Lạm phát bào mòn sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp - đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế - vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại, do khó khăn cả ở đầu vào và đầu ra.’
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm lại
Tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong 8 tháng đầu năm có một số điểm đáng lưu ý như sau:
Thứ nhất, so với cùng kỳ, tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 8 thấp hơn mức tăng trưởng chung của 8 tháng, nên tăng trưởng của 8 tháng thấp hơn so với tăng trưởng của 7 tháng (4,7% so với 4,8%). Điều đó cũng có nghĩa là, tăng trưởng công nghiệp vẫn có xu hướng chậm lại, chưa thực sự thoát đáy để đi lên.
Thứ hai, trong vài chục năm qua, công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng chung của toàn bộ nền kinh tế, có tỷ trọng trong GDP cao nhất so với các ngành, nên đã trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Nay tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành này thấp, trong khi tốc độ tăng của chi phí trung gian cao lên, nên tốc độ tăng giá trị tăng thêm của công nghiệp bị thấp xuống. Khi giá trị tăng thêm của công nghiệp tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP của toàn bộ nền kinh tế, thì tốc độ tăng GDP cũng thấp xuống theo.
Thứ ba, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của công nghiệp khai khoáng có tốc độ tăng cao hơn tốc độ chung, trong đó, khai thác dầu thô tăng khá cao (13,6%). Đây là một cố gắng để bù đắp cho sự sụt giảm của các ngành khai thác khác (than giảm 1,8%, khí đốt tự nhiên giảm 2,5%...).
Thứ tư, IIP của công nghiệp chế biến tăng thấp nhất trong các ngành công nghiệp, trong khi ngành này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp.
Cần lưu ý rằng, tỷ trọng của công nghiệp chế biến trong GDP là một trong những ranh giới để xác định một nước nông nghiệp đã chuyển thành nước công nghiệp hay chưa. Ranh giới này, theo các chuyên gia, là khoảng 37%, trong khi hiện tại, tỷ trọng của công nghiệp chế biến trong GDP của nước ta mới đạt khoảng 22%.
Thứ năm, công nghiệp chế biến có khá nhiều ngành còn mang nặng tính gia công, mà sản xuất gia công có giá trị tăng thêm thấp, phụ thuộc vào nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài, nên vừa không chủ động về nguồn, vừa bị động, phụ thuộc vào giá cả thế giới. Đây chính là hạn chế, bất cập trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ, trong việc thực hiện chủ trương nội địa hoá đã được đưa ra từ khá lâu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu kéo dài trong nhiều năm.
Tìm biện pháp gỡ khó cho doanh nghiệp
Với hiện trạng của 8 tháng và các yếu tố tác động trong thời gian tới, có thể dự báo, IIP cả năm 2012 sẽ tăng thấp hơn so với năm 2011 (ước tăng dưới 5,5% so với 6,8%), kéo theo GDP do ngành công nghiệp tạo ra cũng giảm theo (ước dưới 6% so với 7,4%), trong đó tăng trưởng của công nghiệp chế biến còn bị giảm sâu hơn (dưới 5% so với 8,3% của năm 2011).
Sự phục hồi chậm của ngành công nghiệp do nhiều nguyên nhân, trong đó, những hạn chế tiềm ẩn từ những năm trước nay bộc lộ rõ hơn, như vốn tự có thấp, vốn đi vay chiếm tỷ trọng lớn (không ít doanh nghiệp có vốn vay chiếm tới 70 - 80% tổng tài sản). Trong khi đó, vốn huy động trên thị trường chứng khoán thấp, ngày một ít do thị trường chứng khoán tiếp tục lình xình và giảm điểm; vốn vay ngân hàng có lãi suất cao, thường cao hơn khả năng sinh lời của doanh nghiệp...
Đến nay, cơ cấu sản xuất chủ yếu là khai thác nguyên liệu thô hoặc chỉ mới sơ chế. Công nghiệp chế biến còn mang nặng tính gia công, vừa phụ thuộc vào nhập khẩu, vừa có giá trị gia tăng thấp. Năng suất lao động của công nghiệp chế biến năm 2011 chỉ đạt 70,1 triệu đồng/người, tương đương 3.500 USD - thuộc loại rất thấp trên thế giới.
Ngành công nghiệp đang rất khó khăn cả ở đầu ra và đầu vào. Nếu năm 2009, các doanh nghiệp còn có nguồn lực được tích luỹ từ những năm có tốc độ tăng trưởng cao, lại có nguồn kích cầu của Chính phủ thông qua việc cấp bù lãi suất, thì hiện nay, nguồn lực này đã bị bào mòn bởi mấy năm lạm phát cao, tích lũy bị cạn kiệt hơn, lãi suất cao, khó tiếp cận vốn. Đầu ra cũng gặp khó khăn không kém, dẫn đến tồn kho tăng lên mức rất cao (tháng 8, hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tăng hơn 20%, trong đó một số lĩnh vực có tốc độ tăng rất cao, như sản xuất phân bón, sản xuất sản phẩm từ plastic, sản xuất thiết bị truyền thông, xi măng, sản xuất pin - ắc quy, chế biến thuỷ sản, bia, hàng may mặc...).
Để thúc đẩy công nghiệp phát triển, cần tập trung vào các nguyên nhân, yếu tố làm cho công nghiệp tăng trưởng chậm, từ đó có những biện pháp cơ bản và lâu dài theo hướng cơ cấu lại sản xuất công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm tính gia công, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu hoặc cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Trước mắt, cần khơi thông dòng vốn cho sản xuất, trong đó, điểm nghẽn nợ xấu cần được khẩn trương xử lý, thông qua các ngân hàng thương mại để cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, tiếp tục hạ lãi suất nợ cũ, cho vay mới; Chính phủ bảo lãnh tín dụng, thế chấp bằng hàng tồn kho... Thực hiện khẩn trương các giải pháp tài chính theo Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp; tập trung hơn và tăng liều lượng, nhất là các biện pháp liên quan đến thuế giá trị gia tăng, để các doanh nghiệp có thể giảm giá bán nhằm kích thích tiêu thụ.
Minh Nhung
đầu tư
|