Thứ Hai, 10/09/2012 10:31

Lựa chọn FDI và sự đánh đổi

Những đề xuất ban đầu về định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến năm 2020 đã được hé lộ. Nhưng cùng với việc ưu tiên thu hút FDI có chất lượng, Việt Nam sẽ phải chấp nhận những sự đánh đổi.

Định hướng chung, theo Đề án Đánh giá thực trạng FDI và định hướng đến năm 2020, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo, đó là phải chuyển dần sang coi trọng cơ cấu và chất lượng FDI; thu hút FDI có hàm lượng carbon thấp; công nghệ hiện đại; thu hút FDI nhằm phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, lao động có kỹ năng và nhằm tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước, kết nối chuỗi giá trị và nâng chất trong chuỗi giá trị.

“Tất cả là để có thể tối ưu hóa lợi ích dòng vốn FDI”, một thành viên Ban soạn thảo nói và cho biết, việc lựa chọn một số định hướng ưu tiên thu hút FDI, để từ đó nếu thực hiện tốt sẽ đóng vai trò kích thích, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhà nước, làm tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đóng vai trò rất quan trọng.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, thông điệp lựa chọn và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI được nhắc tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhiều lần khẳng định điều này. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, đã hơn một lần nhấn mạnh rằng, trong giai đoạn tới, thu hút FDI phải hướng tới mục tiêu chất lượng và hiệu quả; phát triển bền vững; công nghệ hiện đại và lao động có kỹ năng cao. Tất cả những thông điệp này một lần nữa được đề cập thống nhất trong Dự thảo Đề án.

Tuy nhiên, theo bà Mai Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về FDI, cần phải thảo luận và đưa ra những định hướng cụ thể, rõ ràng hơn về những ngành, những lĩnh vực tập trung thu hút FDI trong thời gian tới. “Mong muốn thì nhiều, nhưng vấn đề là, chúng ta sẽ lựa chọn ở mức độ nào để phù hợp với trình độ và khả năng của Việt Nam. Chúng ta muốn thu hút công nghệ hiện đại, muốn các dự án công nghệ cao phải có tỷ lệ hợp lý vốn dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D), nhưng là hiện đại đến đâu và có nhất thiết tất cả các ngành đều cần như vậy, hay chỉ là một số lĩnh vực?”, bà Thu đặt câu hỏi.

Liên quan đến câu chuyện này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, mặc dù lâu nay, chiến lược phát triển từng ngành, từng lĩnh vực đã có, song “giữa cái chúng ta cần và cái nhà đầu tư muốn”, lại có những điểm chưa thực sự ăn khớp. Tìm ra một “mẫu số chung” có thể là cần thiết để Đề án có tính khả thi cao.

Tuy nhiên, một điểm không thể không nhắc tới, đó là cùng với việc ưu tiên thu hút FDI có chất lượng, Việt Nam sẽ phải chấp nhận sự đánh đổi. “Sự đánh đổi đó có thể là trong ngắn hạn, lượng vốn FDI vào Việt Nam sẽ giảm. Sẽ có một số nhà đầu tư nước ngoài ở những ngành sử dụng công nghệ thấp, thâm dụng lao động, đòi hỏi cơ sở hạ tầng lớn, tiêu tốn nhiều năng lượng chuyển dịch đầu tư hơn so với Việt Nam như Campuchia, Myanmar… Và do đó, việc giảm giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và năng lực cạnh tranh của Việt Nam là điều rất yếu”, Ban soạn thảo Đề án phân tích và cho rằng, việc thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ cao, đi kèm với yêu cầu vốn đầu tư lớn, sẽ là việc sử dụng ít lao động.

Vấn đề là, chúng ta có chấp nhận đánh đổi, nhận thức rõ vấn đề này để có biện pháp xử lý hữu hiệu, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tổng thế, lớn hơn trong dài hạn hay không?

Đồng tình quan điểm trên, bà Mai Thu cho rằng, muốn thu hút đầu tư có chọn lọc, phải chấp nhận sự đánh đổi trong ngắn hạn, giữa việc thu hút được nhiều hay không nhiều vốn FDI. “Điều này còn ảnh hưởng đến tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đến tăng trưởng, đến giải quyết việc làm…, nhưng phải chấp nhận”, bà Thu nói.

Trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam mới thu hút được 8,47 tỷ USD vốn FDI (bao gồm cả cấp mới và tăng thêm), giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2011. Lý giải về sự sụt giảm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, một mặt là do kinh tế thế giới phục hồi chậm, các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính và sự cạnh tranh thu hút vốn của các nước trong khu vực; mặt khác là do yêu cầu tăng cường quản lý đầu tư và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI. “Trước mắt, vốn đăng ký trong ngắn hạn giảm so với trước, nhưng sẽ tăng trở lại trong trung và dài hạn”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Hà Nguyễn

đầu tư

Các tin tức khác

>   'Không nên để năng lực cạnh tranh VN rớt mãi' (08/09/2012)

>   Công ty dầu khí Hàn Quốc tính chuyện đầu tư tại Việt Nam (08/09/2012)

>   'Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư APEC' (07/09/2012)

>   Rục rịch vốn ngoại vào y tế (06/09/2012)

>   Bất nhất về khái niệm “đầu tư nước ngoài” và hệ luỵ (06/09/2012)

>   Việt Nam tụt 10 hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu (05/09/2012)

>   Chính phủ: Luôn cảnh giác lạm phát (05/09/2012)

>   Chính phủ thảo luận khái quát nhiệm vụ năm 2013 (05/09/2012)

>   Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phấn đấu GDP tăng 5,2%, lạm phát 7% (05/09/2012)

>   HSBC: Việt Nam sẽ tăng trưởng 5.1% trong năm 2012 (05/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật