Rục rịch vốn ngoại vào y tế
Một số nhà đầu tư nước ngoài gần đây quan tâm đến lĩnh vực y tế ở Việt Nam mà lâu nay đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này còn rất thấp. Điều này phần nào sẽ giúp cải thiện được tình trạng quá tải của các bệnh viện hiện nay.
Những cam kết đầu tư mới
Sau khi đầu tư hai nhà máy dược tại TPHCM và Bình Dương, Tập đoàn Dược phẩm United (United Lab) của Philippines đã quyết định đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào Việt Nam qua việc cung cấp dịch vụ y tế. United Lab tuần rồi đã ký với High Precision Diagnostics (HPD) của Philippines để mở một phòng khám về chẩn đoán xét nghiệm y khoa tại TPHCM.
Theo kế hoạch, United Lab và HPD sẽ thành lập một liên doanh tại TPHCM nhằm đầu tư phòng khám y khoa này để sớm đưa vào khai thác vào năm tới.
Trong khi đó, Công ty Trip EYE (Canada) gần đây cũng cam kết xây dựng một bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế tại khu công nghiệp Đại An, tỉnh Hải Dương. Theo kế hoạch, một bệnh viện quy mô 200 phòng, với tổng vốn đầu tư 160 triệu đô la Mỹ cho giai đoạn 1, sẽ được động thổ xây dựng vào quí 1-2013. Dự kiến dự án sẽ đưa vào vận hành trong năm 2015 để phục vụ yêu cầu về khám chữa bệnh cho trên 20.000 lao động hiện có tại khu công nghiệp Đại An, cũng như người dân Hải Dương và các tỉnh lân cận.
Trong chuyến làm việc tại Việt Nam gần đây, đại diện Tập đoàn Mercatus Capital Pte Ltd (Singapore) cho biết sẽ triển khai một quỹ đầu tư vào lĩnh vực y tế. Đến Việt Nam lần này, Tập đoàn Mercatus Capital Pte Ltd đặt mục tiêu tìm các nhà đầu tư tốt để rót vốn thực hiện các dự án trong lĩnh vực y tế như mô hình Mercatus Capital đã thực hiện thành công tại một số nước trong khu vực.
Tập đoàn Y tế Fortis (Fortis Healthcare) của Ấn Độ sau khi sở hữu khoảng 65% cổ phần của tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ với trị giá khoảng 64 triệu đô la Mỹ vào năm ngoái, mong muốn tiếp tục đầu tư hơn nữa vào y tế của Việt Nam.
Theo ông Vishal Bali, CEO của Fortis Healthcare, Fortis trở thành cổ đông chính và là đối tác chiến lược của tập đoàn Hoàn Mỹ. Ông Bali cho biết sẽ tiếp tục cùng Hoàn Mỹ mở rộng hệ thống khám chữa bệnh tại Việt Nam sau khi đã phát triển được 5 bệnh viện tại TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt và Cà Mau cùng 4 phòng khám khác.
Thực tế Việt Nam đang bị đánh giá là nước có tỷ lệ đầu tư vào y tế chưa tương xứng với nhu cầu thực tế. Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống chăm sóc y tế của Việt Nam chưa phát triển cả về chất và lượng. Ngân sách nhà nước chi cho y tế hàng năm có tăng nhưng đầu tư cho lĩnh vực y tế của Việt Nam hiện nay nếu so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia... vẫn còn ở mức thấp.
Cụ thể tỷ lệ đầu tư chi cho lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ khoảng 7-8% tổng GDP, trong khi tỷ lệ các bệnh viện tư nhân mới chiếm 12% trong tổng số các bệnh viện trên cả nước.
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến tháng 7-2012, đầu tư FDI vào lĩnh vực y tế mới có 78 dự án với tổng vốn 1,16 tỉ đô la Mỹ, trong đó có 10 bệnh viện, 66 phòng khám và 2 cơ sở sản xuất thuốc.
Do đó, những động thái trên của nhà đầu tư cho thấy, lĩnh vực y tế vốn kém thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài giờ đây đã phần nào thay đổi.
Ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, trong số 137 bệnh viện tư nhân, chỉ có 6 bệnh viện 100% vốn nước ngoài đang hoạt động với tổng số vốn đầu tư là 94 triệu đô la Mỹ và con số này không thay đổi trong 10 năm nay.
Còn lại là khoảng 30 phòng khám có vốn đầu tư nước ngoài có tổng vốn đầu tư khoảng 14,354 triệu đô la Mỹ.
|
Nhắm đến phân khúc cao cấp
Mặc dù các dự án đầu tư vào y tế đang có chiều hướng gia tăng, song nếu nhìn vào tổng thể thì tỷ lệ đầu tư vào y tế so với những lĩnh vực khác vẫn bị xem là thấp.
So với nhiều lĩnh vực khác, đầu tư vào lĩnh vực y tế thì nhà đầu tư được hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư hơn.
Cụ thể Luật Đầu tư quy định, thuế thu nhập doanh nghiệp được hưởng mức thấp nhất là 10% trong cả đời dự án, miễn thuế 4 năm và giảm 50% trong các năm tiếp theo, miễn giảm tiền thuê đất ít nhất 7 năm... Nhưng cho đến nay, số bệnh viện tư nhân, gồm cả bệnh viện tư nhân trong nước và bệnh viện vốn đầu tư nước ngoài mới có 137/1.063 bệnh viện trên cả nước; tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng...
Theo một số nhà đầu tư, cũng bỏ ra một khoản tiền nhưng trước đây đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, tài chính hoặc bất động sản, thậm chí cả sản xuất thì vốn sẽ thu về nhanh hơn mà lợi nhuận có thể cao hơn. Trong khi đầu tư vào y tế chi phí ban đầu khá lớn, một bệnh viện hiện đại có vốn đầu tư lên đến cả vài chục triệu đến hàng trăm triệu đô la Mỹ nhưng thu hồi vốn rất chậm.
Do đầu tư chi phí ban đầu lớn, nên phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực y tế thường nhắm đến việc phục vụ bệnh nhân ở phân khúc cao cấp, phục vụ các đối tượng là người nước ngoài làm việc ở đây, kiều bào về nước hoặc người dân trong nước có mức thu nhập khá trở lên.
Mặt khác, đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư cũng nhắm đến một bộ phận người dân Việt Nam có mức thu nhập cao có xu hướng đi khám chữa bệnh ở các nước như Singapore, Pháp hoặc Thái Lan... Ở phân khúc này, bệnh nhân mới có thể chấp nhận dịch vụ phí cao. Do đó, các nhà đầu tư thường mở phòng khám, bệnh viện ở những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng... cụ thể như bệnh viên FV, tại TPHCM cũng nhắm đến bệnh nhân cao cấp.
Dân số Việt Nam hiện lên đến gần 90 triệu dân, nền kinh tế đang phát triển, theo các chuyên gia chắc chắn trong tương lai nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao sẽ còn cao hơn nữa. Vì vậy, đây là thời điểm để nhà đầu tư để mắt tới các dự án về y tế cao cấp.
Quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006 có đặt mục tiêu đến 2010 có 2 giường bệnh tư nhân trên 10.000 dân, nhưng thực tế chỉ đạt 0,7. Mục tiêu đến năm 2020 đưa số giường bệnh tư nhân lên 5 giường bệnh cho 10.000 dân, tức cả nước sẽ phải có khoảng 40.000 giường, trong khi hiện nay mới chỉ có 7.500 giường, chiếm 10% trong tổng số giường bệnh tại Việt Nam.
Quốc Hùng
TBKTSG Online
|