Thứ Bảy, 22/09/2012 14:30

Chúng ta có tiềm năng biển, phải giàu có từ biển

Đây là khẳng định, yêu cầu và là quyết tâm của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trong buổi họp bàn về công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Bộ GTVT, đặc biệt về việc triển khai tái cơ cấu 2 Tập đoàn, TCT lớn là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và TCT Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Gỡ khó cho doanh nghiệp: Phải chủ động, sát sao

Theo Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Bộ GTVT, 9 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã hoàn tất việc xây dựng Đề án tái cơ cấu các DNNN thuộc Bộ giai đoạn 2012 – 2020 trình Thủ tướng Chính phủ; Thẩm định báo cáo Thủ tướng về Đề án tái cơ cấu cấu 4 Tập đoàn, TCT; Thẩm định và trình Bộ trưởng phê duyệt Đề án tái cơ cấu 12 TCT; Tổ chức sơ kết, đánh giá mô hình hoạt động của TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và TCT Đầu tư phát triển và QLDA HTGT Cửu Long… Cũng trong 9 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã tiếp tục triển khai nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN thuộc diện sắp xếp, tổ chức lại; Phê duyệt phương án CPH 3 DN…

Cần làm rõ những khó khăn trong xử lý lao động dôi dư sau CPH

Phát biểu chỉ đạo về công tác đặc biệt quan trọng này, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Ban chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp phải đánh giá toàn diện hoạt động đổi mới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đưa ra tiêu chí để quản lý. Riêng về CPH, Bộ trưởng yêu cầu làm rõ những gì đạt được, những gì còn tồn tại, những khó khăn trong giải quyết lao động dôi dư, đối chiếu công nợ hay những vướng mắc trong việc cho phá sản doanh nghiệp… Cũng như thế, trong việc tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp, Bộ trưởng yêu cầu nêu cụ thể vướng mắc khó khăn chung cũng như khó khăn cụ thể ở từng DN từ đó có hướng giải quyết.

Trong Quý IV, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị có liên quan phải hoàn thành việc tăng vốn điều lệ cho các doanh nghiệp đang triển khai; Phối hợp với Công đoàn xử lý tồn tại về lao động dôi dư, xử lý nợ bảo hiểm; Rà soát lại toàn bộ đơn vị về điều lệ tổ chức hoạt động, quy chế tài chính… Không để DN hoạt động mà không có điều lệ, không có quy chế tài chính.

Tái cơ cấu Vinashin, Vinalines: Không phải là việc riêng của DN

Liên quan đến vấn đề đổi mới doanh nghiệp, Bộ trưởng Đinh La Thăng dành sự quan tâm đặc biệt đến việc tiến hành tái cơ cấu ở 2 Tập đoàn, TCT lớn là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Báo cáo về việc triển khai tái cơ cấu Vinashin, ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch Tập đoàn – cho biết Tập đoàn này đang tiến hành cơ cấu, xây dựng lại theo hướng thu gọn nhất có thể, chủ yếu giữ lại các cơ sở đóng tàu. Cụ thể, theo đề án mới đang được xây dựng, Tập đoàn đề xuất cho giữ lại Công ty mẹ, 12 doanh nghiệp đóng tàu và Viện KHCN Tàu thủy. “ Đóng tàu phải gắn chặt với thiết kế, nếu không sẽ mất tính chủ động trong thi công. Do đó, cần giữ lại Viện để đảm bảo khâu thiết kế” – ông Sự lý giải cho việc giữ lại Viện KHCN Tàu thủy trong Đề án tái cơ cấu Tập đoàn đang được tích cực xây dựng.

Góp ý xây dựng Đề án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đặt vấn đề có nên giữ lại đến 12 doanh nghiệp đóng tàu hay chỉ nên dừng lại ở con số 7 – 8 doanh nghiệp? Thứ trưởng Công cũng lưu ý ngay cả 7 – 8 doanh nghiệp được giữ lạinày cũng cần phải được tái cơ cấu mạnh mẽ. Nhân lực, vật lực cung chỉ giữ lại những người, những phương tiện, vật tư thật sự cần thiết để đảm bảo đóng khoảng 30 – 31 tàu một năm. “Dự báo vài ba năm nữa thị trường mới phục hồi. Đóng tàu cũng cần độ trễ. Nhu cầu đóng mới sẽ chậm hơn tốc độ phục hồi của thị trường vận tải. Với công nghệ, năng suất lao động như bây giờ thì ngay cả giữ 7 -8 nhà máy đóng tàu và tái cơ cấu mạnh mẽ, quyết liệt nhất thì việc ổn định sản xuất cũng còn hết sức khó khăn” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cũng như Vinashin, Vinalines đang tích cực triển khai tái cơ cấu theo hướng thu gọn tối đa các đầu mối. Chủ tịch Vinalines Nguyễn Ngọc Huệ cho biết từ 73 đầu mối, theo đề án tái cơ cấu đang được xây dựng, Vinalines sẽ chỉ còn lại 37 đầu mối gồm các doanh nghiệp cảng, vận tải biển và dịch vụ hàng hải.

Khẳng định tái cơ cấu mạnh mẽ Vinashin và Vinalines là hướng đi không thể khác, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị liên quan thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. “Tái cơ cấu Vinashin, Vinalines không phải là việc riêng của doanh nghiệp mà phải là việc lớn của Ban Cán sự , của cả Bộ GTVT. Mục tiêu trước mắt là giúp Vinashin, Vinalines trụ vững trong khó khăn, mục tiêu lâu dài là phải phát triển ngành kinh tế hàng hải, thực hiện Chiến lược biển. Chúng ta có tiềm năng biển và phải giàu có từ biển” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

CPH Vietnam Airlines: Chọn cho được đối tác chiến lược uy tín, có năng lực

Tích cực triển khai CPH, đến ngày 21/9/2012, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã hoàn tất việc phát hồ sơ mời thầu gói “Lựa chọn tư vấn tài chính quốc tế để thực hiện CPH TCT” – một bước quan trọng trong quá trình CPH TCT này. Ông Phạm Viết Thanh – Chủ tịch HĐTV TCT cho biết, theo kế hoạch, từ đến cuối năm, Vietnam Airlines sẽ hoàn tất công tác đấu thầu và ký kết hợp đồng với tổ chức tư vấn tài chính quốc tế; Hoàn thành việc lựa chọn và ký kết hợp đồng với tổ chức tư vấn trong nước xác định giá trị doanh nghiệp bằng phương pháp tài sản; Triển khai bước đầu công việc liên quan đến kiểm kê tài sản, xử lý tài chính… để phục vụ công tác xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Trong năm 2013, TCT sẽ tiếp tục thực hiện việc xác định và công bố giá trị doanh nghiệp; Xây dựng phê duyệt phương án CPH, dự toán chi phí CPH; Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; Tổ chức bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng và chuẩn bị các thủ tục để hoàn tất việc chuyển TCT thành CTCP trong năm 2014.

Lường trước những khó khăn của Vietnam Airlines trong quá trình CPH, ông Trần Hữu Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) lưu ý: CPH Vietnam Airlines chắc chắn sẽ vướng phải những khó khăn trong việc tính lợi thế, giá trị thương hiệu, đánh giá tài sản… Việc kiểm kê đất, xác định đất, xử lý công nợ cũng không hề dễ. Cùng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cũng cho rằng Vietnam Airlines cần quyết tâm rất cao mới có thể hoàn tất quá trình CPH đúng thời hạn.

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Đinh La Thăng thống nhất quan điểm CPH là việc khó khăn chung của tất cả doanh nghiệp, đặc biệt trong thị trường hiện nay. Với VietnamAirlines, do là doanh nghiệp đặc thù, chưa có tiền lệ nên khó khăn sẽ lớn hơn rất nhiều. Cũng từ đây, Bộ trưởng nhấn mạnh cần có “quyết tâm đặc biệt, chỉ đạo đặc biệt, nỗ lực đặc biệt, giải pháp đặc biệt” để CPH Vietnam Airlines.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Vietnam Airlines cần xác định rõ mục tiêu của CPH là chọn cho được một đối tác chiến lược uy tín và năng lực. “Chỉ khi chọn được đúng đối tác chiến lược phù hợp, có năng lực và khả năng hỗ trợ TCT trong quản trị, điều hành và ứng dụng công nghệ hiện đại, Vietnam Airlines mới có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững” – Bộ trưởng khẳng định.

Thanh Bình

Giao thông vận tải

Các tin tức khác

>   Khốn khổ với thép nhập khẩu (22/09/2012)

>   Nhiều lĩnh vực hạn chế quan chức về hưu kinh doanh (22/09/2012)

>   Thêm một đại gia thủy sản lún vào nợ nần (22/09/2012)

>   'Chạy' thuế 800 triệu USD/năm, dệt may khốn đốn (22/09/2012)

>   Doanh nghiệp viễn thông Pháp tìm cơ hội tại VN (22/09/2012)

>   Chưa nhận được phương án tăng giá sữa (22/09/2012)

>   Đàm phán FTA Việt Nam- EU: Lợi ích được cân bằng (21/09/2012)

>   VASEP trả lời về thông tin xuất khẩu cá tra (21/09/2012)

>   Tồn kho vật liệu xây dựng hàng nghìn tỷ đồng (21/09/2012)

>   Dừng bán hàng miễn thuế, mất chục triệu USD (21/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật