Nhịp đập Thị trường 07/09: Ngỡ ngàng, VN-Index bứt phá hơn 4 điểm
Khép lại phiên giao dịch cuối tuần, thị trường tăng điểm trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư. Đặc biệt, HNX-Index chuyển biến rất nhanh ở những giây phút cuối. Tất cả đều rơi vào nhóm cổ phiếu lớn và chủ chốt.
Nhận định nhà đầu tư nhỏ đang hết sức thận trọng và lo ngại, bên mua đã rất chắc chắn nhắm vào những mã chủ chốt để kéo VN-Index và các chỉ số khác đi lên. Chỉ số Large Cap và Mid Cap tăng 1.36% và 0.32% trong khi Small Cap và Micro Cap giảm 0.07% và 0.19% phần nào nói lên điều đó.
Lực cầu này một phần xuất phát từ các nhà đầu tư ngoại khi lượng mua áp đảo của họ giúp cổ phiếu GAS tăng kịch trần, lôi kéo nhiều mã bluechips khác cùng khởi sắc như MSN (+3.52%), PVF (+2.08%), DPM (+1.77) và VNM, SSI, VCB. Ngay cả CII trong rổ VN30 cũng tăng hết biên độ.
Điều này giúp nhóm cổ phiếu tăng giá lấy lại ưu thế trên thị trường với 94 mã, kéo VN-Index phục hồi 4.1 điểm, tương ứng 1.04% chốt phiên tại 397.51 điểm.
Tuy nhiên, giao dịch ảm đạm suốt phiên, do đó thanh khoản thấp cũng là điều dễ hiểu. Cụ thể, khối lượng toàn phiên đạt 33.46 triệu đơn vị, tiếp tục giảm so với phiên trước, tương ứng 510 tỷ đồng.
Sự hưng phấn của nhà đầu tư nội đã khá trễ khi sàn HOSE đóng cửa, do vậy, lực cầu chuyển sang HNX giúp VND, PVX, SCR, SHS,VCG, PVS tăng nhẹ. Do vậy, bất chấp ACB giảm 200 đồng HNX-Index vẫn phục hồi 0.07 điểm, tức +0.12% so với tham chiếu đạt 60.39 điểm.
Lúc này, toàn sàn có 86 mã tăng giá, 209 mã đứng giá, còn lại đang dưới giá. Đóng cửa tổng khối lượng giao dịch 25.43 triệu đơn vị, trị giá 205.72 tỷ đồng. VND được giao dịch nhiều nhất, tổng giao dịch đến thời điểm này là 4.4 triệu cổ phiếu.
Khép phiên, tổng cộng 2 sàn có 12 ngành tăng giá, dẫn đầu là khai khoáng (1.73%), tiếp theo là chứng khoán (1.17%), xây dựng(0.83%), dược phẩm(0.21%), vận tải - kho bãi (0.36%). Trong khi đó, các ngành giảm giá bao gồm sản xuất vật liệu xây dựng (-1.25%), nông - lâm - ngư(-0.08%), chứng chỉ quỹ (-0.06%), sản xuất cơ khí (-0.32%).
--------------------------------------
13h45: GAS bất ngờ tăng trần, VN-Index vượt 395 điểm
Phiên giao dịch buổi chiều, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện về thanh khoản nhưng VN-Index khởi sắc đáng kể nhờ việc GAS tăng trần với lực cầu của khối ngoại khá mạnh, cùng một vài bluechips khác nâng đỡ.
Trong khi nhiều mã khác có lệnh mua nhỏ giọt thì lực cầu được đẩy mạnh ở các mã GAS, VIC, VNM, VCB, DPM, PVF… giúp VN-Index nới rộng biên độ tăng lên 2.25 điểm vào cuối đợt khớp lệnh liên tục, tức 0.57% lên 395.66 điểm. Tuy nhiên, giao dịch chỉ tăng hơn 7 triệu đơn vị so với buổi sáng, đạt 29 triệu đơn vị, ứng với 444 tỷ đồng.
Sàn Hà Nội chưa có diễn biến đáng kể, HNX-Index vẫn giảm 0.4% (0.24) xuống 60.08 điểm. Khối lượng giao dịch lên 19.06 triệu đơn vị, tổng giá trị 157.09 tỷ đồng. Toàn sàn chỉ có 56 mã tăng giá, 230 mã đứng giá và 109 mã giảm giá.
Các mã dẫn dắt thị trường hầu hết đều đứng ở mức tham chiếu, chỉ có BVS, OCH, VCG tăng 100 đồng, PVS tăng 200 đồng. Đặc biệt ACB còn 19,300 đồng giảm 200 đồng/cp.
Phiên sáng: Tăng giảm chóng mặt, thanh khoản vẫn teo tóp
Hết tăng rồi lại giảm nhưng thanh khoản trên thị trường vẫn ì ạch. Diễn biến phiên giao dịch buổi sáng càng làm cho nhà đầu tư uể oải.
Hôm nay là phiên T+3 đầu tiên đối với nhà đầu tư mua chứng khoán vào ngày 04/09 nhưng lượng mua bán trên thị trường vẫn không có dấu hiệu khởi sắc. Dư bán, dư mua đều hết sức thưa thớt.
Nhà đầu tư thận trọng, ngầng ngại điều gì đó mà nhiều người vẫn không lý giải được.
Trong bối cảnh đó, một vài mã vốn hóa lớn cũng đủ sức làm thay đổi cục diện của chỉ số. VN-Index nhiều lần tăng giảm nhờ vào một vài mã trong rổ VN30 như VNM, VIC, MSN, HAG, SSI, GAS, VCB, DPM…
Cuối buổi sáng, dù chỉ có GAS, VNM, DPM, PVF, OGC, PVD… cũng giúp được cho VN-Index tăng nhẹ 0.92 điểm, tương ứng 0.23% lên 394.33 điểm dù toàn sàn có 96 mã giảm và 79 mã tăng giá.
Trong khi đó, KBC, KDC giảm kịch sàn cùng với ASM, CLG, CTI, DDM, DRH, LGC, NTB…
Thanh khoản cũng chỉ vỏn vẹn 22.74 triệu đơn vị, tương đương 339.49 tỷ đồng, trong đó SSI là mã duy nhất có giao dịch hơn 1 triệu đơn vị.
Khác với sàn VN-Index, chỉ số HNX-Index giảm nhẹ suốt buổi sáng. Cuối buổi, chỉ số này dừng ở 60.08 điểm, tức hạ 0.4% (0.24 điểm) so với tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch hết buổi sáng chỉ vỏn vẹn 15.35 triệu cổ phiếu, giá trị 123.64 tỷ đồng.
Toàn sàn HNX có 50 mã tăng giá. Các mã dẫn dắt thị trường như OCH, SCR, VCG, tăng 100 đồng, PVS tăng 200 đồng lên 15,100 đồng/cp. Đáng chú ý là việc HOM, APS bất ngờ tăng trần với dư mua áp đảo.
Nhiều bluechips khác đứng yên ở mốc tham chiếu như VND, KLS, SHS, PVX, SHB.
Ở chiều ngược lại có 107 mã giảm giá, trong đó ACB mất 200 đồng xuống 19,300 đồng/cp.
---------------------------------------------
10h45: Lại giảm!
Đảo chiều tăng nhẹ nhưng thị trường đã nhanh chóng bị bên bán “đàn áp”. VN-Index lại quay đầu giảm điểm sau 10h30. HNX-Index vẫn đỏ và thanh khoản vẫn thấp.
Thị trường chứa đựng nhiều yếu tố thận trọng và giằng co giữa bên mua và bên bán. BVH vẫn giảm giá, các trụ cột khác về lại mốc tham chiếu như MSN, VNM, SSI, VIC… trong khi đó, KDC đã giảm kịch sàn với lượng dư bán tuyệt đối.
Trước đó ít phúc, HNX-Index giảm 0.04 (0.07%) xuống 60.28 điểm, khối lượng giao dịch chỉ tăng lên 3 triệu sau 45 phút giao dịch kế tiếp đạt 11.25 triệu đơn vị tương ứng 89.13 tỷ đồng.
Trên sàn, mã chứng khoán giảm nhiều nhất là SME giảm đến 20%, giá chỉ còn 400 đồng. Các mã cổ phiếu lớn như BVS, OCH, SCR tăng nhẹ 100 đồng.
Cổ phiếu giao dịch nhiều nhất là VND với khối lượng 2.3 triệu chiếm 20% toàn thị trường, giao dịch ở mức tham chiếu 9,500 đồng.
-----------------------------------------
10h15: Người mua bất ngờ khi VN-Index "tỉnh dậy"
Trong khi HNX vẫn giảm do lực cầu ở các mã chủ chốt quá yếu thì VN-Index đảo chiều tăng trở lại nhờ bên mua nâng đỡ những cổ phiếu bluechips.
Khoảng hơn 10h00, VN-Index đảo chiều tăng gần 1 điểm và rút ngắn còn 0.78 điểm, tức 0.2% lúc 10h15, tuy nhiên các mã nâng đỡ chỉ số như VNM, HAG, SSI, DPM, PVD, PVF, OGC… vẫn tăng giá dù chỉ nhích nhẹ so với tham chiếu và bên bán ra chiếm tỷ trọng lớn ở mức giá cao.
Thị trường tìm lại sự cân bằng yếu ớt với hơn 70 mã tăng và trên 80 mã giảm. Khối lượng giao dịch đạt 12 triệu đơn vị, tương đương 171 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX mới đạt 10.6 triệu đơn vị lúc 10h15, tương ứng 84 tỷ đồng. Chỉ số đang giảm 0.1 điểm.
--------------------------------------------
9h45: Người mua sập bẫy, chứng khoán tiếp tục giảm
Thị trường yếu dần chỉ sau vài phút mở cửa thị trường, cổ phiếu tăng giá lần lượt rơi rụng trước lượng bán ra chiếm ưu thế. Thanh khoản tăng lên đáng kể so với cùng kỳ phiên trước, tuy nhiên những người mua vào đầu phiên dường như đã mắc vào “bẫy tăng giá”.
9h38, VN-Index đảo chiều giảm điểm nhẹ 0.47 điểm và chỉ vài phút sau đó mức giảm mở rộng lên 0.78 điểm. HNX-Index lúc này cũng lùi về dưới tham chiếu khi mất 0.07 điểm.
Cổ phiếu lớn đã không còn giữ được sắc xanh trừ SBT, DIG, IJC, PVD, GMD nhưng dư mua của các mã này hiện còn rất yếu. Trong khi đó, BVH, HAG, SSI, FPT, KDC, ITA, HSG… lần lượt đảo chiều giảm nhẹ.
Cổ phiếu giảm nhanh chóng nắm thế chủ động với khoảng 80 mã và chỉ còn 52 mã tăng nhẹ.
Giao dịch lúc 9h41 đạt trên 7 triệu đơn vị, tương đương 99 tỷ đồng.
QCG, VRC, LGL, AGF, FMC hiện giảm kịch sàn với lượng mua vào rất ít. Trong khi đó, MDG, ST8, CMG, HDC, PXT… dù tăng trần nhưng chủ yếu dư bán ở mức giá cao và khối lượng khớp lệnh rất ít.
Những cổ phiếu CLG, PXL, DLG, TNT, VHG, KMR, DRH, VOS, PXM, PTL... tiếp tục giảm sàn với áp lực bán của nhà đầu tư. Cổ phiếu ngành than tại sàn HNX sau 1 phiên tăng mạnh cũng mất hết sinh khí và chỉ còn loanh quanh ở mốc tham chiếu.
Khoảng 9h45, thị trường lại cho thấy sự thất vọng khi HNX-Index hạ 0.14 điểm, tương ứng 0.23% còn 60.18 điểm. Khối lượng giao dịch lên 8.18 triệu có giá trị hơn 64 tỷ đồng. Toàn sàn tính đến thời điểm này có 36 mã tăng giá, 295 mã ở mốc tham chiếu, còn lại là giảm giá.
Các mã lớn, chỉ còn OCH và PVS còn tăng nhẹ 100 đồng, ACB và BVS đã giảm 100 đồng. Các mã tăng giá nhiều nhất là các mã đầu cơ như NVC, SDE hay IDV đều tăng gần 7%.
----------------------------------------
Mở cửa: Tăng nhẹ nhờ yếu tố kỹ thuật?
Thị trường mở cửa tăng nhẹ trong phiên cuối tuần, tuy nhiên giao dịch nhìn chung vẫn rất thận trọng. Thị trường tăng chủ yếu nhờ hai nhóm cổ phiếu lớn và vừa trong rổ VN30 cùng HNX30 với một số mã chủ chốt dẫn dắt.
Tuy nhận định của một số công ty chứng khoán trước phiên, nhiều khả năng thị trường có thể phục hồi ngắn hạn nhưng chỉ mang tính kỹ thuật sau 2 phiên giảm điểm liên tục.
Sau 15 phút mở cửa, BVH, HAG, VCB, GAS, DPM, PVF, VNM… tăng nhẹ khoảng 1% mỗi mã. KBC giảm nhẹ 200 đồng/cp, KDC vẫn tăng 200 đồng/cp bất chấp thông tin mã này có thể bị loại khỏi danh mục của FTSE Vietnam Index .
SSI đứng giá trong đợt khớp lệnh thứ nhất sau đó bật tăng nhẹ 200 đồng/cp lên 18,300 đồng/cp và dẫn đầu thị trường về khối lượng giao dịch sau khoảng 20 phút mở cửa.
Với gần 50 mã tăng giá trong đợt thứ nhất, và 33 mã giảm, VN-Index tăng 1.84 điểm, tương ứng 0.47% lên 395.25 điểm. Thanh khoản ỡ mức trung bình, với 1.37 triệu đơn vị, trị giá gần 15 tỷ đồng. Ít phút sau đó, với đà khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechips, VN-Index tiếp tục mở rộng biên độ lên gần 3 điểm, tức khoảng 0.67% so với tham chiếu.
Số mã tăng giá cũng đạt hơn 80 tính đến 9h25 và không còn mã bluechips nào sụt giảm.
Sàn Hà Nội cũng khởi sắc đáng kể trong vòng 30 phút đầu khi những trụ cột gồm VND, KLS, PVX, SCR, ACB… lần lượt nhích nhẹ trên 1% mỗi mã. Giao dịch vượt mức 4.44 triệu đơn vị, tuy nhiên số cổ phiếu tăng giá còn khiêm tốn, với hơn 50 mã.
Nhìn chung, lượng bán ra vẫn chiếm ưu thế so với lượng mua vào nhưng chủ yếu lệnh bán được treo ở mức giá cao, trong khi bên mua đều xoay quanh mức tham chiếu.
Viết Vinh - Mỹ Hà (Vietstock)
ffn
|