Rào cản đầu tư vốn tư nhân
Trong bài viết về các quỹ đầu tư tư nhân (PE) vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại VN, chúng tôi đã phác thảo một bức tranh về hoạt động PE có phần sáng sủa. Tuy nhiên, mặt trái của bức tranh này là dù tăng trưởng chưa thực sự đạt đến cực đại, một số ngành vốn được các quỹ PE tìm kiếm, đang có tín hiệu bão hòa. Trò chuyện với ông Trần Lương Thanh Tùng - Giám đốc Cty Tư vấn Đầu tư và Đào tạo CFE, lý giải vấn đề này.
- Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, một điều đáng ngạc nhiên là hoạt động của các quỹ PE vẫn không hề giảm sút, dù việc huy động vốn đã không còn dễ dàng. Dòng vốn vào thị trường Đông Nam Á theo đó cũng vẫn tiếp tục tăng lên, cho thấy nơi đang là khu vực hấp dẫn. Ông có thể cho biết vì sao?
Theo các báo cáo khảo sát gần đây nhất được công bố, khu vực Đông Nam Á (ĐNA) vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng về thu hút vốn đầu tư cổ phần tư nhân (PE) ở mức cao. Điều này là hợp lý khi dòng vốn luôn tìm đến các địa chỉ có mức tăng trưởng GDP tốt. Trong đó, ĐNA vẫn là điểm sáng trong bức tranh nhiều màu tối ở khu vực Châu Âu cũng như tại nhiều nền kinh tế phát triển khác trên thế giới.
- Theo ông, đâu là những vấn đề khiến các quỹ PE vẫn luôn quan ngại nhất về thị trường VN? Và trong tương lai dài hạn, VN cần cải thiện những vấn đề gì ở cả vĩ mô lẫn vi mô để hấp dẫn PE nhiều hơn?
Ở khu vực ĐNA, rõ ràng, tất cả các thành viên trong khối đều đang tạo điều kiện để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Indonesia, Philippine và gần đây nhất là Myanmar đang được nhắc đến như là điểm đến hấp dẫn. Trong khi đó, mặc dù VN vẫn được đánh giá cao nhưng để thu hút được nhiều nguồn đầu tư hơn nữa, VN cần phải lưu ý đến cạnh tranh của các nước trong khu vực.
Hai rào cản khá lớn đối với quỹ PE khi gia nhập thị trường VN là tính minh bạch và tín hiệu bão hòa của thị trường ở một số ngành. Nhiều DN hội tụ đủ điều kiện cho một thương vụ PE tốt, nhưng DN này lại có sự thiếu minh bạch trong hoạt động. Chẳng hạn như trong hoạt động đi vay, tài sản của DN được thế chấp nhiều nơi hoặc được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản. Nếu không điều nghiên tốt (Due Deligence), đây là rủi ro pháp lý lớn cho quỹ PE. Một vấn đề khác cũng quan trọng không kém đó là sự bão hòa của trong lĩnh vực PE. Ngoại trừ các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ PE khác có khuynh hướng lựa chọn các DN đầu ngành để tận dụng thế mạnh hiện có của DN mục tiêu và có thể giải ngân được số vốn lớn vào một doanh nghiệp. Hiện nay, hầu hết các DN đứng đầu một số ngành tốt đã tìm được đối tác chiến lược. Hiện tượng nguồn vốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các DN loại này thì lớn mà số lượng DN thì ít, tính cạnh tranh trong tiếp cận cơ hội đầu tư cao. Do đó, các quỹ PE muốn giải ngân mới buộc phải làm việc với các DN nhỏ hơn và giải ngân với số vốn nhỏ hơn. Đây lại là cơ hội tốt cho các DN nhỏ hơn trong ngành.
- Theo một nguyên lý thông thường thì DN càng nhỏ, tính minh bạch càng thấp. Một nguyên do cơ bản là DN nhỏ thì thường không đại chúng và thậm chí chưa thực thi mô hình DN cổ phần. Ông có lời khuyên nào đối với các DN nhỏ, để nâng cao hơn tính minh bạch và khuếch đại khả năng thu hút vốn, dù giá trị nhỏ, từ các quỹ PE?
Hai rào cản khá lớn đối với quỹ PE khi gia nhập thị trường VN là tính minh bạch và tín hiệu bão hòa của thị trường ở một số ngành. |
Khác với các loại hình quỹ đầu tư khác, một số Quỹ đầu tư PE không quá quan ngại đến quy mô ban đầu của DN mục tiêu, chẳng hạn như đầu tư vào các DN mới thành lập (“start up”). Cũng cần lưu ý, không hẳn DN càng nhỏ thì tính minh bạch càng thấp. Tính minh bạch cao hay thấp phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo DN hơn là phụ thuộc vào quy mô DN. Do vậy, để nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư, lãnh đạo DN cần xác định về mặt tư tưởng và cởi mở hơn nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động điều hành DN.
- Cuối cùng, ông có dự báo gì về những nhóm ngành PE hấp dẫn và xu hướng đầu tư PE thời gian tới? Đầu tư PE liệu có còn là kênh đầu tư thay thế hấp dẫn, so với nhưng kênh khác?
Các ngành tạo ra sản phẩm vật chất và phục vụ nhu cầu cơ bản của con người như thực phẩm, hàng tiêu dùng, bất động sản… vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của phần lớn các quỹ PE. Nhằm nhanh chóng nắm được tỉ lệ cổ phần cần thiết để có thể tham gia vào công tác điều hành DN khi cần thiết, nhiều khả năng các thương vụ PE sẽ được thực hiện tại các Cty niêm yết thông qua hình thức phát hành riêng lẻ với khối lượng lớn hay còn gọi là PIPE (“private investment in public equity”).
Một chiến lược đầu tư PE khác sẽ có nhiều cơ hội phát triển là đầu tư vào các DN đang gặp khó khăn (distressed investments). Nguồn vốn mới được đưa vào DN cộng với sự hỗ trợ về kinh nghiệm quản lý sẽ giúp cho các DN tái cấu trúc thành công và tạo ra giá trị gia tăng cho các bên liên quan.
- Xin cảm ơn ông!
Lê Mỹ
dđdn
|