Ngành ô tô hấp hối
Do chính sách phát triển mắc phải hàng loạt sai lầm, ngành công nghiệp ô tô nước ta đến nay xem như đã “chết lâm sàng”. Nhiều doanh nghiệp trước đây đầu tư sản xuất ô tô, bây giờ chỉ nhập xe về bán kiếm lời
Trong khi một bản quy hoạch mới về chiến lược phát triển ô tô Việt Nam được bàn thảo từ 3 năm nay chưa hoàn thành thì các doanh nghiệp (DN) ô tô Việt Nam đang đối diện nguy cơ phải đóng cửa nhà máy và nhập xe nguyên chiếc về bán. Có thể khẳng định chưa bao giờ thị trường ô tô nước ta bi đát như hiện nay.
Chiến lược sai lầm
Nếu như trước đây, dự báo nhu cầu tiêu thụ ô tô tại thị trường nội địa có năm đạt tới 150.000 xe thì năm nay, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đưa ra dự báo bi quan rằng tổng sản lượng bán hàng chỉ đạt khoảng 88.000 xe.
Số liệu ảm đạm về thị trường ô tô được tính toán căn cứ vào sản lượng bán hàng giảm dần qua mỗi tháng. Một trong những công việc mới của các DN ô tô trong những tháng qua là… tìm thuê mặt bằng để chứa xe ế!
Trước đây, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã được phát triển theo quy hoạch được phê duyệt cho giai đoạn năm 2001-2010, tầm nhìn đến năm 2020. Tuy nhiên, các chỉ tiêu căn bản của quy hoạch này đều không đạt, đặc biệt là đối với dòng xe con và xe chuyên dùng chỉ đạt tỉ lệ nội địa hóa dưới 20%. Mang tiếng là “xây dựng ngành công nghiệp ô tô” nhưng đến nay, các DN ô tô Việt Nam chưa thể sản xuất nổi các phụ tùng có hàm lượng kỹ thuật cao như động cơ, hộp số cho đến các linh kiện đơn giản hơn như ốc vít, da, mút… Những sản phẩm tự làm được chỉ là săm, lốp, dây điện, chân phanh, chân ga, bàn đạp… Chiến lược ô tô giai đoạn này được đánh giá là sai lầm từ quan điểm khi lựa chọn hướng phát triển dựa vào bảo hộ.
Ô tô nhập khẩu qua cảng Hiệp Phước - TPHCM
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Quang A cho rằng công nghiệp ô tô Việt Nam lặp lại thất bại của công nghiệp điện tử. Quá trình sản xuất các sản phẩm cơ khí phức tạp là một sự phân công quốc tế tinh vi nhưng Việt Nam tham vọng làm từ A đến Z nên không kham nổi. Chính sách công nghiệp phải tạo điều kiện, khuyến khích khối DN tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng Việt Nam lại đặt ra tỉ lệ nội địa hóa, tạo ra sản phẩm tiêu thụ trong nước, là không ăn nhập với các chuỗi cung ứng hiện có trên thế giới.
“Đi buôn” có lời hơn
Năm 2015, Việt Nam sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 0,1%-0,6% với sản phẩm ô tô từ Trung Quốc theo Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN. Đến năm 2018, thuế suất giảm xuống còn 0% theo Hiệp định Thương mại tự do nội khối ASEAN. Lúc đó, DN sẽ đóng cửa sản xuất vì “đi buôn” có lợi hơn! Mặc dù kết cục này đã được báo trước nhưng ở giai đoạn này có trở tay cũng không kịp. Xu thế chuyển hướng đầu tư đã khá rõ khi nhiều hãng ô tô nước ngoài có mặt ở Việt Nam không rót thêm vốn nữa mà công bố các dự án xây dựng nhà máy mới tại Indonesia, Thái Lan. Các liên doanh cũng đã bổ sung chức năng phân phối xe nhập khẩu vào hoạt động của mình để chuyển thành nhà nhập khẩu chuyên nghiệp. Như vậy, kỳ vọng hình thành ngành công nghiệp ô tô xem như đã tắt!
Đến thời điểm này, 23 DN ô tô của Việt Nam vẫn chia nhau miếng bánh thị phần quanh quẩn ở mức 100.000 xe mỗi năm. Sản lượng này chưa đủ ngưỡng để bỏ vốn đầu tư lớn và dài hạn. Nếu không phát triển được ngành công nghiệp ô tô, chi phí nhập khẩu ô tô mỗi năm có thể lên đến 12 tỉ USD, nền kinh tế lại bị thiệt kép.
Bị bức tử bởi thuế, phí
Tại một hội thảo gần đây, nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào đã “kết tội” nguyên nhân khiến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không phát triển là do chính sách còn nhiều bất cập. Chúng ta có chủ trương phát triển ngành công nghiệp ô tô góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhưng chính sách thuế, phí lại đánh vào ô tô để hạn chế tiêu dùng, giảm tải cho hạ tầng giao thông yếu kém.
Năm 2004, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 5 chỗ đã tăng từ 5% lên 24%, năm 2005 tăng lên 40% và năm 2006 đã vọt lên 50% khiến các dòng xe cá nhân bị đội giá thêm khoảng 5.000 USD. Nhận thấy có hiện tượng lợi dụng bảo hộ để bán xe giá cao của các liên doanh trong nước, Bộ Tài chính đã nhiều lần điều chỉnh thuế nhập khẩu ô tô mới nguyên chiếc, từ mức 100% trong năm đầu tiên cho phép nhập khẩu (2004) giảm xuống còn 60% vào năm 2007 nhưng ngay sau đó lại tăng lên 70% và 83% vào năm 2008 để hạn chế xe cá nhân, chống ùn tắc giao thông. Tương tự, lệ phí trước bạ tại Hà Nội và TPHCM cũng có giai đoạn hạ xuống 10% nhưng rồi tăng lên 20%, đẩy thị trường ô tô vào trạng thái lúc đóng băng, lúc sốt nóng.
|
TÔ HÀ
Người lao động
|