Người dân vùng Lam Sơn ngán ngẩm mùa "mía đắng"
Vài chục năm trở lại đây, mía là loài cây chủ lực của người dân ở nhiều huyện của tỉnh Thanh Hóa. Khắp cánh đồng mênh mông, xanh ngút ngàn ấy, đâu đâu cũng thấy người dân cặm cụi chăm trồng vì nó mang lại nguồn thu khá cao. Còn năm nay, những ruộng mía đang gần vào kỳ thu hoạch, chỉ sau một cơn “đại hồng thủy,” việc thu hoạch mía giờ chỉ còn lại trong mơ.
Trắng tay sau lũ
Trở lại thăm cánh đồng mía của xã Quảng Phú, Yên Giang nơi được xem là “thủ phủ mía” của Thanh Hóa sau 4 ngày “cơn đại hồng thủy” rút hẳn, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi là cánh đồng mía bạt ngàn bị quật ngã, lá cháy vàng.
Vẻ mặt bơ phờ vì thất thu mùa mía, chị Phạm Thị Hòa ( 43 tuổi ở xóm 8, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân) xúc động nói: “Nhà đông con, vất vả lắm. Tất cả mọi việc trong gia đình, từ lo tiền cho con cái ăn học đến tính chuyện dựng vợ gả chồng cho chúng đều trông chờ vào mấy sào mía. Bây chừ mía hỏng, gia đình lại thêm phần cơ khổ.”
Vụ mùa này, chị Hòa đầu tư trồng 13 sào mía, đến nay đã gần đến kì thu hoach. Nhưng vì lũ quét đến bất ngờ và đọng lại lâu ngày nên toàn bộ diện tích trồng mía đã bị ngập úng, khiến chị không những trắng tay mà còn lỗ nặng.
“Chỉ sau một trận mưa lớn, cả cánh đồng mía ở Quảng Phú đã bị chìm trong biển nước suốt 10 ngày trời, bây chừ nước rút thì toàn bộ mẫu ba mía của gia đình đã mất trắng hoàn toàn, 3 sào lúa cũng bị thối dưới bùn đất,” chị Hòa nghẹn ngào kể.
Cách đó không xa, 3 sào mía của anh Nguyễn Huy Dũng (42 tuổi, ở xóm 8, xã Quảng Phú) cũng bị mất trắng tới 70%.
Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng mía tan hoang, lá còn nhão nhoét bùn, anh Dũng thở dài nói: “Suốt 20 năm gắn bó với nghề trồng mía, cứ ngỡ sau vụ này cố dành tiền sửa sang lại ngôi nhà xập xệ, ai dè lũ ập đến cuốn đi tất cả. Số khổ cứ khổ mãi thôi.”
Tâm sự của anh Dũng cũng là nỗi niềm của tất cả những người nông dân trồng mía, chịu ảnh hưởng nề trong đợt lũ vừa qua tại Thanh Hóa.
Không để mía nằm lại ruộng
Trên địa bàn vùng Lam Sơn [11 huyện trồng mía ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa- PV] hiện có hơn 4.000 ha mía bị ngập, gãy đổ, trong đó có hơn 100 ha bị mất trắng. Số còn lại, tuy không hư hại nặng nhưng khả năng phục hồi là rất chậm.
Một trong những huyện bị ảnh hưởng, thiệt hại mía nặng nề nhất là huyện Yên Định với 640 ha, ước thiệt hại trên 20 tỷ đồng.
Nói về diện tích mía bị ngập nặng trong đợt lũ vừa qua, ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng phòng trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa) khẳng định, nguyên nhân chính dẫn đến việc mía bị ngập lâu ngày là do vỡ đê ở xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Ông Kỳ cho biết, mía là loại cây trồng thích ứng rất tốt ở vùng Lam Sơn. Tuy rằng, trong đợt lũ vừa qua diện tích mía bị ngập là rất lớn, nhưng vì từ giữa tháng Mười một đến tháng Tư mới vào vụ thu hoạch nên vẫn có khả năng phục hồi. Tất nhiên mía bị ngập sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng đến chữ đường.
“Hiện tại thì tỉnh không có kế hoạch hỗ trợ giống mía, bởi dù có hỗ trợ thì cũng phải đến tháng này năm sau mía mới cho thu hoạch. Thay vào đó, tỉnh đang tiến hành phương án hỗ trợ giống lúa, hoa màu cho bà con trồng xen canh,” ông Kỳ nói.
Còn Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS), ông Đặng Thế Giang cho biết, năm nào người dân trồng mía ở Lam Sơn cũng bị ảnh hưởng xấu bởi thiên tai. Tuy nhiên, năm nay diện tích mía bị hư hại là rất lớn.
Theo ông Giang, hơn 100 ha mía bị mất trắng trong đợt lũ vừa qua sẽ làm giảm 5% sản lượng mía thu hoạch. Bên cạnh đó, vì mía bị ngập lâu ngày nên chất lượng đường cũng sẽ giảm, gây thiệt hại nặng nề cho nhà máy.
“Tuy vậy, nhà máy vẫn cam kết thu mua tất cả số mía của dân tương xứng với giá cả như mọi năm, không để mía nằm lại ngoài ruộng. Tất nhiên, số mía quá xấu, kém chất lượng thì giá cả sẽ thấp hơn,” ông Giang nói.
Dẫu vậy, những hộ gia đình trồng mía ở những vùng bị ngập, đa số đều không có thu nhập nào khác. Mía bị thiệt hại nặng nề, cuộc sống của hàng ngàn hộ đã bị đảo lộn, như báo trước một tương lai mờ mịt với nợ nần chồng chất và cả việc sẽ bị thiếu đói./.
Hùng Võ
Vietnam+
|