Thứ Tư, 19/09/2012 19:01

"Xử lý nợ xấu phải theo nguyên tắc của thị trường"

Thời gian gần đây, vấn đề giải quyết nợ xấu hay nợ khó đòi đã được các nhà quản lý và các chuyên gia bàn thảo nhiều nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có cơ quan nào đưa ra được giải pháp để giải quyết căn cơ vấn đề này.

Trên thực tế, cũng chưa hề có một con số chính xác nào về nợ xấu, cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước đưa ra con số lỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 8,6%, tương đương với 202 nghìn tỷ đồng, còn Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tính toán thì lại là 11,8%, tương đương với 270 nghìn tỷ đồng. Vậy nợ xấu của các ngân hàng là bao nhiêu vẫn còn là ẩn số, nhưng đa số các chuyên gia tại Hội thảo khoa học "Cơ chế xử lý nợ xấu: Kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam" do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức ngày 19/9 đều nhận định con số này là không nhỏ.

Nhiều “con đường” dẫn đến nợ xấu

Tại hội thảo, các chuyên gia đều nhận định rằng, nợ xấu không đến từ một nguyên nhân mà bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, do năng lực quản trị rủi ro tại mỗi ngân hàng, thể hiện trong việc xếp hạng tín dụng nội bộ khách hàng, nên kết quả xếp hạng tín dụng mang tính chất chủ quan. Các ngân hàng chưa xây dựng được thước đo lượng hóa rủi ro nên chưa tính toán chính xác được yếu tố này dẫn đến quyết định cho vay, phân loại nợ chưa chính xác. Những khoản rủi ro to thì làm bé đi, khoản vay bé thì làm cho nó to lên.

Bên cạnh đó, hiện có đến 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không ít doanh nghiệp có báo cáo tài chính không chính xác, trong khi phần lớn các báo cáo tài chính này lại không được kiểm toán. Ngay cả đối với những doanh nghiệp lớn được kiểm toán thì sự chậm chễ trong việc công bố báo cáo cũng như chất lượng kiểm toán cũng gây không ít khó khăn cho ngân hàng.

“Vì thế, một số khoản vay ra khỏi ngân hàng, bản chất đã là nợ xấu, không cần phải đợi đến khi không trả được nợ. Biết vậy, nhưng ngân hàng không dễ ngăn chặn được. Đặc biệt khi các ngân hàng và doanh nghiệp có quan hệ “mật thiết,” phụ thuộc lẫn nhau (sở hữu chéo) thì nguồn lực dễ bị phân bổ, sai lệch, bất hợp lý, cho vay bất chấp các quy định về an toàn vốn, nợ xấu tất yếu sẽ tăng lên,” bà Mùi nhấn mạnh.

Một số các chuyên gia khác lại chỉ ra nợ xấu còn có nguyên nhân sâu xa từ đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ ngân hàng và khách hàng.

Một số chuyên gia cho rằng, ngân hàng là ngành kinh doanh đặc thù, cần dựa trên sự tin cậy và mức độ tín nhiệm thì đạo đức phải được đặt lên hàng đầu và ở khía cạnh nào đó còn mang tính bắt buộc. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ ngân hàng đã thông đồng rút ruột với khách hàng, cho vay khống dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy đã có chi nhánh phải xử lý hàng chục nhân viên do cấu kết với nhau rút ruột ngân hàng. Tuy nhiên hiện chưa có tính toán, trong tỷ lệ nợ xấu có bao nhiêu xuất phát từ đạo đức ngân hàng.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh và bà Dương Thu Hương, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng lại cho rằng, hiện tượng hàng tồn kho hiện nay chính là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp nhưng lại là nguyên nhân khách quan dẫn đến nợ xấu ngân hàng vì một lượng "tiền chết” nằm ở hàng tồn kho này không trả được ngân hàng.

Bên cạnh đó, nợ xấu còn nằm ở dạng “chuyển vốn cho vay thành vốn góp.” Khoản nợ này không chỉ “rất xấu” mà còn nguy hiểm ở chỗ đôi khi chỉ tồn tại trên sổ sách của con nợ và chủ nợ.

Xử lý nợ xấu phải theo thị trường

Tại hội thảo, có nhiều ý kiến trái ngược nhau xung quanh vấn đề giải pháp để xử lý nợ xấu, tuy nhiên hầu hết các ý kiến đều cho rằng giải quyết nợ xấu phải theo nguyên tắc thị trường.

Bà Mùi cho rằng, xử lý nợ xấu phải đi đôi với các biện pháp ngăn ngừa nợ xấu tiếp tục phát sinh. Nếu chỉ dừng lại ở việc xử lý nợ xấu mà không có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, giảm thiểu rủi ro hoạt động của các ngân hàng thì sau một thời gian, nợ xấu sẽ lại tích lũy và quy mô sẽ ngày càng lớn.

