Thứ Ba, 04/09/2012 15:54

DN có vốn đầu tư nước ngoài, nên chốt theo tỷ lệ sở hữu nào?

Định nghĩa về DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) của các tổ chức quốc tế hoặc các quốc gia khác thường xác định rõ mục đích quy định DN có vốn ĐTNN để làm gì.

* “Hiện tượng Mekophar” thổi bùng mong đợi sửa Luật

Trước nhiều bất cập từ định nghĩa chưa rõ ràng về DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), mà hệ lụy điển hình là Mekophar phải hủy niêm yết, nhiều ý kiến của nhà quản lý và các chuyên gia đã được đưa ra thảo luận trong cuộc Tọa đàm tổ chức cuối tháng 8 tại Báo Đầu tư. Để rộng đường dư luận, ĐTCK xin giới thiệu góc nhìn của chuyên gia Deloitt Việt Nam về chủ đề này.

Bất cập từ định nghĩa

Điều 3, Mục 6, Luật Đầu tư 2005 định nghĩa, DN có vốn ĐTNN là “DN do NĐT nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam hoặc là DN Việt Nam do NĐT nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại”.

Khái niệm DN có vốn ĐTNN trên tưởng chừng được định nghĩa rõ ràng, nhưng trên thực tế đang gây ra một số bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư và Luật DN, do việc thiếu nhất quán trong các quy định hướng dẫn Luật. Theo định nghĩa của Luật Đầu tư, có thể hiểu rằng, nếu NĐT nước ngoài chỉ cần mua 1% cổ phần hoặc vốn của DN, thì DN đó sẽ trở thành DN có vốn ĐTNN. Tuy nhiên, Nghị định số 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư quy định, DN có sở hữu của NĐT nước ngoài trên 49% áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với NĐT nước ngoài và thực hiện quy trình thủ tục đầu tư như NĐT nước ngoài (tức được coi là DN có vốn ĐTNN).

Trên thực tế, nhiều hồ sơ thành lập mới DN có NĐT nước ngoài góp vốn hoặc mua cổ phần dưới 49% khó được thụ lý ở các phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư nhiều tỉnh, hoặc bị chuyển qua lại giữa các phòng ĐTNN và phòng đăng ký kinh doanh, vì không xác định được là DN có vốn ĐTNN hay DN trong nước. Hoặc có DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân phối có NĐT nước ngoài tham gia mua cổ phần, góp vốn (mặc dù chưa đến 5%) đã bị yêu cầu phải đăng ký kinh doanh lại, vì đây là ngành nghề hạn chế ĐTNN.

Để giải quyết được những bất cập đó, cần có một định nghĩa rõ ràng hơn về DN có vốn ĐTNN ở Việt Nam.

Kinh nghiệm các nước

Định nghĩa về DN có vốn ĐTNN của các tổ chức quốc tế hoặc các quốc gia khác thường xác định rõ mục đích quy định DN có vốn ĐTNN để làm gì. Mục đích quan trọng nhất thường là để phân biệt với DN trong nước, nhằm đưa ra những cách xử lý để vừa thu hút và tận dụng được vốn ĐTNN (ví dụ, đưa ra các ưu đãi và bảo hộ đầu tư), vừa hạn chế ảnh hưởng của ĐTNN đối với những lĩnh vực then chốt cần được bảo vệ, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia. Từ mục đích đó, các quốc gia đưa ra các phương án xử lý, ví dụ xem xét/thẩm định, phê duyệt dự án ĐTNN vào những ngành chiến lược của quốc gia hoặc hạn chế tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài. Các phương án này chủ yếu áp dụng đối với các DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), vì thường NĐT chỉ có ảnh hưởng tới DN thông qua đầu tư trực tiếp.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong Từ điển thuật ngữ thống kê ban hành năm 2008: “FDI là DN trong đó NĐT nước ngoài sở hữu 10% hoặc nhiều hơn số cổ phần phổ thông hoặc quyền biểu quyết”.

Tiêu chí quan trọng nhất mà OECD đưa ra là “có tiếng nói trong việc quản trị DN” (effective voice in management). Theo định nghĩa trên, NĐT nước ngoài chỉ cần có “ảnh hưởng” (influence), có tham gia điều hành, chứ không cần có quyền kiểm soát DN, thì DN đó được coi là DN có vốn ĐTNN.

Từ định nghĩa trên, OECD chia các DN có vốn ĐTNN thành 3 loại: (i) công ty con (subsidiary, trong đó NĐT nước ngoài có quyền kiểm soát công ty, ví dụ nắm trên 50% quyền biểu quyết); (ii) công ty liên kết (associate, trong đó NĐT nước ngoài có quyền ảnh hưởng, ví dụ nắm 20% - 50% quyền biểu quyết); (iii) chi nhánh (không thành lập pháp nhân, mà là chi nhánh do NĐT nước ngoài sở hữu hoặc đồng sở hữu).

Luật Liên bang về ĐTNN của Nga (sửa đổi năm 2008) không nêu định nghĩa về DN có vốn ĐTNN, mà gọi là “các tổ chức thương mại trong đó NĐT nước ngoài sở hữu từ 10% vốn pháp định trở lên”. Một trong những định nghĩa liên quan là “đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc NĐT nước ngoài mua (hoặc có) ít nhất 10% cổ phần trong tổng vốn pháp định (authorized capital) của một tổ chức thương mại được thành lập trong lãnh thổ Liên bang Nga, dưới hình thức liên doanh kinh tế hoặc thành lập công ty theo Luật Liên bang Nga”.

Hàn Quốc cũng không định nghĩa về DN có vốn ĐTNN, mà đưa ra định nghĩa về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, ngoài việc DN phải có vốn điều lệ từ 100 triệu Won trở lên, còn phải đáp ứng các điều kiện:

- NĐT nước ngoài có ít nhất 10% CP đã phát hành của một DN trong nước;

- NĐT nước ngoài có ít hơn 10% số cổ phần đã phát hành của một DN trong nước, nhưng có thể: (i) cử một đại diện tham gia điều hành công ty; (ii) thực hiện hợp đồng cung cấp nguyên vật liệu hoặc sản phẩm khác trong ít nhất 1 năm; hoặc (iii) thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc thỏa thuận phát triển chung.

Hàn Quốc cũng áp dụng tiêu chí 10% giống Liên bang Nga, song quy định thêm về 3 trường hợp thực chất điều hành hoặc can thiệp hoạt động của DN.

Từ những định nghĩa nêu trên có thể thấy, khả năng tham gia điều hành hoặc can thiệp vào hoạt động công ty (với tiêu chí thông thường là sở hữu từ 10% quyền biểu quyết trở lên và một số tiêu chí khác) đóng vai trò then chốt trong việc xác định hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài và từ đó xác định DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đề xuất áp dụng

Dựa trên những nghiên cứu trên, để có một định nghĩa thích hợp về DN có vốn ĐTNN ở Việt Nam, trước hết cần xác định hai vấn đề:

Một là, xác định rõ và nhất quán mục đích việc quy định về DN có vốn ĐTNN, để quy định về thủ tục đầu tư, để thống kê hay để hạn chế/khuyến khích ĐTNN vào một số lĩnh vực cụ thể.

Các mục đích đó nên đặt ra càng ít càng tốt, ví dụ: để khuyến khích ĐTNN vào một số lĩnh vực hoặc hạn chế ĐTNN vào những lĩnh vực quan trọng. Nếu vậy, có thể giữ nguyên hoặc bỏ hẳn định nghĩa hiện tại về DN có vốn ĐTNN (vì không có nhiều tác dụng thực tế), nhưng bổ sung định nghĩa về DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hai là, đưa ra các tiêu chí để xác định DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các tiêu chí có thể là tỷ lệ sở hữu trong công ty hoặc việc tham gia điều hành hoặc cả hai.

Một ví dụ về định nghĩa DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như sau:

“DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là DN thành lập tại Việt Nam theo Luật DN, trong đó: NĐT nước ngoài có tham gia hoạt động điều hành DN bằng cách cử người vào hội đồng thành viên/HĐQT/ban giám đốc và/hoặc NĐT nước ngoài có sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 10% tổng số vốn điều lệ (hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đã phát hành) trở lên trong DN".

Chúng tôi cho rằng, định nghĩa này tương đối phù hợp thông lệ quốc tế, vì tập trung vào khả năng tham gia điều hành DN của NĐT nước ngoài, một tiêu chí cốt yếu phân biệt đầu tư trực tiếp và từ đó xác định việc hạn chế hay khuyến khích đầu tư. Thực tế, có nhiều tiêu chí xác định khả năng tham gia điều hành DN, song căn cứ theo tỷ lệ sở hữu vốn và việc cử người vào các ban lãnh đạo là các tiêu chí đơn giản và dễ xác định nhất.

Sau khi đã xác định xong định nghĩa, có thể đưa ra những danh mục ngành hạn chế (hoặc khuyến khích) ĐTNN và điều kiện cụ thể. Ví dụ, nếu DN có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành phân phối, thì tỷ lệ sở hữu vốn của NĐT nước ngoài chỉ được tối đa là 30%...

Tuy nhiên, để áp dụng định nghĩa trên sẽ cần nhiều sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành. Ví dụ quy định trong trường hợp DN có vốn ĐTNN đầu tư vào một lĩnh vực hạn chế ĐTNN đến 49%, sau khi thay đổi tỷ lệ sở hữu, tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài vượt quá 49% thì DN và NĐT nước ngoài cần làm gì (chẳng hạn, phải loại bỏ bớt ngành nghề, NĐT nước ngoài phải bán bớt cổ phần hoặc phần vốn góp cho một bên Việt Nam để đảm bảo tỷ lệ).

Phan Vũ Hoàng

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Chứng khoán Việt Nam mở ra cơ hội mua vào (04/09/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 04/09/2012 (03/09/2012)

>   Góc nhìn tuần 04-07/09: T+3 có mất tác dụng? (03/09/2012)

>   Dự báo chứng khoán tuần qua: Không bị đợt phục hồi kỹ thuật “đánh lừa” (02/09/2012)

>   “TTCK sẽ theo chiều hướng tích cực hơn” (01/09/2012)

>   "Thị trường phục hồi chưa bền vững” (01/09/2012)

>   Khi nào cổ phiếu lại được margin? (01/09/2012)

>   Góc nhìn 31/08: Ẩn số trước kỳ nghỉ (30/08/2012)

>   Chiến lược giao dịch ngày 30/08/2012 (29/08/2012)

>   Góc nhìn 30/08: Ẩn số nguồn cung (29/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật