Thứ Sáu, 28/09/2012 21:23

Các chính sách thuế, gỡ nhiều nhưng vẫn vướng

Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, mặc dù ngành tài chính đã và đang nỗ đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất - kinh doanh, song VCCI vẫn nhận được rất nhiều phản ánh của DN cho rằng, thủ tục hành chính thuế còn phức tạp, một số văn bản pháp quy hướng dẫn các sắc thuế chưa rõ ràng, thuế suất nói chung còn cao, tính chưa hết chi phí thực tế mà DN bỏ ra khi xác định thu nhập chịu thuế…

Tại cuộc Đối thoại thường niên giữa Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan với cộng đồng DN khu vực phía Bắc mới được tổ chức tại Hà Nội (vào đầu tháng 10 tới, Bộ Tài chính sẽ tổ chức đối thoại với cộng đồng DN khu vực phía Nam tại TP.HCM) một lần nữa khẳng định những gì mà đại diện VCCI phản ánh là chính xác.

Cũng như nhiều DN khác, đại diện Công ty Tân Khánh An (Nghệ An), ông Nguyễn Duy Mão bày tỏ sự đồng tình về việc Chính phủ ban hành Nghị định 69/2012/NĐ-CP bỏ việc thu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với bao bì nylon đóng gói sẵn hàng hoá. Tuy nhiên, ông Mão cho rằng, nếu Nghị định này không hồi tố thì Công ty của ông khó có thể phục hồi được sản xuất.

“Chúng tôi sản xuất và cung cấp bao bì cho hàng loạt nhà máy sản xuất phân đạm, thức ăn chăn nuôi gia súc, bột đá… Khi Nghị định 67/2011/NĐ-CP có hiệu lực kể từ 1.1.2012, chúng tôi phải nộp thuế BVMT hàng tỷ đồng trong khi không thể điều chỉnh được giá bán sản phẩm nên đã phải thu hẹp sản xuất, giảm 40% lao động”, ông Mão kể.

Đồng tình với quan điểm cần phải đánh thuế đối với sản phẩm gây ô nhiễm môi trường, nhưng theo ông Mão, nếu đánh thuế với cả sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường là hết sức phi lý. Cụ thể như sản phẩm của bao bì của Công ty Tân Khánh An có giá trị 25.000 đồng/kg nên sau khi sử dụng, người dân thường thu gom và bán lại cho DN vì thế không gây tác hại đến môi trường mà vẫn phải chịu thuế là phi lý.

“Bức xúc trước sự phi lý này, chúng tôi đã làm văn bản gửi Bộ Tài chính. Văn phòng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính giải thích và trả lời DN nhưng chúng tôi đợi từ tháng 5 đến giờ vẫn không có câu trả lời”, ông Mão cho biết.

Đại diện Công ty Canon Vietnam, bà Đào Thị Thu Huyền cũng bày tỏ sự vui mừng vì không phải nộp thuế BVMT đối với bao bì đóng gói sản phẩm bán ra thị trường hoặc xuất khẩu. Nhưng theo bà, do phải chịu thuế BVMT nên nhiều DN đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, không có khả năng để chi trả số tiền này. Vì vậy, Bộ Tài chính nên kiến nghị cho phép hồi tố Nghị định 69/2012/NĐ-CP tức là cho áp dụng ngay từ 1.1.2012 thay vì 15.11.2012 như quy định.

“Nếu không hồi tố được, Bộ Tài chính cũng không nên truy thu tiền thuế BVMT mà DN đang nợ do gặp khó khăn về tài chính, không có khả năng nộp tiền thuế BVMT vào ngân sách”, bà Huyền kiến nghị.

Canon Vietnam là DN chế xuất nên toàn bộ hàng hoá tiêu dùng, sử dụng cho sản xuất trong khu chế xuất theo quy định không phải nộp thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, cũng như tất cả DN chế xuất khác, Canon Vietnam phải nộp thuế giá trị gia tăng với thuế suất 10% đối với dịch vụ bưu chính-viễn thông.

Theo bà Huyền, những tập đoàn đa quốc gia có quy mô lớn như Canon, Samsung, LG… hàng năm sử dụng dịch vụ bưu chính-viễn thông rất lớn, vì thế việc phải nộp thuế giá trị gia tăng không chỉ không phù hợp với những ưu đãi dành cho khu chế xuất, DN chế xuất, khu thương mại mà còn hạn chế sức cạnh tranh của DN trên thị trường xuất khẩu (100% sản phẩm của doanh nghiệp chế xuất phải xuất khẩu).

Cũng như dịch vụ bưu chính-viễn thông, mặt hàng rượu bia, thuốc lá… bán vào khu thương mại mặc dù là hoạt động xuất khẩu nhưng vẫn phải chịu thuế giá trị gia tăng. Theo đại diện DN chuyên cung cấp hàng hoá cho Khu thương mại Lao Bảo thì việc đánh thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng hiện nay là hết sức lý.

“Chúng tôi đem hàng vào khu thương mại đã phải nộp thuế giá trị gia tăng, nhưng trong những trường hợp hàng hoá không bán được, chúng tôi đem trả lại nhà sản xuất thì hoạt động này được coi là nhập khẩu vào thị trường nội địa và lại phải nộp thuế giá trị gia tăng một lần nữa. Quy định này là bất hợp lý”, vị đại diện này phản ánh.

Tại cuộc Đối thoại kể trên, đại biểu Quốc hội Khoá XII, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Á, bà Phạm Thị Loan bày tỏ sự thất vọng với các chính sách tài chính mới đối với đất đai.

“Thực hiện Nghị định số 121/2010/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, giá thuê đất của chúng tôi tăng từ 2.500 đồng/m2 lên 18.000 đồng/m2. Không biết căn cứ vào đâu mà UBND tỉnh Hưng Yên tăng giá thuê đất gấp tới hơn 7 lần khiến DN đã gặp khó khăn lại càng khó khăn hơn”, bà Loan cho biết.

Theo Nghị định 121/2010/NĐ-CP, trường hợp DN bỏ tiền đền bù giải phóng mặt bằng thì được trừ vào tiền thuê đất hàng năm. “Không biết ở các địa phương khác có thực hiện theo đúng quy định này không, còn tại Hưng Yên, chúng tôi phải bỏ tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho người dân, nhưng cơ quan thuế không cho trừ số tiền này vào tiền thuê đất mà vẫn bắt chúng tôi phải nộp”, bà Loan phản ánh.

Bà Loan kiến nghị Bộ Tài chính phải sớm sửa các quy định liên quan đến thu từ đất đai, nếu không sẽ đẩy không ít DN rơi vào tình trạng phá sản, giải thể. Cụ thể, theo quy định hiện hành, DN phải nộp tiền thuê đất tính theo giá thị trường đồng thời kể từ 1.1.2012 còn phải nộp thêm khoản thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với mức thuế suất 0,03% tính theo giá thị trường. Theo bà Loan, DN đi thuê đất đồng thời phải nộp 2 khoản liên quan đến đất đai là bất hợp lý. Bộ Tài chính phải sớm sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi quy định bất hợp lý này.

Mạnh Bôn

đầu tư

Các tin tức khác

>   “6.100 doanh nghiệp trở lại sản xuất nhờ chính sách thuế” (28/09/2012)

>   Kiến nghị giảm thuế xuất khẩu titan (28/09/2012)

>   Thuế, phí bức tử ngành ô tô (27/09/2012)

>   Gia hạn nộp thuế VAT thêm 3 tháng cho DN (27/09/2012)

>   Đồng ý nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng (25/09/2012)

>   Thuế xăng dầu: Bộ Công thương bác đề xuất Bộ Tài chính (25/09/2012)

>   Quản lý chặt chẽ thu ngân sách (23/09/2012)

>   Gánh nặng thuế má đang ngày càng gia tăng (23/09/2012)

>   Sửa luật quản lý thuế, doanh nghiệp thuận lợi hơn? (22/09/2012)

>   'Chạy' thuế 800 triệu USD/năm, dệt may khốn đốn (22/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật