN. Thực hiện công khai, minh bạch tình hình tài chính để tạo điều kiện cho các ngân hàng xem xét, quyết định cung ứng vốn tín dụng chính xác. “Trong trường hợp ngân hàng nào có hiện tượng đòi phí “bôi trơn” thì đề nghị DN lựa chọn ngân hàng khác để vay bởi nguồn cung rất lớn” - bà Hạnh nhấn mạnh.

Chưa thể giảm lãi suất cho vay

Hiện nay hệ thống ngân hàng tăng trưởng tín dụng thấp, hầu hết dư nợ cho vay của các ngân hàng trong những tháng đầu năm 2012 đều giảm so với đầu năm. Nguyên nhân chính là do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp nên ngân hàng gặp khó khăn trong mở rộng thị phần cung tín dụng. Việc tiêu thụ sản phẩm dịch vụ giảm dẫn đến khả năng phát triển sản xuất của DN gặp nhiều khó khăn, giảm khả năng trả nợ vay ngân hàng. Hiện lãi suất huy động còn 9% nhưng các ngân hàng chưa thể giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp ngay được.

Bà TRẦN THỊ HỒNG HẠNH, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam


TRÀ PHƯƠNG

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Vốn đầu tư tài chính: Khoảng trống pháp lý, giám sát (20/09/2012)

>   Vụ vi phạm quy định cho vay: bắt thêm 11 người (20/09/2012)

>   Ngân hàng đang hành xử như công ty tài chính (20/09/2012)

>   Vì sao lãi suất huy động lại tăng cao? (20/09/2012)

>   “Sức khỏe” ngân hàng Việt Nam qua các con số mới nhất (20/09/2012)

>   "Xử lý nợ xấu phải theo nguyên tắc của thị trường" (19/09/2012)

>   Lãi suất liên ngân hàng giảm mọi kỳ hạn (19/09/2012)

>   Mừng 19 năm thành lập, GP.Bank khuyến mại cực lớn với tổng giá trị 10 tỷ đồng (21/09/2012)

>   ACB: Ông Trần Hùng Huy giữ chức Chủ tịch HĐQT từ 18/9 (19/09/2012)

>   ACB: Chủ tịch Trần Xuân Giá và 2 Phó Chủ tịch đồng loạt từ nhiệm HĐQT (19/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật