Thứ Năm, 20/09/2012 14:05

Năng lực cạnh tranh: Đi chậm sẽ tự thụt lùi

Sự thúc ép cần có một bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ hồi đầu tháng 8/2012 đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã cho thấy mức độ cấp thiết của vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hiện tại.

Tương tự các nước trên thế giới, trong những năm vừa qua, Việt Nam đang phải trải qua giai đoạn khó khăn mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh tất cả các quốc gia đều cùng cảnh ngộ, việc năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam giảm đến 10 bậc trên bảng xếp hạng và đây là năm thứ 2 liên tiếp tụt hạng tại Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của WEF, khiến chúng ta phải một lần nữa soi lại chính mình qua con mắt của nhà đầu tư nước ngoài.

Nhìn vào thang điểm GCI là 4,1 dường như cũng không lấy làm quan ngại khi mức giảm điểm này chỉ là 0,1 trên thang điểm 7 so với năm 2012. Song điểm quan trọng là sự sụt giảm điểm xuất phát từ nội tại nền kinh tế vĩ mô và chính sách điều hành - những nhân tố mang tính ra quyết định cho nhà đầu tư mà chúng ta không phải không có khả năng thay đổi.

Nhìn vào 3 chỉ số thành phần và 12 yếu tố nội hàm của năm 2012 cho thấy, Việt Nam bị giảm điểm và giáng hạng ở cả 3 chỉ số thành phần. Trong đó có 9/12 chỉ số nội hàm không vượt được hạng 50 và phần lớn cận kề thứ hạng 100. Nếu như ở báo cáo năm 2011, Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao ở sự ổn định kinh tế vĩ mô tiến 20 bậc và được xem là một yếu tố quyết định đến thang điểm thì đến năm 2012, hạng mục này lại bị hạ tới 41 bậc. Nguyên nhân chủ yếu là do lạm phát 2011 gần chạm ngưỡng 20%, cao gấp đôi so với một năm trước đó.

Con số đầu tư cơ sở hạ tầng ngày một lớn, nhưng tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, kém hiệu quả đã khiến cơ sở hạ tầng một lần nữa được nhắc đến như một trở lực chính cho sự phát triển của nền kinh tế khi tụt thêm 5 bậc so với năm 2011 xếp hạng 95. Những lo ngại được đặt nặng vào chất lượng đường sá (xếp hạng 120/144), cảng (hạng 113).

Những rào cản về chính sách cũng không thể hạ thấp khi khu vực công tiếp tục bị phàn nàn vì nạn tham nhũng và thiếu hiệu quả, cùng với các vấn đề về tôn trọng tài sản cá nhân (xếp hạng 113), bản quyền (hạng 123). Chính những yếu tố này đã kéo đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam về ngưỡng trung bình của các nước đang phát triển ở giai đoạn đầu, mặc dù nền kinh tế đã đạt được nhiều tiến bộ trong năm 2011.

Trong khi đó nhìn ra khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng trước Campuchia (vị trí 85) và Timor Leste (vị trí 136), trong khi Philippines vươn lên vị trí 65, Indonesia (vị trí 50), Thái Lan (38), Brunei (28), Malaysia (25), Singapore (2).

Những số liệu thống kê về đầu tư nước ngoài gần đây cũng minh chứng cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam giảm mạnh trong lăng kính đầu tư của họ. Tính đến ngày 20/8/2012, cả nước có 672 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký 5,52 tỷ USD, bằng 56,5% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 8 tháng đầu năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 8,47 tỷ USD, bằng 66,1% so với cùng kỳ 2011. Năng lực cạnh tranh thấp cũng chính là lý do Việt Nam dù có 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào nhưng đa phần là nguồn đầu tư từ khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Chưa kể phần lớn các dự án vào Việt Nam là quy mô vừa và nhỏ. Trong số 672 dự án được cấp mới trong 8 tháng đầu năm chỉ có 1 dự án có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; 57 dự án có quy mô từ 10 triệu USD trở lên (chiếm 8,1% số dự án) với tổng vốn đầu tư 3,6 tỷ USD.

Đúng là GCI chỉ là một chỉ số tham khảo cho các nhà đầu tư ra quyết định, song cùng với tốc độ suy giảm đầu tư nước ngoài cho thấy, những nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa nhiều và chưa hiệu quả để cải thiện về thứ hạng. Sự thúc ép cần có một bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ hồi đầu tháng 8/2012 đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã cho thấy mức độ cấp thiết của vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hiện tại. Tuy nhiên, nếu đợi đến tận 2015 mới hoàn thành bộ chỉ tiêu này như mục tiêu đề ra và làm cơ sở đối sánh với kết quả đánh giá GCI của WEF hiện nay, e rằng chúng ta đã tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi cả thế giới đều tăng tốc, việc chúng ta đi chậm đồng nghĩa với chúng ta đang tự thụt lùi.

Hồng Nhật

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   TPHCM: Giáo dục, giao thông đẩy CPI tăng 1,21% (20/09/2012)

>   Rủi ro vĩ mô vẫn còn thách thức (19/09/2012)

>   Phòng chống tham nhũng: Vẫn kiến nghị nhiều, xử lý ít (19/09/2012)

>   Hà Nội: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 2,47% (19/09/2012)

>   FDI lĩnh vực viễn thông di động: Vốn ngoại yếu thế (19/09/2012)

>   Tái cơ cấu: Nút thắt lớn nhất là vấn đề tư duy (19/09/2012)

>   Hà Nội: CPI tháng 9 tăng tới 2,47% so với tháng 8 (18/09/2012)

>   Bộ trưởng Đức gốc Việt ủng hộ Việt Nam - EU đẩy mạnh hợp tác (17/09/2012)

>   Kinh tế Hà Nội tăng trưởng gần 8% trong 9 tháng (17/09/2012)

>   Bộ trưởng Philipp Roesler: Việt Nam là thị trường quan trọng của Đức (17/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật