Thứ Sáu, 21/09/2012 22:08

“Quá tay” với lạm phát?

Nhìn về phía trước, tất cả các nhân tố đang ảnh hưởng lớn đến lạm phát như học phí, giá dịch vụ y tế, xăng dầu chắc chắn vẫn còn duy trì tác động trong vòng vài tháng nữa.

Chỉ số chứng khoán 2 sàn “bốc hơi” nhanh chóng trong phiên ngày 18/9, đi cùng tâm lý hoảng loạn với hàng loạt quyết định bán tháo của nhà đầu tư. Hy vọng cũng “tắt lịm” với nhiều chủ đất đang ôm “đống” hàng tồn bất động sản đã lâu không có giao dịch… Những "chỉ số hàn thử biểu" trên đây thể hiện nhanh nhạy nhất với diễn biến kinh tế vĩ mô vừa cho thấy phản ứng bi quan trước thông tin sớm về lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2012 tại Thủ đô mới được công bố tăng 2,47%, biên độ biến động khó tưởng tượng sau nhiều tháng chỉ “lập lờ” ở mức ổn định.

Diễn biến CPI theo tháng và giá xăng A92

Cho đến tận tháng rồi, nhiều chuyên gia vẫn “bình chân như vại” với tính toán mỗi tháng CPI có tăng 1% đi chăng nữa thì cả năm vẫn giữ được một con số. Nhưng tại thời điểm này, các quan điểm như vậy có thể phải cẩn trọng hơn khi nhìn lại nhận định của mình. Cuối tuần trước, chỉ số về lạm phát tháng 9 của toàn quốc cũng đã được phát đi với kịch bản có thể tăng 1,5% cùng chút ít hoài nghi về sự đảo chiều quá nhanh chóng. Nhưng, sự cụ thể hóa một bước mà Hà Nội vừa khẳng định cho thấy khả năng trên hoàn toàn có thể hiện thực, thậm chí vẫn bỏ ngỏ “cơ hội” tiến đến mốc 2% trong tháng này.

Câu hỏi đang “chốt cứng” vào chỉ tiêu lạm phát hiện nay là liệu lý do để thực hiện lộ trình giá thị trường mà các cơ quan quản lý lấy đó làm căn cứ khi quyết định tăng giá hàng loạt mặt hàng như điện, xăng dầu, chi phí dịch vụ y tế… có là quá tay?

Trả lời Thời báo Ngân hàng, một số chuyên gia về giá cả, lạm phát cho rằng, kịch bản CPI hiện tại dường như có chiều hướng giống như năm 2010. Cách đây 2 năm, cũng kể từ tháng 9, lạm phát theo tháng đột ngột dốc đứng và đến tháng cuối năm đó chỉ số giá tiến sát mốc 2%. So chiếu vào tháng này, nguyên nhân cũng giống như khi đó, Nghị định 49/NĐ-CP cho phép điều chỉnh học phí có lộ trình. Đó là cái “cớ” để các tỉnh, thành phố đã đồng loạt tăng học phí lên rất cao, dẫn tới nhóm giáo dục và đào tạo góp phần làm cho CPI tháng 9/2010 tăng tới trên 1,3%. Với năm nay, nhân tố đó lại lập lại đúng kịch bản cũ.

Nhưng còn hơn thế, dịch vụ y tế cũng vừa được nhiều tỉnh, thành phố đồng loạt điều chỉnh. Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ tính đến cuối tháng 8 vừa qua, đã có 44 địa phương thông qua mức giá dịch vụ khám chữa bệnh theo khung giá quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC. Tuy nhiên, trong tháng trước mới có 15 tỉnh, thành phố áp khung giá mới. Chỉ mới vậy thôi nhưng dịch vụ y tế đã tác động rất mạnh đến CPI. Điều đó cũng có nghĩa là mức độ ảnh hưởng của nhân tố này có thể còn “khủng khiếp” hơn trong tháng này.

Quan ngại hơn cả là chuỗi điều chỉnh giá của xăng dầu. Đã 2 tháng nay, mặt hàng này được điều hành theo mong muốn của doanh nghiệp đầu mối, tức là “lỗ” đến đâu được “bù” đến đó. Nhiều ca thán đã dấy lên quanh chuyện giải pháp bình ổn quá cứng nhắc, vin vào lạm phát thấp để bung giá mà không chịu “hy sinh” thu ngân sách. Cho đến hôm 11/9, Bộ Tài chính mới sử dụng công cụ thuế để kìm giá xăng dầu, nhưng dường như đã quá muộn. Kiểu điều hành “nước đến chân mới nhảy” đã bị giáng một đòn chí mạng. Xăng dầu tiếp tục làm “điêu đứng” tình hình lạm phát trong tháng này, khi tác động từ nhóm giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng (có đóng góp của nhân tố chất đốt) đã “mạch lạc” hơn từ sau những lần tăng giá xăng dầu gần đây.

Cho nên, từ diễn biến giá cả hiện nay nhìn trở về phía trước, dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi, đánh giá “thời điểm phù hợp để thực hiện lộ trình giá thị trường” mà cơ quan quản lý đặt ra đối với xăng dầu, điện… liệu đã tính hết những nhân tố ảnh hưởng rất lớn như giáo dục, y tế? Đã có một quá khứ “đau đớn” với lạm phát năm 2010 gấp gần hai lần mức tăng của năm trước đó mà rủi ro cũng chỉ rơi vào đúng 4 tháng cuối năm, các cơ quan điều hành giá chắc hẳn chưa thể dễ quên.

“Lạm phát luôn có quán tính, nên nếu CPI tăng đến 2% trong 1 tháng thì vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn trong vòng 1-2 quý sau”, một chuyên gia từ Tổng cục Thống kê lưu ý. Trước mắt, chỉ số giá tiêu dùng đang tạo được một chu kỳ bứt phá mãnh liệt. Cho đến tháng này, mức tăng của CPI đã trở lại giai đoạn có thể làm “bối rối” điều hành vĩ mô. Nhưng nhìn về phía trước, tất cả các nhân tố đang ảnh hưởng lớn đến lạm phát như học phí, giá dịch vụ y tế, xăng dầu chắc chắn vẫn còn duy trì tác động trong vòng vài tháng nữa. Nguy hiểm hơn nữa là nhân tố kìm lạm phát từ giảm giá lương thực, thực phẩm đã không còn. Hơn thế, thông thường, khi lạm phát diễn biến bất thường, kỳ vọng lạm phát tăng cao càng “bồi thêm” vào “bi kịch” lạm phát. Bài học điều hành giá năm trước nhắc lại ở thời điểm này cũng đã là quá muộn.

Anh Quân

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Nhiều chỉ tiêu kinh tế khó đạt (21/09/2012)

>   Việt Nam phải cạnh tranh hơn trong thu hút vốn đầu tư (21/09/2012)

>   919 triệu USD vốn FDI vào Hà Nội (20/09/2012)

>   Năng lực cạnh tranh: Đi chậm sẽ tự thụt lùi (20/09/2012)

>   TPHCM: Giáo dục, giao thông đẩy CPI tăng 1,21% (20/09/2012)

>   Rủi ro vĩ mô vẫn còn thách thức (19/09/2012)

>   Phòng chống tham nhũng: Vẫn kiến nghị nhiều, xử lý ít (19/09/2012)

>   Hà Nội: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 2,47% (19/09/2012)

>   FDI lĩnh vực viễn thông di động: Vốn ngoại yếu thế (19/09/2012)

>   Tái cơ cấu: Nút thắt lớn nhất là vấn đề tư duy (19/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật