Mạnh tay sàng lọc công ty chứng khoán
Hàng loạt các công ty chứng khoán (CTCK) bị liệt vào danh sách kiểm soát đặc biệt, bị xử phạt nặng với các hành vi vi phạm. Thời gian tới, nhiều CTCK sẽ ngày càng “khó thở” hơn nếu cố tình vượt rào, không chấn chỉnh hoạt động của mình.
Phạt nặng
Sau hàng loạt phản ánh của giới đầu tư về việc cơ quan quản lý dường như thiếu giám sát chặt chẽ và nhẹ tay trong xử lý vi phạm CTCK, gần đây hàng loạt các chế tài mạnh mẽ hơn đã được áp dụng với nhiều CTCK. Ngày 11-9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định xử phạt CTCK Đại Nam 250 triệu đồng vì cho khách hàng vay chứng khoán để bán (vi phạm quy định của Luật Chứng khoán dù CTCK Đại Nam đã tất toán các hợp đồng cho vay chứng khoán) và thực hiện tự doanh chứng khoán khi chưa được cấp giấy phép. Mức phạt này tương đương khoảng 2 tháng doanh thu môi giới hay chi phí hoạt động 1 tháng của CTCK quy mô nhỏ hiện nay.
Trước đó, UBCKNN cũng đã mạnh tay với hầu hết những vi phạm khác. Cơ quan này đã xử phạt 20 triệu đồng và yêu cầu khắc phục hậu quả đối với CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng vì đã bố trí một số nhân sự chưa có chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán làm việc tại bộ phận yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề; xử phạt CTCK VSM vì nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 không đúng thời hạn quy định; CTCK Golden Bridge Việt Nam và CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín bị xử phạt mỗi công ty 30 triệu đồng do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 và chậm nộp báo cáo tài chính quý 1-2012...
Trên thực tế, những lỗi vi phạm tương tự của các CTCK không phải đến nay mới xảy ra mà diễn ra khá thường xuyên trước đây, nhất là khi thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng khó khăn. Hoạt động bất chấp vi phạm quy định của nhiều CTCK xuất phát từ việc doanh thu của nhiều công ty trong khối này trên nhiều lĩnh vực bị sụt giảm, đặc biệt doanh thu từ hoạt động môi giới, gây ảnh hưởng tới lợi nhuận. Từ những khó khăn đó, nhiều CTCK bộc lộ những bất cập về số lượng, chất lượng, khả năng quản trị, kiểm soát rủi ro và mức độ an toàn tài chính.
Nhằm siết chặt hơn đối với các hoạt động chưa có hướng dẫn, nhiều rủi ro nhưng lại đang diễn ra khá công khai hiện nay là bán khống, UBCKNN yêu cầu tổ chức kinh doanh chứng khoán (công ty quản lý quỹ, CTCK) không được thực hiện bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán. Yêu cầu các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, UBCKNN khẳng định, sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cơ quan công an để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Bịt lỗ hổng
Căn cứ để xử lý các CTCK yếu kém trong kế hoạch tái cơ cấu CTCK chủ yếu dựa vào các chỉ tiêu an toàn tài chính tại Thông tư 226 để từ đó xếp CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt (nếu tỷ lệ vốn khả dụng/tổng giá trị rủi ro dưới 120%) và xem xét rút giấy phép nếu không khắc phục. Tuy nhiên, thực tế, Thông tư 226 đang bộc lộ khá nhiều bất cập khi nhiều CTCK xảy ra bê bối, vi phạm liên tục như CTCK SME không bị xếp vào diện kiểm soát đặc biệt chỉ vì họ không nộp báo cáo về chỉ tiêu an toàn tài chính hay những CTCK lỗ lớn...
Chính vì vậy, để triển khai quyết liệt đề án tái cấu trúc CTCK, hiện UBCKNN đang lấy ý kiến thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 226 quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu. Theo ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán (UBCKNN), CTCK cũng sẽ bị xếp vào diện kiểm soát đặc biệt nếu báo cáo về tỷ lệ vốn khả dụng có ngoại trừ trọng yếu (làm công ty “thoát” khỏi diện kiểm soát đặc biệt) mà công ty không giải trình được thì UBCKNN cũng sẽ đưa CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt; rút ngắn hơn thời hạn kiểm soát đặc biệt từ 6 tháng xuống còn 3 tháng để ép các CTCK phải khắc phục nhanh...
Theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 226, sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt, nếu tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp vượt 50% trở lên vốn điều lệ sẽ bị tạm dừng hoạt động.
Bên cạnh việc kiểm soát chặt cũng như xử lý nghiêm CTCK không đáp ứng các điều kiện an toàn, nhằm hỗ trợ CTCK kiểm soát, quản lý rủi ro trong hoạt động, UBCKNN cũng đang soạn thảo quy chế hướng dẫn CTCK thực hiện quản lý rủi ro theo chuẩn mực chung.
Theo đó, CTCK phải thiết lập tiểu ban xử lý rủi ro trực thuộc HĐQT; thành viên tiểu ban này ít nhất bao gồm các thành viên như một thành viên HĐQT điều hành, tổng giám đốc, trưởng phòng quản lý rủi ro, giám đốc tài chính hoặc kế toán trưởng, trưởng bộ phận kiểm soát nội bộ; chủ tịch ủy ban quản lý rủi ro phải là thành viên HĐQT điều hành... Mục đích của quy chế này để CTCK phải quản lý rủi ro theo thông lệ quốc tế cũng như hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.
Hà My
sài gòn giải phóng
|