Ai trao niềm tin cho thị trường chứng khoán?
“Thị trường về cuối năm có phục hồi được không thầy?” Đó là câu hỏi mà một học viên trong lớp Luật chứng khoán (mới khai giảng sau 4 lần trì hoãn) hỏi TS Nguyễn Thế Thọ - Vụ trưởng Vụ giám sát thị trường, UBCKNN, tối 12/9. TS Nguyễn Thế Thọ đã hỏi ngược lại: Kinh tế hiện nay có cái gì mang lại niềm tin cho TTCK?
Biện pháp kỹ thuật: Không phải tiên dược
Năm 2011, TTCK đúng nghĩa trở về với thời kỳ đồ đá! Giao dịch ảm đạm, chỉ số liên tục lao dốc, quyền lợi NĐT nhỏ lẻ bị xem nhẹ; cùng hàng loạt các vấn đề của thị trường như margin trái phép, giải chấp, bán khống… khiến thị trường bùng nhùng chẳng khác nào cái chợ hàng tôm hàng cá. Những ấm ức (vì cảm thấy bị đối xử bất công, không được bảo vệ), và những bức bối, tiếc nuối, giận dữ (khi tài khoản giao dịch bốc hơi)… được các NĐT, thông qua báo chí, đổ thẳng lên đầu Ủy ban chứng khoán (UBCK). UBCK bị chỉ trích mạnh mẽ nhất là về thời gian thanh toán chậm trễ, TTCK Việt Nam không chỉ bị so với Mỹ về khoản T+ mà còn bị lôi ra so sánh với… Lào - một thị trường mới thành lập (nhưng đã áp T+2).
Khi kinh tế không có gì để niềm tin hồi phục có thể dựa dẫm, NĐT đành bấu víu vào các giải pháp kỹ thuật thị trường. T+0, T+2… vì vậy trở thành niềm "ước ao, khát khao", trở thành đề tài bàn tán, tranh luận sôi nổi!
Điều gì phải đến cũng đã đến! UBCK từ đầu năm đến nay đã có rất nhiều giải pháp kỹ thuật mới nhằm hỗ trợ, nâng cao khả năng thanh khoản của thị trường, đáp ứng đòi hỏi chính đáng của NĐT. Nới rộng thời gian giao dịch sang buổi chiều, áp dụng lệnh thị trường… đã tạo được hiệu ứng rất tốt, góp phần giúp thị trường phục hồi trong khoảng thời gian vài tháng đầu năm. VN-Index từ đáy 356 lên 488, trở thành một hiện tượng trên thế giới trong bối cảnh chứng trường toàn cầu ảm đạm.
Nhưng từ tháng 5, quá khứ lặp lại, thị trường diễn biến như hồi tháng 5/2011: lao dốc! Khi chạm Fibonaci 50, chỉ số bật lại và vọt lên Fibonaci 38.2, rồi đoàng một cái: Bầu Kiên bị bắt. Tâm lý hoảng loạn tột độ, chỉ số rớt một mạch xuyên thủng ngưỡng phòng tuyến cuối cùng Fibonaci 68.2 và khiến gần 6 tỷ USD vốn hóa bay hơi! Thời gian gần đây, chỉ số vẫn vận động dưới vùng FB 68.2, khối lượng giao dịch ảm đạm.
Những lời “ngợi khen” chứng khoán Việt Nam đang rẻ của các chuyên gia trong và ngoài nước không có tác dụng, UBCK đã dùng biện pháp cũ để hỗ trợ thêm thị trường. T+3 được áp dụng từ ngày 4/9 mà không phải đợi những tiếng kêu ca từ các NĐT!
Kết quả? UBCK đã không thể một tay đập đá vá trời! Thay vì sự hào hứng là xúc cảm… hờ hững của NĐT khi khối lượng giao dịch từ khi áp dụng T+3 lại èo uột thêm. Cứ như T+ là câu chuyện của bên... “Lào” ấy. Không ai nhớ rằng họ đã mong ngóng thế nào về việc được bán chứng khoán trước một, hai ngày như năm 2011. T+3 cũng giống như Thông tư 74/2011/BTC về cho phép margin, mở hai tài khoản vậy, không tạo được hiệu ứng tích cực nào cả. T+3 tuy giúp quay vòng vốn nhanh hơn, nhưng sẽ không có công bằng hơn cho NĐT nhỏ lẻ vì các hành vi lách luật để đánh T+2, T+0 vẫn tồn tại! Lợi thế vẫn thuộc về một số ít các tay chơi lớn và có lẽ sẽ luôn luôn là vậy. Muốn tồn tại và kiếm được lời trên TTCK, NĐT buộc phải nhờ đến bản năng tự nhiên sẵn có: thích nghi !
T+3 ra đời không giúp thị trường tốt hơn, đã vậy còn phơi bày ra những bùng nhùng của các CTCK nhỏ lẻ. Một tuần áp dụng T+3, hai CTCK bị đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký vì thiếu hụt thanh khoản càng làm cho thị trường thêm nhiều ngán ngẩm!
Niềm tin hồi phục của NĐT vì vậy, chắc chắn không thể đến từ các biện pháp kỹ thuật của thị trường!
Sẽ còn nhiều cái ôm mặt thất vọng nữa ! (Ảnh minh họa, nguồn: Internet
|
Ai trao niềm tin cho thị trường?
“Thị trường về cuối năm có phục hồi được không thầy?”. Đó là câu hỏi mà một học viên trong lớp Luật chứng khoán (mới khai giảng sau 4 lần trì hoãn) hỏi TS Nguyễn Thế Thọ - Vụ trưởng Vụ giám sát thị trường, UBCKNN, tối 12/9. TS Nguyễn Thế Thọ đã hỏi ngược lại: Kinh tế hiện nay có cái gì mang lại niềm tin cho TTCK?
Gánh nặng về lãi suất cao đè nặng mới được nới bỏ phần nào, các chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ chưa kịp ngấm vào nền kinh tế… thì doanh nghiệp đã bị đòn “liên hoàn cước tăng giá” từ xăng dầu, gas… Sắp tới, tiếp tục là một cơn bão tăng giá mới theo kiểu té nước theo mưa như từng tiếp diễn hai năm trước, chắc chắn sẽ làm giảm sức cầu trong dân, doanh nghiệp sẽ tiếp tục vận lộn với tiêu thụ kém, hàng tồn kho chất đống. CPI giảm vài tháng vừa qua thì đừng chủ quan năm nay sẽ thấp, vì bài học 2010 “đầu năm thắt, cuối năm tháo” vẫn còn nóng hổi.
Hiện tượng… xuất siêu 88 triệu USD (xuất khẩu đạt 63.55 tỷ USD, tăng 20.2% so với cùng kỳ và nhập khẩu đạt 63.46 tỷ USD, tăng 8.1%) tính đến tháng 7/2012 chẳng phải là một điều tốt lành với một quốc gia đang phát triển và có truyền thống nhập siêu như Việt Nam. Trong 63.55 tỷ USD xuất khẩu ấy, có đến 34.64 tỷ USD đến từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Chưa kể, số sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam chỉ tham gia gia công, tạo ra rất ít giá trị gia tăng nhưng giá trị tổng thể của nó vẫn được tính vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Nếu muốn biết rõ hơn nữa kinh tế hiện nay đang như thế nào thì cứ nhìn vào con số thu ngân sách. Thu ngân sách đến tháng 8 đạt 447,000 tỷ đồng, bằng 60.4% dự toán, bằng 98.4% so với cùng kỳ năm 2011. Tháng 8 thu ngân sách giảm 10% so với cùng kỳ năm 2011 được Bộ tài chính thừa nhận nguyên nhân là do: Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 28.3%; thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 11.4%, do sản lượng xe ô tô tiêu thụ sụt giảm (hơn 22% so với cùng kỳ); thu tiền sử dụng đất giảm 40%, do thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tỷ lệ giao dịch thành công thấp, chủ yếu là giao dịch giá trị nhỏ...vv.
Kinh tế như vậy, mà hàng loạt chuyên gia cứ kêu gào: chứng khoán Việt Nam đang rất rẻ (!?).
Tín hiệu khả quan hiếm hoi có lẽ đến từ kiều hối và sự vào cuộc của luật pháp trừng trị những tội phạm tài chính ngân hàng, giúp thị trường tài chính nói chung, TTCK nói riêng về lâu dài sẽ tốt lên. Giai đoạn này có thể là giai đoạn nhạy cảm khi Việt Nam đang tái cấu trúc nền kinh tế, động chạm đến nhiều nhóm lợi ích; chúng ta phải trải qua cơn đau và chịu những tổn thất mới có thể hy vọng vào một tương lai phát triển bền vững về sau này.
Cũng giống như người bị hoại thư. Phải cắt bỏ phần cơ thể nhiễm trùng để cứu lấy sinh mạng trước khi quá muộn!
TTCK - vốn là hàn thử biểu của nền kinh tế, vì vậy, không có cơ sở nào để hồi phục trong ngắn hạn. Thị trường đang vận động để rũ bỏ dần những người cuối cùng đang cố giữ niềm tin tăng giá, hoặc những ai còn ngoan cố không chấp nhận rằng mình đã lỗ! Mầm mống của sự phục hồi, rồi sẽ xuất hiện, nhưng đó là khi bi quan lên đến cực điểm.
Thời điểm đó, có lẽ chưa phải bây giờ!
Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)
FFN
|