Đầu tư lĩnh vực gì ở Myanmar?
Tại hội nghị “Đầu tư vào Myanmar - các vấn đề trọng yếu doanh nghiệp cần quan tâm” vừa diễn ra tại TPHCM, ông Robert Easson, Tổng giám đốc ImaginoGroup (Myanmar) đã chia sẻ góc nhìn của một doanh nhân bản xứ trước “làn sóng” đầu tư vào đất nước này với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.
TBKTSG Online: Thị trường Myanmar vừa mở cửa được 10 tháng và nhiều nhà đầu tư khá quan tâm. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam có ý định đầu tư vào Myanmar, ông có lời khuyên gì cho họ?
- Ông Robert Easson: Từ tháng 2-2012 đến nay, đã có trên 1.000 đoàn khách doanh nhân các nước đến Myanmar tìm hiểu cơ hội đầu tư, giao thương. Một cuộc chạy đua marathon đang bắt đầu diễn ra, cơ hội sẽ mang lại cho nhà đầu tư dài hạn và “hứa ở lại” với Myanmar.
Myanmar vừa mở cửa thị trường cũng giống như bối cảnh của đất nước Việt Nam cách đây 15- 20 năm. Tất cả đều mới mẻ, hoang sơ và đầy lực thu hút.
Đặc tính của người dân Việt Nam là cần cù, chịu khó, tỉ mỉ và nhạy bén. Đây là một trong những lợi thế. Trong 15-20 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam từ chỗ còn trẻ và yếu về nguồn năng lực tài chính, nguồn nhân sự, kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp thì nay phần lớn đã trưởng thành, trong đó một số đơn vị có tầm ảnh hưởng lan rộng trong khu vực Đông Nam Á như Vinamilk, Hoàng Anh Gia Lai…
Bằng kinh nghiệm của mình, bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng đầu tư vào Myanmar tôi nghĩ rất thích hợp, bởi vì các bạn sẽ nhanh chóng nhìn ra cơ hội làm ăn.
Tôi đoan chắc các doanh nghiệp ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ ít quan tâm đến các lĩnh vực đầu tư tiềm năng ở mức độ nhỏ và vừa, cần sự tỉ mỉ. Ở góc độ kinh doanh này tôi nghĩ ưu thế sẽ thuộc về các bạn Việt Nam vì hoàn toàn nằm trong khả năng.
Nếu đưa ra “lời khuyên” cho các doanh nghiệp Việt Nam, trước nhất các bạn hãy học thêm tiếng Myanmar song song với tiếng Anh. Khi các bạn giao tiếp bằng tiếng Myanmar đương nhiên người bản xứ sẽ rất ấn tượng, dành cho bạn nhiều sự thiện cảm.
Theo ông, những lĩnh vực đầu tư nào ở Myanmar có thể hấp dẫn?
- Theo thứ tự là lĩnh vực công nghệ thông tin, ngân hàng – tài chính, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Ở Myanmar hiện rất thiếu dịch vụ cung ứng đồ ăn, thức uống cho các khách sạn, nhà hàng.
Đối với lĩnh vực xây dựng, đầu tư bất động sản có lẽ 5-10 năm nữa cơ hội mới chín muồi.
Một thị trường mới chuyển mình như Myanmar đương nhiên kênh đầu tư vào bất động sản, xây dựng còn rất trống trải. Vậy tại sao cơ hội đến với nhà đầu tư chậm như vậy?
- Các bạn nên nhớ Myanmar chỉ mở cửa được 10 tháng. Tất cả đều mới mẻ và cần phải có thời gian mới thay đổi hoàn toàn. Nhiều văn bản pháp quy, luật lệ ở Myanmar được ban hành cách đây năm sáu chục năm giờ vẫn còn áp dụng. Có những lĩnh vực vẫn đang cấm nhà đầu tư nước ngoài tham gia hoặc cấm nhập khẩu như vật liệu xây dựng chẳng hạn.
Người nước ngoài hiện vẫn chưa được phép mua nhà tại Myanmar.
Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng nên tìm hiểu kỹ những lĩnh vực mà chính phủ Myanmar đã nới lỏng, khuyến khích đầu tư, nhập khẩu hoặc vẫn còn cấm hay phải chờ đợi thêm.
Tại Myanmar, theo thông lệ người đi thuê văn phòng phải ứng tiền thuê trước 12 tháng cho chủ đầu tư. Căn hộ dịch vụ rất ít và mắc do bị áp các loại thuế. Kênh đầu tư văn phòng cho thuê, đầu tư khách sạn tầm 3 sao là giải pháp hợp lý trong bối cảnh hiện nay ở Myanmar. Điều này tôi nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam có thừa kinh nghiệm. Chính phủ Myanmar đang hỗ trợ rất nhiều cho các nhà đầu tư tham gia vào hai lĩnh vực vừa nêu.
Uyên Viễn thực hiện
tbktsg
|