Bài học kinh nghiệm quý báu sau thanh tra, kiểm toán
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là Tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, kể từ khi thành lập (năm 2006) đến nay, PVN được thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm toán thường xuyên của các cơ quan chức năng của Nhà nước như: Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính.
Sau các đợt thanh tra, kiểm toán nêu trên, Tập đoàn luôn được đánh giá cao về tinh thần làm việc, hoàn thành đầy đủ, kịp thời mọi nghĩa vụ của đối tượng được thanh tra, kiểm toán trong quá trình thanh tra, kiểm toán (sau đây gọi tắt là Cơ quan Kiểm tra) làm việc tại Tập đoàn. Qua thực tiễn làm việc với thanh tra, kiểm toán, một số bài học kinh nghiệm bổ ích được rút ra đối với kế toán trưởng và cách thức xử lý những vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình thanh tra, kiểm toán.
Bài học với kế toán trưởng
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Công ty Mẹ trong tổ hợp đa sở hữu, hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con, liên kết và chi phối lẫn nhau bằng đầu tư, góp vốn, bí quyết công nghệ và thị trường. Do đó, việc thanh tra, kiểm toán Tập đoàn bao gồm việc kiểm tra tại Công ty Mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các công ty thành viên (cấp 2, cấp 3...). Để phối hợp tốt và hoàn thành nghĩa vụ với đoàn thanh tra, kiểm toán, Ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán Tập đoàn (bộ phận được giao làm đầu mối, chủ trì làm việc với Cơ quan Kiểm tra) đã làm đầu mối tổ chức tốt các công việc phục vụ công tác thanh tra, kiểm toán.
Ban đã phối hợp, cung cấp đầy đủ, kịp thời nghiêm túc thông tin phục vụ công tác khảo sát, lựa chọn đơn vị để Cơ quan Kiểm tra xác định đối tượng được thanh tra, kiểm toán phù hợp với nội dung thanh tra, kiểm toán, quy mô cuộc kiểm tra, đại diện cho các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh của ngành Dầu khí... Cụ thể, PVN yêu cầu các đơn vị báo cáo và nộp hồ sơ, tài liệu liên quan theo yêu cầu, các mẫu biểu khảo sát do Cơ quan Kiểm tra đưa ra; báo cáo, cung cấp thông tin tại các buổi đại diện Cơ quan Kiểm tra đến làm việc, khảo sát.
Tập đoàn đã tổ chức lễ công bố quyết định thanh tra, kiểm toán tại Tập đoàn: buổi lễ được tổ chức trang trọng, với đầy đủ thành phần, đối tượng có liên quan đến cuộc thanh tra, kiểm toán, gồm: đại diện Cơ quan Kiểm tra, Chủ tịch và thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn, Ban Tổng giám đốc, Trưởng các ban của Tập đoàn có liên quan, đại diện các đơn vị thành viên được thanh tra, kiểm toán (Chủ tịch HĐTV/HĐQT hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng đơn vị). Tại buổi công bố quyết định thanh tra, kiểm toán, người đứng đầu của Tập đoàn và các đơn vị, bộ phận liên quan được trực tiếp nghe thông báo, phổ biến về phạm vi, nội dung, nhiệm vụ thanh tra, kiểm toán, trưởng đoàn và các thành viên của đoàn thanh tra, kiểm toán, nhiệm vụ và quyền hạn của đoàn thanh tra, kiểm toán và nghĩa vụ của đối tượng được thanh tra, kiểm toán theo quy định của pháp luật... Từ đó, lãnh đạo Tập đoàn và các các đơn vị thành viên được thanh tra, kiểm toán có những chỉ đạo đúng đắn, kịp thời tại đơn vị về các nội dung trong quá trình tiếp đón, làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán.
Trong một số dự án công trình trọng điểm dầu khí, mặc dù Tập đoàn đã thực hiện quyết toán, kiểm toán nội bộ công trình, tuy vậy Tập đoàn vẫn đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện trong khi vừa kết thúc nghiệm thu công trình do có thuận lợi là con người và sổ sách chứng từ vẫn đang lưu tại đơn vị, thuận tiện về sau này.
Về việc phân công, tổ chức thực hiện các công việc cung cấp tài liệu, giải trình, làm việc với đoàn thanh tra, kiểm toán (sau đây gọi tắt là đoàn kiểm tra). Một số kinh nghiệm trong việc cung cấp thông tin, tài liệu cho đoàn kiểm tra tại Tập đoàn được rút ra là: Ban Tài chính Kế toán luôn là một trong những ban được lãnh đạo Tập đoàn giao làm đầu mối trong việc tiếp nhận yêu cầu, cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu... cho đoàn kiểm tra. Để tiếp nhận kịp thời, đôn đốc thực hiện và hệ thống được việc cung cấp tài liệu theo các nội dung mà đoàn kiểm tra yêu cầu, Tập đoàn giao nhiệm vụ cho một số cán bộ chuyên phục vụ đoàn kiểm tra trong suốt thời gian làm việc tại Tập đoàn.