“Mục tiêu đặt ra xử lý nợ xấu không chỉ đơn thuần là nợ xấu trong ngân hàng. Nếu chỉ thế thì không giải quyết được vấn đề của thị trường. Mà mục tiêu bên cạnh giảm nợ xấu thì dòng vốn sạch phải đi vào được nền kinh tế. Nhanh chóng xử lý xong để nền kinh tế, doanh nghiệp có vốn sạch, vốn rẻ để ổn định, phát triển sản xuất,” bà Mùi nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trách nhiệm xử lý nợ xấu trước hết là của các tổ chức tín dụng và nguyên tắc xử lý nợ xấu phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường, vì các tổ chức tín dụng cho vay theo nguyên tắc thị trường. Theo đó, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng phải đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế. Giải pháp hỗ trợ của Nhà nước chỉ thực hiện đối với số nợ xấu còn lại sau khi tổ chức tín dụng đã tự xử lý và theo nguyên tắc đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế và xã hội.

Còn theo bà Hương, vấn đề cốt lõi hiện nay là phải làm thế nào để giải quyết được lượng hàng tồn kho rất lớn trong nền kinh tế. Bà Hương cho rằng, tồn kho mới là "cục máu đông," làm cho vốn đọng không chu chuyển được từ doanh nghiệp về ngân hàng, từ ngân hàng ra nền kinh tế.

“Vậy cứ giải quyết được hàng tồn kho đi, nợ xấu sẽ giảm. Tại sao chúng ta không nghĩ đến chuyện nâng cao sức mua, giảm thuế VAT cho doanh nghiệp để giảm giá thành sản phẩm. Nên quan tâm giải pháp giảm hàng tồn kho để giảm nợ xấu,” bà Hương nhấn mạnh.

Tại hội thảo nhiều đại biểu cũng đã đề cập đến việc có nên thành lập một công ty mua bán nợ quốc gia (AMC) hay không, trong khi công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) vẫn đang hoạt động bình thường. Nếu thành lập thì nguồn vốn lấy từ đâu, cơ chế xử lý nợ sẽ như thế nào… còn để DATC thì vốn và năng lực đều yếu vì xử lý nợ ngân hàng cần phải có một nguồn vốn lớn và rất phức tạp.

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia thì ủng hộ thành lập công ty AMC quốc gia, có thể nâng cấp từ DATC hoặc lập mới nhưng phải có một định chế đủ lớn để xử lý càng sớm càng tốt. Chính phủ phải ấn định thời gian thỏa thuận, mức chiết khấu giá mua nợ xấu.

Theo ông Tuyển, nguyên tắc của AMC bảo toàn vốn là chủ yếu, không lấy lợi nhuận làm trọng. Nếu có lãi (do đấu giá), có thể trích tỷ lệ nào đó để trả lại ngân hàng, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Tuyển cho rằng, Hội đồng của AMC này nên để Bộ Tài chính chủ trì, Ủy ban Giám sát, Ngân hàng Nhà nước chỉ là đại diện tham gia để cho khách quan. Ngân hàng Nhà nước có thể tạm ứng vốn ban đầu, AMC này có thể phát hành trái phiếu để hoạt động.

Trái ngược với những ý kiến đang tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì tiến sỹ Quách Mạnh Hào, Chủ nhiệm Khoa Tài chính-Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội lại đặt ra câu hỏi: Có nên cứu doanh nghiệp hay không? Rồi ông tự trả lời luôn: "Theo tôi, chẳng có lý do gì để cứu."

Bởi theo ông Hào, ngân hàng họ làm phát sinh nợ xấu là do lỗi của ngân hàng. Khi chúng ta cứu thì chúng ta có biết họ hoạt động như thế nào không? Các ngân hàng hiện nay chẳng khác nào mô hình Ponzi – dùng tiền người này trả cho người khác. Thực tế, về bản chất họ chẳng còn tiền, nay lại được Chính phủ cứu.

Ông Hào nhấn mạnh: “Tại sạo mọi người luôn quan tâm đến việc phải cứu ngân hàng vì chúng ta sợ người dân gửi tiền ở ngân hàng đó rút tiền gây bất ổn. Tôi thấy không cần thiết, bởi khi khách hàng chấp nhận gửi tiền vào ngân hàng nhỏ, rủi ro cao để nhận lãi suất cao là đã xác định rủi ro. Nếu chúng ta cứ lo cho họ thì coi như khuyến khích các hành động rủi ro. Nếu không nghĩ thấu đáo, giải quyết đúng bản chất vấn đề thì sẽ lâm vào vòng xoáy.”

Minh Thúy

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Lãi suất liên ngân hàng giảm mọi kỳ hạn (19/09/2012)

>   Mừng 19 năm thành lập, GP.Bank khuyến mại cực lớn với tổng giá trị 10 tỷ đồng (21/09/2012)

>   ACB: Ông Trần Hùng Huy giữ chức Chủ tịch HĐQT từ 18/9 (19/09/2012)

>   ACB: Chủ tịch Trần Xuân Giá và 2 Phó Chủ tịch đồng loạt từ nhiệm HĐQT (19/09/2012)

>   Tham nhũng tăng cao trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính (19/09/2012)

>   Vốn dân cư đang đỡ ngân hàng (19/09/2012)

>   Tỷ giá ổn định và những tác động tích cực (19/09/2012)

>   Thêm một ngân hàng thương mại cổ phần (31/12/2002)

>   Thông tư 26: Ngân hàng nhỏ hẹp cửa lên sàn (19/09/2012)

>   Chưa xử lý được nợ xấu, lại đua lãi suất (19/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật