Cấu trúc lại sản phẩm tín dụng
Theo các chuyên gia ngân hàng, đối với thị trường tiền tệ, những sản phẩm tín dụng của ngân hàng phải được cấu trúc cho phù hợp với người dân, với nền kinh tế như giảm lãi suất, kéo dài thời gian cho vay, có công cụ tài chính để bổ trợ cho sản phẩm tín dụng đó.
Nhu cầu nhiều, nhưng đáp ứng ít
Thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng, giá giảm mạnh đang trở thành cơ hội cho nhiều gia đình từng mơ ước sở hữu nhà trở nên hiện thực hơn. Song bên cạnh nguồn vốn tích góp được thì “gõ cửa nhà băng” cũng là kênh mà người mua nhà để ở thực sự quan tâm đến. Tuy vậy, tín dụng lĩnh vực này vẫn trong bối cảnh chưa tìm được tiếng nói chung giữa cung và cầu. Anh Trần Xuân Sắc - Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, gần đây nhiều chương trình cho vay BĐS được ngân hàng quảng cáo, tiếp thị trên các phương tiện truyền thông nhưng khả năng tiếp cận không phải dễ. Vợ chồng anh là công chức nhà nước, có mức thu nhập trung bình 15 - 20 triệu đồng/tháng, nhưng phải nuôi hai con nhỏ, lại không có tài sản thế chấp nên ngân hàng chỉ có thể cho vay 200 - 300 triệu đồng. “Hiện giá một căn hộ chung cư thuộc dạng “bét” nhất cũng phải trên 1 tỷ đồng. Vì vậy sở hữu nhà đối với tôi vẫn còn là giấc mơ khá xa vời”, anh Sắc chia sẻ.
Hiện trên một số diễn đàn mạng, vấn đề vay vốn ngân hàng mua nhà để ở cũng được các gia đình trẻ quan tâm. Bình luận về vấn đề này, giám đốc một doanh nghiệp BĐS cho rằng, trước đây khi thị trường nhà đất sốt nóng thì khá nhiều nhà đầu tư tìm đến kênh tín dụng, mục đích của họ chỉ là vay khoảng 1 năm “lướt sóng” kiếm lời rồi lại trả ngân hàng. Còn hiện nay, với người có nhu cầu thực, khi tiếp cận ngân hàng thì lại khác. Họ cần vốn vay dài hạn và tính toán khả năng trả nợ, trong khi nhiều ngân hàng cho vay chủ yếu là thời hạn 3-5 năm. Thậm chí đa phần các ngân hàng chỉ hỗ trợ cho khách hàng mua nhà tại các dự án trung và cao cấp nên người nhu cầu thực khó tiếp cận.
Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc NHTMCP Phương Đông (OCB) cũng cho biết, mặc dù hiện nay cho vay người dân mua nhà để ở vẫn được các ngân hàng triển khai. Tuy nhiên, điều kiện cho vay khá chặt chẽ, đặc biệt thu nhập của khách hàng được ngân hàng kiểm tra cẩn thận và phải có biện pháp phòng ngừa rủi ro rất cẩn trọng bởi giá nhà đất biến động khó lường. Trong khi đó, cán bộ tín dụng một NHTMCP cho biết, cho vay người dân mua nhà vẫn rất hạn chế, bởi đây là những khoản vay có kỳ hạn dài trong khi ngân hàng chỉ huy động được vốn ngắn hạn. Ngoài ra, lãi suất cho vay lĩnh vực này hiện nay vẫn ở mức cao khoảng 17%/năm nên cũng là rào cản với người có nhu cầu nhà ở thực sự.
Phải xây dựng được thị trường vốn
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, khi thị trường BĐS sôi động thì người dân lại dễ vay ngân hàng mua nhà hơn, nhưng đó là người mua nhà đầu cơ, thường thì họ đã có nhà ở rồi. Còn thời điểm này, gõ cửa ngân hàng chủ yếu là những người có nhu cầu mua nhà để ở. Tuy nhiên, do cấu trúc về tín dụng BĐS của hệ thống ngân hàng hiện nay chưa hợp lý. Chẳng hạn, một căn hộ khoảng 1 tỷ đồng, cho vay 700 triệu đồng, với tỷ lệ cho vay 70%. Nếu ở một số nước, ngân hàng cho vay mua một căn hộ chung cư như thế thì thời hạn vay phải 20 năm, và lãi suất ổn định và thấp cỡ khoảng 5-7%/năm. Như vậy, người đi vay trả mỗi tháng chỉ khoảng 4 triệu đồng tiền gốc và lãi ngân hàng. Có thể sự so sánh là khập khiễng, nhưng có như vậy nhiều người mới vay được tiền ngân hàng, nhất là với cán bộ công chức, những người có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Điểm không hợp lý nữa là trong khi thu nhập bình quân của người dân còn thấp nhưng giá BĐS vẫn ở mức khá cao nên cung - cầu BĐS cũng khó gặp nhau.
Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động của các ngân hàng hiện nay chủ yếu là ngắn hạn, trong khi tín dụng BĐS là dài hạn. Ở bên Mỹ, các ngân hàng huy động vốn có thể dài hơn ở Việt Nam hiện nay nhưng cũng chỉ kỳ hạn 6 tháng, 1 năm, nhiều thì 3 năm nhưng họ có thể cho vay BĐS dài hạn vì sau khi cho vay, họ bán tín dụng BĐS đó cho những công ty có vốn dài hạn. Các công ty này có niêm yết trên thị trường chứng khoán và được sự hỗ trợ của Chính phủ và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thị trường vốn dài hạn, chứ không phải phụ thuộc lớn vào thị trường tiền tệ như ở Việt Nam.
Theo các chuyên gia ngân hàng, để khơi thông thị trường BĐS cần phải phát triển thị trường vốn, khi đó mới có vốn dài hạn để tài trợ BĐS. Còn đối với thị trường tiền tệ, những sản phẩm tín dụng của ngân hàng phải được cấu trúc cho phù hợp với người dân, với nền kinh tế như giảm lãi suất, kéo dài thời gian cho vay, có công cụ tài chính để bổ trợ cho sản phẩm tín dụng đó. Ngoài ra, phải có công cụ đánh giá chặt chẽ về thị trường BĐS để tránh rủi ro.
Đức Nghiêm
thời báo ngân hàng
|