Các nội dung đoàn kiểm tra yêu cầu (hồ sơ tài liệu, chứng từ, bảng tổng hợp số liệu...) được chuyển đến các ban, bộ phận chuyên môn để thực hiện. Cán bộ và lãnh đạo ban của bộ phận được giao cung cấp, báo cáo tài liệu, số liệu, giải trình công việc với đoàn thanh tra có trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu, số liệu theo yêu cầu của đoàn kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp. Trong quá trình cung cấp thông tin, tài liệu cho đoàn kiểm tra, một số nội dung yêu cầu phải được lấy từ nhiều bộ phận, đơn vị thành viên hoặc phải báo cáo lãnh đạo Tập đoàn để tập hợp thông tin đầy đủ, đúng đắn. Hạn chế, tránh việc giải trình, cung cấp thông tin, số liệu có sự sai khác giữa các bộ phận, các lần cung cấp.
Việc giải trình các vấn đề đoàn kiểm tra đưa ra trao đổi trong quá trình kiểm tra, thanh tra được căn cứ vào từng nội dung cụ thể các vấn đề, Tập đoàn phân công giải trình với những mức độ khác nhau, như: cán bộ chuyên môn, lãnh đạo ban quản lý mảng công việc, lãnh đạo Tập đoàn (từ Phó tổng giám đốc trở lên) trực tiếp giải trình. Cuối cùng, dự thảo biên bản, báo cáo thanh tra, kiểm toán được chuyển đến lãnh đạo Tập đoàn có liên quan, một lần nữa rà soát, bổ sung các thông tin, tài liệu, đưa ra ý kiến của Tập đoàn để giải trình, thống nhất hoặc bảo lưu ý kiến với đoàn kiểm tra.
Bài học về xử lý vướng mắc
Nhìn chung, các đoàn thanh tra, kiểm toán Nhà nước trong các đợt kiểm tra Tập đoàn thời gian qua đã có những đánh giá tích cực, phản ánh đúng tình hình tài chính, đưa ra kết luận và kiến nghị góp phần hoàn thiện công tác quản lý vốn tài sản của Tập đoàn (gồm Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên). Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, kiểm toán, Tập đoàn thấy một số vấn đề tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ như sau: Một số công việc tại thời điểm thực hiện chưa có quy định hoặc quy định không rõ ràng. Khi thanh tra, kiểm toán, Cơ quan Kiểm tra kết luận, yêu cầu thực hiện hồi tố theo các quy định mới hoặc sắp ban hành. Việc này ảnh hưởng đến tính khả thi đối với quyết định truy thu, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đối tượng bị truy thu, nhất là đối với các công ty đã chuyển đổi mô hình hoạt động đang gặp khó khăn về tài chính, hoặc với các công ty cổ phần...
Tương tự, đối với những tồn tại đã xảy ra nhiều năm trước đây (có thể đã được Cơ quan Kiểm tra xem xét, kiểm tra nhưng không có ý kiến), sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi khi thực hiện kiến nghị, khắc phục tồn tại, sai phạm.
Một số kiến nghị Tập đoàn đã có ý kiến giải trình, nhưng Cơ quan Kiểm tra tổng hợp kết luận chưa phù hợp với chế độ chính sách, quy định, hoặc kiến nghị chưa thống nhất với các cơ quan chủ quản, chuyên ngành khác (như Bộ Tài chính...). Việc này có thể dẫn đến có thông tin chưa đúng về Tập đoàn, khó khăn trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là một tổ hợp doanh nghiệp hoạt động vừa theo Luật Dầu khí là luật đặc thù, đồng thời cũng hoạt động theo các luật khác, vì vậy trong quá trình thanh tra nếu có những vấn đề mà pháp luật ban hành chưa theo kịp với sự phát triển của thực tế, mà Tập đoàn đã vận dụng thực hiện có lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như hiệu quả sau này thì cần kiến nghị với Chính phủ bổ sung văn bản pháp luật thay vì đề nghị phải thay đổi hoặc xuất toán (ví dụ trích quỹ tài chính công trình khí...).
Các kết luận và kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm toán trong những năm qua là những cơ hội để Tập đoàn nhìn lại mình, đánh giá lại việc quản lý điều hành guồng máy sản xuất kinh doanh và công tác sử dụng vốn, tài sản để kịp thời điều chỉnh lại những bất cập, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm trong hệ thống quản lý Tập đoàn, đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu cho hoạt động của mình trong tương lai.
Ninh Văn Quỳnh
petrotimes
|