Thứ Sáu, 14/09/2012 09:06

Huy động mọi nguồn lực cho tăng trưởng

Giải ngân vốn đầu tư đang có những chuyển biến tích cực, nhưng điều quan trọng vẫn là tiếp tục huy động mọi nguồn lực cho tăng trưởng, đồng thời với việc nâng cao hiệu quả đầu tư.

Những lo ngại của các chuyên gia kinh tế về việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, dường như đã được giải tỏa phần nào khi Tổng cục Thống kê công bố: 8 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đạt khoảng 110.200 tỷ đồng, bằng 59,9% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm trước (53%). Còn vốn trái phiếu chính phủ đạt khoảng 25.960 tỷ đồng, bằng 57,7% kế hoạch, thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ (75,3%).

Thậm chí, lạc quan hơn, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ước tính, giải ngân vốn ngân sách đạt 135.200 tỷ đồng, còn trái phiếu chính phủ đạt 28.500 tỷ đồng.

Nhưng câu chuyện bất ngờ không phải nằm ở giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, thậm chí là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mà là ở nguồn vốn đầu tư từ khu vực dân cư và tư nhân. Con số này, theo ước tính đạt khoảng 275.000 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm, bằng 65,6% dự kiến huy động trong cả năm 2012.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện cả năm đạt khoảng 1.020.300 tỷ đồng, chiếm 34,6% GDP, bằng mức thực hiện năm 2011. Trong số này, vốn đầu tư của dân cư và tư nhân ước khoảng 410.000 tỷ đồng, chiếm 43,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tuy thấp hơn so với kế hoạch (430.000 tỷ đồng), song vẫn cao hơn con số 309.400 tỷ đồng của năm 2011.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, nếu con số ước tính cả năm là chính xác, thì ngoài vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước có thể thực hiện cao hơn kế hoạch (205.000 tỷ đồng so với 180.000 tỷ đồng), vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước cũng cao hơn 20.000 tỷ đồng so với kế hoạch, thì vốn FDI, vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước, vốn đầu tư từ dân cư và tư nhân đều không đạt kế hoạch đề ra. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế còn phải dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư, thì việc này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Đây là điều phải đặc biệt quan tâm.

Chính bởi vậy, một trong những yếu tố quan trọng để có được tốc độ tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh hiện nay, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, là phải tăng cường giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội. Thứ trưởng Sinh cho rằng, các “điểm nghẽn” liên quan đến giải ngân vốn đầu tư, như giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính... cần tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ hơn nữa.

Một khía cạnh khác cần nói tới, theo Thứ trưởng Sinh, là cần huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển, nhất là trong bối cảnh vốn đầu tư từ ngân sách, từ trái phiếu chính phủ còn hạn hẹp.

Song, cũng cần phải nhắc lại rằng, hiệu quả đầu tư mới là khía cạnh cần được quan tâm hàng đầu. Tính toán một cách đơn giản, với GDP năm 2012 ước tăng trưởng 5,2 - 5,5%, còn vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP là 34,6%, thì ICOR của năm nay sẽ khoảng 6,2 - 6,5, một con số khá cao. Bởi vậy, tái cơ cấu đầu tư công, đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước, thậm chí là của cả khu vực doanh nghiệp tư nhân là một trong những giải pháp được các chuyên gia kinh tế thống nhất cho rằng, cần phải được đẩy mạnh trong năm tới.

“Chúng ta bàn tái cơ cấu, nhưng mới trên đề án. Vấn đề là phải thực sự đưa việc này triển khai hiệu quả trong thực tế”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Nguyên Đức

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Thủ tướng: Việt Nam không có nhu cầu vay vốn từ IMF và ASEAN+3 (13/09/2012)

>   Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2012 (13/09/2012)

>   CPI tháng 9: Đảo chiều sẽ rõ nét hơn (12/09/2012)

>   “Indonesia và ASEAN sẵn sàng giúp Việt Nam” (12/09/2012)

>   Người Thái đánh giá cao cơ hội đầu tư ở Việt Nam (12/09/2012)

>   TS. Vũ Viết Ngoạn: Tốc độ tăng GDP năm 2013 ở mức 5,5 - 6% (12/09/2012)

>   Lấy đầu tư công là trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế (10/09/2012)

>   Lựa chọn FDI và sự đánh đổi (10/09/2012)

>   'Không nên để năng lực cạnh tranh VN rớt mãi' (08/09/2012)

>   Công ty dầu khí Hàn Quốc tính chuyện đầu tư tại Việt Nam (08/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật