“Bấm bụng” để kích tiêu dùng
Để đưa ra được con số khuyến mãi đến 30%-40%-50%, nhiều doanh nghiệp đã phải cố bấm bụng “ăn” vào vốn của mình.
Trong thời điểm sức mua chậm do người tiêu dùng (NTD) thắt chặt chi tiêu, tháng khuyến mãi (tháng 9 này) do Sở Công Thương TP.HCM phát động được xem như một động thái kích cầu toàn lực nhằm nâng sức mua.
Khuyến mãi nhỏ không còn hấp dẫn
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Co.op Mart, do đang khó khăn nên NTD mua sắm cân nhắc hơn, tập trung mua hàng khuyến mãi nhiều. Để thực hiện chương trình
Tự hào hàng Việt
, Co.op Mart phải chi đến 80 tỉ đồng cho giảm giá sản phẩm và 20 tỉ đồng cho phiếu quà tặng.
Không tiết lộ con số chi cho chương trình khuyến mãi, bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, đại diện Big C, cho biết siêu thị đã thực hiện nhiều giải pháp như từ hai đến ba tuần có 6-7 chương trình chạy song song cùng 1.500 mặt hàng thiết yếu giảm giá đến 50%. Còn Trung tâm Điện máy Thiên Hòa cho biết năm nay chi tới 22 tỉ đồng cho tháng khuyến mãi, giảm giá đến 49%.
Lãnh đạo một siêu thị ở TP.HCM trăn trở: “Với các hoạt động trong tháng khuyến mãi hy vọng doanh thu sẽ tăng cao, tuy nhiên tình hình từ tháng 10 trở đi vẫn chưa biết được. Chúng tôi là kênh phân phối đã thấy khó, không biết DN gặp khó đến mức nào”.
Nếu cứ khuyến mãi liên tục sẽ tạo cho người tiêu dùng thói quen có khuyến mãi mới mua, không thì thôi.
|
Mặc dù kinh doanh mặt hàng thực phẩm vốn là sản phẩm thiết yếu nhưng bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food, cho biết sức mua giảm rõ do NTD thắt chặt chi tiêu. So với cùng kỳ năm 2011, doanh thu Saigon Food tăng 15% nhưng sản lượng không tăng. Từ cuối năm 2011 đến nay, công ty không tăng giá bán dù một số mặt hàng kinh doanh không còn hiệu quả, giá đầu vào không ngừng tăng, đặc biệt là lương nhân viên tăng hai lần. Theo bà Lâm, mức giảm giá 5% hay 10% dường như không hấp dẫn NTD nữa. Trong khi đó, các DN nóng lòng giải quyết hàng tồn kho, đẩy doanh thu nên đua nhau giảm giá. “Đối với nhà sản xuất, mức khuyến mãi 30%, 40% hay 50% là những con số đáng báo động, chứng tỏ DN đang tự ăn “cái đuôi” của mình” - bà nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty Nhựa Chí Thành, hoàn toàn đồng tình với bà Lâm, DN chấp nhận giảm giá để đẩy hàng tồn và giữ thị phần chứ thông thường giá nguyên liệu đầu vào tăng thì không thể giảm giá. “Nếu chỉ khuyến mãi trong một thời gian ngắn thì nhà sản xuất chấp nhận được vì có thể xem đó là chi phí quảng bá thương hiệu thông qua kênh siêu thị” - ông Hùng nói.
Đại diện một DN sản xuất thực phẩm tươi và chế biến còn chia sẻ “nếu không tham gia khuyến mãi thì sản lượng công ty tôi giảm hẳn 30%-40%”. Theo vị này, nếu đã có khuyến mãi đợt này rồi thì đợt tiếp theo phải khuyến mãi tiếp, nghĩa là phải chấp nhận duy trì. Tuy nhiên, đây không phải là đũa thần giúp DN tăng khả năng cạnh tranh và sức mua hiệu quả.
Đừng tạo thói quen “xấu” cho NTD
Đặt câu hỏi vì sao DN biết là đang tự “ăn” vốn của mình nhưng vẫn khuyến mãi, chúng tôi được chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng trả lời: “Nếu như đã nhận thấy mặt hàng nào bán không có lời thì DN nên buông ra vì sản phẩm đó không còn khả năng thu hút NTD. Chẳng hạn một loại sản phẩm chỉ lời được 10%, đem khuyến mãi đến 5% mà NTD vẫn ngó lơ thì phải xem xét lại. Nếu cứ tiếp tục, DN dễ rơi vào tình trạng “đu” theo khuyến mãi và tạo cho NTD thói quen thấy khuyến mãi mới mua, không có là không mua”.
Phân tích ý kiến DN phải “theo” các kênh bán lẻ để chạy chương trình khuyến mãi, ông Hoàng cho biết việc này thường rơi vào những DN chưa có thương hiệu. “Vì vậy, DN phải ý thức xây dựng thương hiệu ngay từ khi đang bán được hàng và chỉ nên xem khuyến mãi là công cụ chiến thuật chứ không phải chiến lược, đừng để NTD trông đợi vào hành vi khuyến mãi. Ngoài ra, DN cần xây dựng kênh bán hàng đa dạng chứ đừng phụ thuộc vào một kênh nào, trừ mặt hàng đặc thù” - ông Hoàng nói.
Cùng quan điểm trên, ông Ngô Đình Dũng, chuyên gia tư vấn Công ty ISM, cũng nói các DN “bị” theo chương trình khuyến mãi của siêu thị thường là DN chưa có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, quyết định theo hay không theo là quyền của DN và DN phải xác định rõ mục tiêu là bán được hàng cho NTD hay là đầu tư cho marketing.
Một yếu tố đáng lưu ý theo chuyên gia Đoàn Đình Hoàng là các chương trình khuyến mãi “khủng” thường nằm ở ngành hàng may mặc, điện tử… “Chẳng hạn, mặt hàng điện tử thường không xác định được giá trị thật vì người bán tự nâng giá rồi bán ra thị trường. Nếu đã tự nâng giá lên mà bán ra giá thấp thì dễ làm cho NTD nghi hoặc. Hiện nay để bán được hàng, DN phải quay về với giá trị thật của sản phẩm, giá mà NTD có thể chấp nhận được” - ông Hoàng nói.
Giảm giá mọi lúc, mọi nơi
Không chỉ chạy theo chương trình khuyến mãi của siêu thị, nhiều DN còn tận dụng cả các đợt hội chợ, triển lãm... Điển hình là tại hội chợ Vietbuild mới đây ở TP.HCM, các mặt hàng nội thất đã được giảm giá đáng kể như gương treo tường có hỗ trợ lắp ráp giảm giá đến 50%, các phụ kiện kèm theo giảm giá 50%, sofa vải nhập khẩu giảm 40%, thảm cao cấp giảm 40%, cửa cuốn Úc và Đức giảm 25%...
|
TƯỜNG LINH
Pháp luật TPHCM
|