Thứ Ba, 04/09/2012 18:28

Góc nhìn 05/09: Lo ngại về dòng tiền yếu

Sau phiên tăng điểm ngày đầu tháng 9 nhờ việc T+3 chính thức áp dụng, các công ty chứng khoán vẫn đưa ra những nhận định thận trọng đối với thị trường trong các phiên giao dịch tới.

Thận trọng sẽ còn tiếp diễn

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS): Nhóm cổ phiếu bluechips giữ vai trò dẫn dắt thị trường tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng Chín. Độ rộng thị trường nghiêng theo hướng tích cực với 262 mã tăng giá và 144 mã giảm giá trên cả hai sàn. Mặc dù vậy, nhà đầu tư chủ yếu giao dịch với trạng thái thăm dò sau kỳ nghỉ lễ, thanh khoản giảm mạnh trên cả hai sàn.

Mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm mạnh so với cuối tuần trước và giao dịch của khối này chủ yếu tập trung vào GAS (chiếm khoảng 26% tổng giá trị mua của nhà đầu tư nước ngoài trên HOSE).

Ngoại trừ thời gian giao dịch chứng khoán chính thức được rút ngắn từ T+4 xuống T+3, chúng tôi chưa nhận thấy có thông tin đáng lạc quan hơn được công bố để hỗ trợ thị trường.

Sự thận trọng của nhà đầu tư có thể sẽ tiếp diễn và với sự hậu thuẫn từ các bluechips, VN-Index có thể giữ vững mốc 400 điểm trong khi HNX-Index sẽ tiếp tục giằng co trong tuần này.

Dòng tiền vẫn bị hạn chế

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Việc áp dụng quy trình thanh toán T+3 đã không thể tạo tác động thực sự tích cực đến diễn biến thị trường trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9.

Mặc dù các chỉ số đều bật tăng trở lại ngay từ đầu phiên nhưng đà tăng xuất phát từ nỗ lực kéo giá của nhóm bluechips vẫn chưa cho thấy tín hiệu khả quan hơn về xu thế.

Thanh khoản tiếp tục đi xuống và dừng lại ở mức thấp. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư tham gia thị trường vẫn khá thận trọng trong giai đoạn này. Giao dịch tiếp diễn trạng thái lình xình, đi ngang khiến cho các chỉ số chưa có sự bứt phá lên khỏi các ngưỡng kháng cự mạnh ngắn hạn.

Mặc dù thị trường đã cân bằng hơn sau giai đoạn giảm mạnh và nhiều cổ phiếu đang có mức giá khá hấp dẫn nhưng dòng tiền vào thị trường vẫn bị hạn chế bởi sự thiếu vắng thông tin vĩ mô hỗ trợ.

Theo đó, ở góc độ thận trọng, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên xem xét mua vào nếu thị trường tạo đáy thứ hai cao hơn mức đáy cũ vừa qua kèm theo thanh khoản thị trường được cải thiện. Mặt khác, nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có thể tiến hành chọn lọc và mua vào những cổ phiếu tiềm năng đã có mức giảm mạnh trong giai đoạn vừa qua.

Phân hóa và phục hồi nhẹ sẽ tiếp diễn

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Diễn biến trong ngày 04/09 cho thấy thị trường vẫn thiếu sự đồng thuận giữa các nhóm cổ phiếu cũng như sức lan tỏa của dòng tiền hiện đang khá hạn chế. Bên cạnh đó, việc chính thức áp dụng cơ chế giao dịch T+3 cũng không có nhiều ý nghĩa với tâm lý nhà đầu tư sau một thời gian dài chờ đợi và trên thực tế đã được phản ánh trước vào diễn biến thị trường.

BVS cho rằng, sự phân hóa và diễn biến hồi phục nhẹ có thể còn tái diễn trong một hai phiên tới tuy nhiên sẽ không đủ làm thay đổi xu hướng giảm điểm chủ đạo của 2 chỉ số. Khả năng sớm quay đầu giảm điểm của thị trường sau đó vẫn đang được đánh giá cao. Các nhà đầu tư được khuyến nghị tranh thủ các nhịp hồi phục trong phiên để thực hiện giảm thiểu tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ.

Khó tạo động lực tăng bền vững

CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Thị trường nhận được một số thông tin tích cực đáng chú ý như : Từ 04/09, thời gian chờ thanh toán cổ phiếu được rút ngắn về 9 giờ ngày T+3 thay vì trước đó là 15 giờ. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch trong ngay trong phiên T+3 thay vì phải đợi thêm 1 ngày nữa (T+4) như trước. Rút ngắn thời gian chờ thanh toán cổ phiếu cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư, điều này có ý nghĩa tích cực trong việc kích thích nhà đầu tư tham gia thị trường, giúp làm tăng thanh khoản.

Ngoài ra, chỉ số PMI do HSBC công bố trong tháng 8 tăng lên 47.9 điểm từ mức 43.6 điểm tháng trước. Do chỉ số PMI vẫn ở dưới mức 50 nên điều này cho thấy tình trạng ngành sản xuất trong nước đã bớt xấu đi và mang lại hy vọng về việc hồi phục trong các tháng tiếp theo.

Dù sao, điểm chưa được của thị trường ngày 04/09 là thanh khoản đã giảm sút khá mạnh so với tuần trước. Điều này thể hiện lực cầu vẫn còn yếu, do đó khó tạo động lực tăng điểm bền vững cho thị trường.

Hạn chế mở rộng trạng thái mua

CTCP Chứng khoán Á Âu (AAS): Mặc dù thiên về quan điểm thị trường đã dần ổn định và từng bước định hình một xu hướng hồi phục ngắn hạn, khởi đầu từ nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, đặc biệt là từ nhóm tài chính, bất động sản, tuy nhiên, chúng tôi khuyến nghị trạng thái mua vẫn chưa nên được mở quá rộng.

Thay vào đó, một tỷ trọng cân bằng trong danh mục và các hoạt động mua bán (nếu có) với kỳ hạn rất ngắn sẽ là phù hợp và an toàn hơn trong giai đoạn thị trường vẫn đang chờ kiểm chứng tác động của “hiệu ứng T+3” cũng như khả năng hồi phục của doanh nghiệp sau khi các chính sách về lãi suất được thực thi theo chiều hướng hạ dần kể từ đầu năm.

Viết Vinh tổng hợp (Vietstock)

ffn

Các tin tức khác

>   DN có vốn đầu tư nước ngoài, nên chốt theo tỷ lệ sở hữu nào? (04/09/2012)

>   Chứng khoán Việt Nam mở ra cơ hội mua vào (04/09/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 04/09/2012 (03/09/2012)

>   Góc nhìn tuần 04-07/09: T+3 có mất tác dụng? (03/09/2012)

>   Dự báo chứng khoán tuần qua: Không bị đợt phục hồi kỹ thuật “đánh lừa” (02/09/2012)

>   “TTCK sẽ theo chiều hướng tích cực hơn” (01/09/2012)

>   "Thị trường phục hồi chưa bền vững” (01/09/2012)

>   Khi nào cổ phiếu lại được margin? (01/09/2012)

>   Góc nhìn 31/08: Ẩn số trước kỳ nghỉ (30/08/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 30/08/2012 (29/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật