Thứ Tư, 19/09/2012 08:22

Tái cơ cấu: Nút thắt lớn nhất là vấn đề tư duy

Theo TS. Võ Trí Thành, trong việc tái cơ cấu đầu tư công, DN và hệ thống ngân hàng, nút thắt đầu tiên cần được cởi bỏ là vấn đề tư duy.

Hôm nay (19/9), Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo công bố “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012: Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế”, phân tích những điểm nghẽn cần được gỡ bỏ trong nền kinh tế Việt Nam. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đại diện Nhóm tư vấn và phản biện báo cáo này.

Thưa ông, thời gian qua, có rất nhiều báo cáo nghiên cứu kinh tế Việt Nam cả vĩ mô và vi mô của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện được ra mắt dư luận. Trong đó, có những báo cáo, xếp hạng bị phản ứng gay gắt. Là đại diện Nhóm tư vấn, phản biện, ông đánh giá như thế nào về Báo cáo phân tích của AEPR?

Trước hết, có thể nhận thấy, Báo cáo chủ yếu do những trí thức trẻ thực hiện, đây là điều tốt cho đất nước, bởi người trẻ có thể có những tư duy đột phá. Cách tiếp cận nhìn chung dựa trên bằng chứng xác thực để có những kết luận xác đáng.

Mong muốn của tôi là Báo cáo cần chọn được chủ đề thiết thực, vừa liên quan đến câu chuyện điều hành ngắn hạn, vừa có tác dụng hỗ trợ phát triển trung, dài hạn nền kinh tế. Ngoài ra, quá trình tham vấn, tư vấn, trao đổi nên tổ chức sớm, sâu sắc, thiết thực, cụ thể hơn; thu hút rộng rãi các ý kiến đóng góp từ nhiều tổ chức và nhiều lĩnh vực cũng như cả các nhà hoạch định chính sách.

Báo cáo năm nay nhấn mạnh đến 3 trụ cột chính của công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế. Theo ông, trong việc tái cơ cấu đầu tư công, DN và hệ thống ngân hàng, đâu là nút thắt cần được cởi bỏ nhất?

Theo tôi, nút thắt đầu tiên cần được cởi bỏ là vấn đề tư duy. Tư duy của DN, tư duy của nhà quản lý phải thay đổi theo xu hướng mới. Tuy nhiên, trên thực tế, có những lực cản về tư duy đã hằn sâu trong nếp nghĩ khiến chúng ta rất khó có thể tạo bước đột phá về những vấn đề như vai trò chủ đạo của của kinh tế nhà nước, vai trò của đầu tư công, vị trí của DNNN trong nền kinh tế… Rõ ràng, đây là những vấn đề cần có những đột phá để tạo ra bước cải cách mang tính căn cơ. Dù hiện nay vẫn còn những tranh cãi từ phía DN lẫn những nhà quản lý về vấn đề này, nhưng những hệ lụy của tư duy cũ đè nặng lên nền kinh tế sẽ không cho phép chúng ta ngập ngừng khi thực hiện những cải cách, tái cơ cấu.

Thứ hai là vấn đề lợi ích. Chúng ta đều biết, nếu thực hiện một cuộc cải cách mạnh mẽ thì về lâu dài toàn bộ nền kinh tế sẽ hưởng lợi, nhưng rõ ràng là trước mắt sẽ có những cá nhân, tổ chức chịu thiệt. Người tạm gọi là thiệt thì thường có 2 dạng: với sự thay đổi của đất nước, họ không có đủ năng lực tóm bắt được những có hội mới hoặc không đủ sức để chuyển đổi nên dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, có những tổ chức, cá nhân từng dễ dàng tìm kiếm lợi ích trong môi trường cũ. Những cải cách diễn ra sẽ khiến lợi ích của họ co lại. Trong khi đó, nhóm này là những người có sức mạnh vật chất nhất định, vượt qua như thế nào là một câu chuyện đòi hỏi minh bạch, dũng khí, ý chí chính trị rất cao.

Thứ ba, liên quan đến những vấn đề kỹ thuật. Tất nhiên, Việt Nam đã có một chặng đường dài đổi mới nền kinh tế và chúng ta cũng đã học hỏi được rất nhiều từ chính quá trình đổi mới này. Bên cạnh đó, trong tiếp xúc giao lưu học hỏi nước ngoài cũng tạo được những kinh nghiệm nhất định. Tuy nhiên, cần nhận thức là mọi chuyện không gì có thay đổi ngay sau một đêm mà cần có thời gian nhất định. Dĩ nhiên, quá trình tái cơ cấu cần sự quyết liệt, nhưng cũng cần tính toán để làm sao hạn chế được cả chi phí triển khai, hạn chế những can thiệp hành chính trong quá trình cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế.

Hồng Dung thực hiện

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Hà Nội: CPI tháng 9 tăng tới 2,47% so với tháng 8 (18/09/2012)

>   Bộ trưởng Đức gốc Việt ủng hộ Việt Nam - EU đẩy mạnh hợp tác (17/09/2012)

>   Kinh tế Hà Nội tăng trưởng gần 8% trong 9 tháng (17/09/2012)

>   Bộ trưởng Philipp Roesler: Việt Nam là thị trường quan trọng của Đức (17/09/2012)

>   Hàn Quốc đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam (15/09/2012)

>   Lạm phát bào mòn sản xuất công nghiệp (15/09/2012)

>   Cẩn trọng vẫn hơn (14/09/2012)

>   Huy động mọi nguồn lực cho tăng trưởng (14/09/2012)

>   Thủ tướng: Việt Nam không có nhu cầu vay vốn từ IMF và ASEAN+3 (13/09/2012)

>   Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2012 (13/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật