Đầu ra vẫn nghẹt, giá đầu vào tiếp tục tăng
Trong vòng nửa tháng trở lại đây, ông Lương Vạn Vinh, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Mỹ Hảo, phải căng đầu tính toán khi một số loại chi phí đầu vào tăng. Ông Vinh cho biết, sau kỳ nghỉ lễ 2.9, lãnh đạo doanh nghiệp phải cân nhắc việc tăng lương cho công nhân để bảo đảm đời sống.
Chi phí đầu vào tăng
Không riêng gì Mỹ Hảo, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đang chịu sức ép chi phí đầu vào tăng, chủ yếu từ nhóm xăng dầu. Liên quan trực tiếp là giá gas, giá xăng. Đầu năm tới nay, giá gas đã tăng 77.000 đồng/bình 12kg. Xăng cũng đã tăng 2.200 đồng/lít so với hồi đầu năm. Khi xăng dầu tăng giá, giá vận chuyển tăng thêm 10%, theo tính toán của ông Vinh.
Các sản phẩm liên quan đến dầu mỏ như hoá chất sản xuất chất tẩy rửa tăng khoảng 10% so với trước. Ông Trịnh Chí Cường, tổng giám đốc công ty nhựa Đại Đồng Tiến cho biết: “Nguyên liệu sản xuất hàng nhựa vừa tăng từ 1.300 USD/tấn lên hơn 1.400 USD/tấn”.
Trong tài liệu công bố khảo sát về chỉ số sản xuất Việt Nam tháng 8 do HSBC thực hiện, nhóm nghiên cứu cho biết: “Chi phí đầu vào trung bình của các nhà sản xuất hàng hoá Việt Nam đã tăng trong tháng 8 từ đó kết thúc thời kỳ giảm trong suốt hai tháng. Thời điểm này, những người trả lời khảo sát cho biết giá của một loạt nguyên liệu thô đã tăng lên”.
Bình luận về cuộc khảo sát chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam, Trinh Nguyen, chuyên viên kinh tế – ngân hàng HSBC nói: “Mặc dù các điều kiện kinh doanh ở Việt Nam vẫn khó khăn, tốc độ xấu đi của ngành sản xuất đã chậm lại cho thấy các hoạt động kinh tế có thể sẽ dần hồi phục vào quý 4”.
Giữa hai gọng kìm
Theo báo cáo của HSBC, sản lượng sản xuất tiếp tục giảm trong tháng 8 nhưng với tốc độ thấp nhất trong bốn tháng. Trong những phản hồi có suy giảm sản lượng tại nhà máy, các công ty thường nêu nguyên nhân là do số lượng các đơn đặt hàng mới thấp. Việc suy giảm đơn hàng kéo theo việc cắt giảm nhân công.
Bị kẹp giữa gọng kìm giá đầu vào tăng và giá bán khó có thể tăng, ông Lương Vạn Vinh nói: “Khó khăn nhất với công ty hiện nay, là chi phí đầu vào đột nhiên tăng lên, mức tăng này sẽ giữ lâu dài đến cuối năm hay không cũng chưa thể dự đoán được, vì giá nguyên liệu thị trường thay đổi khá nhanh, nhưng giá bán không thể tăng lên đồng nào vì sức mua đang rất thấp”. Cùng chung suy nghĩ với ông Vinh, ông Cường nói: “Tăng giá bán hàng là tự sát, còn không tăng thì phải chịu sức ép quá căng khi chi phí đầu vào sản xuất cứ tăng dần mỗi tuần”.
Theo tính toán của các nhà nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 20%, so với hồi đầu năm. Ông Trần Quang Trung, một chủ trại heo ở Đồng Nai cho biết, giá hầu hết các loại nguyên liệu chính như đậu nành, bắp, cám gạo… tăng 20 – 60% so với cách nay khoảng ba tháng. “Mấy tháng trước giá thức ăn chưa tăng thì bán một con heo trọng lượng 100kg người nuôi chỉ lỗ ba, bốn trăm ngàn, còn nay lỗ gần cả triệu”, ông Trung nói thêm.
Ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Hùng Vương cho biết, kể từ đầu tuần tới, khi các nhà máy đưa nguyên liệu mới nhập khẩu về với giá thành cao, chắc chắn giá thức ăn sẽ phải tăng thêm ít nhất 1.000 đồng, lên 12.500 đồng/kg, kéo giá thành nuôi cá phải tăng từ 21.000 – 22.000 đồng như hiện nay lên mức 24.000 – 25.000 đồng/kg vào vụ nuôi tới. Theo tính toán của doanh nghiệp xuất khẩu, để người nuôi có lời 10% thì doanh nghiệp phải mua vào ở mức 27.000 – 28.000 đồng, và lúc đó giá xuất khẩu đảm bảo có lãi phải trên 3 USD/kg. Tuy nhiên, ông Dương Ngọc Minh cho rằng khó có thể trông chờ giá xuất khẩu thời gian tới lên mức 3 USD.
Dù chi phí tăng, theo khảo sát của HSBC, các công ty tiếp tục hạ giá bán trung bình. Báo cáo viết: “Lần giảm giá xuất xưởng trong tháng 8 là lần giảm thứ tư trong bốn tháng, nhưng với tốc độ thấp hơn nhiều so với tháng 6 và tháng 7. Các công ty giảm giá bán cho rằng họ làm vậy một phần vì áp lực cạnh tranh”.
Bích Nga – Hoàng Bảy
sài gòn tiếp thị
|