Thứ Bảy, 22/09/2012 21:30

Giải cứu doanh nghiệp: Có phải chỉ để trấn an?

Suốt trong quý 2, những thông tin về giải cứu doanh nghiệp (DN) được bàn thảo và quyết định bằng những giải pháp, gói hỗ trợ, thậm chí là những đề án cụ thể. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều DN vẫn phải dài cổ chờ chính sách triển khai. Nhiều DN ngán ngẩm tự hỏi, phải chăng đó là “đòn gió” để trấn an DN trong thời kỳ bức bách.

Khi DN và nông dân đang dần kiệt sức; Chính phủ đang quyết tâm, dồn mọi nguồn lực để hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp và nền kinh tế thì việc triển khai của nhiều cơ quan có trách nhiện dường như quá chậm trễ. Đã có nhiều giải pháp, kế hoạch, đề án được thông qua nhưng với tốc độ hiện thực hóa chính sách như trong trường hợp này thì DN hãy còn phải chờ đợi mòn mỏi. Có lẽ vì thế mà nhiều doanh nhân tự hỏi: “Việc hỗ trợ và giải cứu DN sẽ thực lòng đến đâu?”.

Kinh tế khó khăn kéo dài hơn 1 năm qua khiến cho DN rơi vào tình thế bi đát. Điều này ảnh hưởng đến nền kinh tế và gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Hỗ trợ và giải cứu DN là một yêu cầu quan trọng và cấp thiết. Chính phủ đã có một nghị quyết về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao rõ từng việc, đến từng bộ ngành cụ thể. Theo đó, nhiều giải pháp được đề ra và thực hiện: giảm lãi suất – tăng tín dụng, tăng cường đầu tư công, miễn – giảm thuế và phí, tăng cường xúc tiến thương mại, cắt giảm thủ tục và chi phí… để tạo thành một nguồn lực tổng hợp để hỗ trợ DN.

Sau Nghị quyết này, các ngành và địa phương vào cuộc, các giải pháp, kế hoạch, đề án… đã nhanh chóng được xây dựng; hàng loạt cuộc tiếp xúc, khảo sát tới các địa phương, DN được thực hiện. Từ đó, nhiều lãnh đạo bộ ngành đã cam kết thực hiện các giải pháp cụ thể để giải cứu DN. Vẫn biết, luôn có “độ trễ”, khoảng cách lớn giữa chính sách và thực thi nhưng các DN và cũng không thể ngờ rằng, bốn tháng sau Nghị quyết của Chính phủ, hai tháng sau khi đề án hỗ trợ ngành nuôi cá tra mà việc giải ngân tiền hỗ trợ vẫn chưa triển khai. Dù biết rằng, trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, chuyện DN đóng cửa, phá sản, nông dân nuôi cá, treo ao và nợ nần vẫn diễn ra hằng ngày.

9.000 tỷ dành cho cá tra, là gói hỗ trợ cụ thể đối với ngành sản xuất lớn có thế mạnh của đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn DN, hàng vạn hộ nông dân nuôi cá…Quan trọng thế, nhưng đã gần hai tháng qua mà các đối tượng thuộc chính sách này vẫn chưa nhận được hỗ trợ. Đây là một thực tế đáng thất vọng. Chính phủ rất quyết tâm, không chỉ trên chính sách chung mà còn có những đề án có đối tượng và số tiền cụ thể. Với thực tế chậm trễ như trên đây thì DN hoàn toàn nghi ngờ và đặt câu hỏi về tính hiệu quả và cao hơn là sự thực lòng trong hỗ trợ DN của các cơ quan chức năng.

Từ câu chuyện trên nhớ lại, khi Bộ Công thương lấy ý kiến về đề án hỗ trợ DN, nhiều DN đã bày tỏ rằng các biện pháp đó không có gì mới và đột phá. Đó là việc mà Chính phủ đã yêu cầu, các bộ ngành khác cũng đề ra, hay là những việc mà chức năng bộ này phải làm tốt… mà không phải chờ đến đề án. Tuy nhiên, việc có một đề án tập trung các giải pháp hỗ trợ DN trong đề án là một điều đáng chú ý. Nhưng điều quan trọng nhất là phải thực thi sớm, còn nói thì chưa tin được.

Đề án giải cứu DN của Bộ Công Thương có rất nhiều lời hứa xem xét hỗ trợ các DN không chỉ về vốn mà cả việc tiếp cận cơ hội phát triển hay xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua các DN vẫn loay hoay với việc giới thiệu sản phẩm ra sao khi nguồn vốn hạn hẹp mà chi phí tham dự hay tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại vẫn là con số quá lớn. Bộ Công Thương đã tiếp nhận 236 đề án xúc tiến thương mại quốc gia của 64 đơn vị chủ trì, với tổng kinh phí đề xuất là 319 tỷ đồng. Tuy vậy, theo con số từ Vụ Xuất nhập khẩu đưa ra cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2012 chỉ được bố trí 45,9 tỷ đồng, bằng 83% so với năm 2011, 38,2% so với năm 2010 và 24,5% so với năm 2009. Với kinh phí bị cắt giảm lớn như vậy, sẽ rất khó khăn cho việc triển khai các hoạt động này. Đến nay, DN dường như đã kiệt sức vì khó khăn, những hy vọng cuối cùng về hỗ trợ lại khiến họ mệt mỏi thêm với những lời hứa hẹn đồng hành giải quyết khó khăn, hay giải ngân gói cứu trợ, trong khi đề án giải cứu DN chưa biết bao giờ mới triển khai. Mong mỏi của doanh nghiệp lúc này là Chính phủ và các bộ, ngành hãy tích cực giúp những ngành hàng còn có khả năng sản xuất, kinh doanh trong nước và xuất khẩu nắm giữ những cơ hội thị trường có thể khai thác được.

Từ câu chuyện gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng giải cứu cá tra thì đến nay đã thấy rõ các đề án, chính sách chưa thực sự có tác động cụ thể. Trong khi các "ưu đãi" chưa nhìn thấy đâu thì các doanh nghiệp đã bị dội những "gáo nước lạnh" như giá điện, xăng tăng... Sự chậm trễ và thiếu đồng bộ có thể triệt tiêu lẫn nhau trong hiệu lực của chính sách và nỗ lực giải cứu DN.

Khánh An

Nhà báo và công luận

Các tin tức khác

>   Chúng ta có tiềm năng biển, phải giàu có từ biển (22/09/2012)

>   Khốn khổ với thép nhập khẩu (22/09/2012)

>   Nhiều lĩnh vực hạn chế quan chức về hưu kinh doanh (22/09/2012)

>   Thêm một đại gia thủy sản lún vào nợ nần (22/09/2012)

>   'Chạy' thuế 800 triệu USD/năm, dệt may khốn đốn (22/09/2012)

>   Doanh nghiệp viễn thông Pháp tìm cơ hội tại VN (22/09/2012)

>   Chưa nhận được phương án tăng giá sữa (22/09/2012)

>   Đàm phán FTA Việt Nam- EU: Lợi ích được cân bằng (21/09/2012)

>   VASEP trả lời về thông tin xuất khẩu cá tra (21/09/2012)

>   Tồn kho vật liệu xây dựng hàng nghìn tỷ đồng (21/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật