Chứng khoán Tuần 27 - 31/08: ”Ta” thận trọng, “Tây” tiếp tục mua ròng
Thị trường giao dịch ổn định trở lại sau các sự kiện ”đình đám” trước đó. Tuy vậy, tâm lý thận trọng vẫn bao phủ, giới đầu tư muốn chốt lời ngắn hạn trước kỳ nghỉ lễ. Khối ngoại đi ngược dòng khi mua ròng gần 80 tỷ đồng trên cả hai sàn.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 27 - 31.08.2012
Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần giảm 0.92% và đang ở mức 396.02 điểm; trong khi HNX-Index giảm mạnh hơn 2.67% xuống 61.31 điểm. VS 100 giảm 3.16% đang ở 61.11 điểm và VN30 giảm 1.57% đứng tại 465.29 điểm.
Trong các chỉ số Market Cap, chỉ có VS-Mid Cap tăng điểm trong tuần qua với mức tăng 0.46%, trong khi VS-Large Cap, VS-Micro Cap và VS-Small Cap giảm lần lượt 1.06%, 0.87% và 0.74%.
Mặc dù các chỉ số đã thu hẹp đà giảm nhưng giới đầu tư vẫn tỏ ra e dè khiến thanh khoản trên cả hai sàn sụt giảm mạnh. Tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE giảm 39.1% so với tuần trước; trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh cũng giảm mạnh 39.6%.
Những nghi ngại về phiên phục hồi kỹ thuật cùng với việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ đã khiến cho bên mua rụt rè và thị trường giảm mạnh ngay trong phiên giao dịch đầu tuần. Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng hồi sinh nhờ trong những phiên giao dịch tiếp theo nhờ vào:
(1) Sự xuất hiện của ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Masan (HOSE: MSN) và ông Trầm Bê – Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank (HOSE: STB) tại các sự kiện đã giúp xóa tan những đồn thổi trên thị trường.
(2) Thông tin tăng giá xăng dầu chính thức được công bố giúp dỡ bỏ tâm lý thận trọng do chờ đợi thông tin này được đưa ra.
Xung lực cho những phiên tăng điểm của thị trường chủ yếu xuất phát từ các cổ phiếu bluechips như DPM, SSI, HAG, GAS..., trong đó có sự đóng góp khá tích cực của khối ngoại. Ngoài ra, việc dòng tiền đầu cơ gia tăng mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu Chứng khoán, Khai khoáng cũng đã giúp nâng đỡ thị trường đáng kể.
Mặc dù vậy, tâm lý e dè, thận trọng vẫn chưa thực sự được dỡ bỏ chủ yếu do lo ngại về khả năng chốt lời có thể diễn ra mạnh, khi lượng hàng bắt đáy khủng ngày 24/08 về tới tài khoản. Điều này khiến thanh khoản đứng ở mức thấp trong những phiên tăng điểm.
Phiên giao dịch cuối tuần, trái với mong đợi thị trường đã không giữ được sự tích cực và giảm điểm trở lại, thanh khoản sụt giảm khá mạnh. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc bên mua hạn chế giao dịch khi thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ 02/09, trong khi bên bán bán mạnh tại các cổ phiếu Large Cap với mong muốn bảo toàn thành quả ít ỏi trong gần 2 tuần biến động vừa qua.
Nhà đầu tư nước ngoài: Mặc dù thị trường giảm điểm nhưng khối ngoại vẫn tiếp tục bỏ tiền gom vào cổ phiếu, dù lực mua ròng cũng đã suy yếu. Lực mua ròng của khối ngoại tập trung khá mạnh vào nhóm cổ phiếu bluechips và đây là yếu tố quan trọng giúp kích thích thị trường trong một số phiên giao dịch trong tuần qua.
Tổng giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt 51.1 tỷ đồng, mạnh nhất ở GAS với 99.3 tỷ đồng đặc biệt là trong phiên cuối tuần khi GAS lọt vào rổ tính chỉ số MSCI Frontier Markets Index từ 31/08. Mua ròng mạnh tiếp theo là PVD với 18.9 tỷ đồng, HAG với 18.8 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất EIB với 35.8 tỷ đồng và BVH với 32.1 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại tiếp tục duy trì lực mua ròng với giá trị mua ròng đạt 28.5 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất PVS với 16.4 tỷ đồng và DBC với 16.0 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất PGS với 7.2 tỷ đồng và VND với 6.3 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 30/08 (Thứ Năm), mảng tự doanh của các CTCK bán ròng nhẹ chỉ với 57 nghìn đơn vị, tương ứng với giá trị 107 triệu đồng.
Hoạt động giao dịch của các CTCK trong tuần qua khá giằng co khi giao dịch mua ròng, bán ròng diễn ra đan xen. Điều này cho thấy các CTCK cũng đang tích cực thực hiện hoạt động trading ngắn hạn nhằm tìm kiếm lợi nhuận và phòng ngừa rủi ro khi thị trường biến động phức tạp.
Cổ phiếu đáng chú ý: Thị trường đã bớt căng thẳng hơn khi có 14/24 ngành đã tăng điểm trở lại. Dẫn đầu mức tăng điểm là SX Dược phẩm với mức tăng 3.69%, tiếp theo là Nông Lâm Ngư tăng 3.62% và SX Vật liệu xây dựng tăng 2.59%.
Những ngành nóng vẫn trong xu thế giảm khi Ngân hàng, Bất động sản, Khai khoáng, Chứng khoán, Xây dựng giảm mạnh lần lượt 3.41%, 2.19%, 2.14%, 1.72% và 0.96%.
Các cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE: BVH giảm 13.11%, DLG giảm 12.73%; trên HNX: FLC giảm 20.00%, HDO giảm 13.98%.
BVH giảm mạnh 13.11%. Ngoài yếu tố thị trường thì việc giảm mạnh của BVH có thể bị ảnh hưởng từ thông tin HSBC thoái toàn bộ vốn và khối ngoại bán ra khá nhiều. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 của BVH khá tốt khi lợi nhuận sau thuế đạt 678.8 tỷ đồng tăng 30% so với cùng kỳ.
DLG giảm mạnh 12.73% trong tuần qua có thể xuất phát từ (1) ảnh hưởng chung của thị trường, (2) kết quả hoạt động quý 2 không thực sự tốt khi lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ trong quý 2/2012 chỉ đạt 1.7 tỷ đồng, giảm mạnh 90% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh của DLG đã có dấu hiệu suy yếu mạnh trong thời gian gần đây.
FLC giảm mạnh 20% trong tuần qua có thể xuất phát từ việc (1) lợi nhuận 6 tháng chỉ đạt 5.5 tỷ đồng, chưa đến 3% kế hoạch, (2) FLC không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ từ 27/08 do lợi nhuận sau thuế bán niên soát xét năm 2012 âm 21.9 tỷ đồng.
HDO giảm 13.98%. Mức giảm mạnh của HDO có thể do bị ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường khi không có thông tin mới về tình hình hoạt động của HDO trong tuần giao dịch qua.
Không có cổ phiếu tăng điểm nào đáng chú ý trong tuần qua trên cả hai sàn.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|