Thứ Sáu, 14/09/2012 09:32

Nhà đầu tư chứng khoán đang bị “bịt mắt”

Không chỉ trốn đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để thoát khỏi vòng kiểm soát của cơ quan quản lý, mà ngay cả những công ty đại chúng đã “chính danh ngôn thuận” rồi cũng vẫn lờ đi nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định.

Dù là vô tình hay cố ý thì việc quên mất nghĩa vụ của mình, các công ty đại chúng chẳng khác nào đang bị mắt nhà đầu tư và cổ đông.

Với nhiều quy định được bổ sung tại Thông tư 52/2012/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/6/2012, công bố thông tin của các công ty đại chúng đã được quản chặt hơn nhờ. Giờ đây khi phải hoàn thành thêm nhiều nghĩa vụ về công bố thông tin, các công ty đại chúng không còn dễ dàng trong việc “làm xiếc” hay “che mắt” nhà đầu tư.

Nhiều trách nhiệm phải công bố

Theo quy định, công ty đại chúng phải công bố thông tin định kỳ, bất thường và theo yêu cầu. Các thông tin phải công bố định kỳ mà công ty đại chúng phải hoàn thành như: báo cáo tài chính năm, báo cáo thường niên, báo cáo tình hình quản trị của công ty 6 tháng và năm trên trang web của công ty và các phương tiện công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán và sở giao dịch chứng khoán (nếu là công ty niêm yết và đăng ký giao dịch), nghị quyết đại hội cổ đông thường niên, tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên/bất thường, công bố thông tin về việc chào bán chứng khoán và tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán.

Bên cạnh đó, công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường và công bố thông tin theo yêu cầu trong thời hạn 24giờ, 72 giờ.

Riêng đối với công ty đại chúng quy mô lớn (công ty đại chúng có vốn điều lệ thực góp từ 120 tỷ đồng trở lên được xác định tại Báo cáo tài chính năm gần nhất có kiểm toán hoặc theo kết quả phát hành gần nhất và có số lượng cổ đông không thấp hơn 300 cổ đông tính tại thời điểm chốt danh sách cổ đông tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán vào ngày 31 tháng 12 hàng năm theo danh sách của Ủy ban Chứng khoán công bố), dù chưa niêm yết cũng sẽ phải có nghĩa vụ công bố thông tin như một công ty niêm yết.

Cụ thể, các thông tin công bố định kỳ là báo cáo tài chính quý, bán niên có soát xét và báo cáo tài chính năm phải có kiểm toán... Sau 1 năm kể từ ngày không còn là công ty đại chúng có quy mô lớn theo danh sách do Trung tâm Lưu ký công bố, công ty đại chúng quy mô lớn sẽ thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin như quy định với công ty đại chúng hoặc tổ chức niêm yết.

Cố tình trốn nghĩa vụ để “làm xiếc”?

Trong thư phản ánh gửi về TBKTVN gần đây, nhiều nhà đầu tư đã phát hiện khá nhiều công ty đại chúng chỉ đăng ký lấy lệ mà không thực hiện việc công bố thông tin như quy định. Không chỉ công bố thông tin một cách sơ sài, chiếu lệ, một số công ty thậm chí còn không hề công bố.

Một trong số những truờng hợp đó là Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại DIC có vốn điều lệ 75 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 70% do Tổng công ty DIC Group nắm giữ (mã DIG-HOSE), trụ sở chính tại 169 Thuỳ Vân, phường 8, thành phố Vũng Tàu.

Theo danh sách do Ủy ban Chứng khoán công bố thì Công ty đã đăng ký công ty đại chúng từ 16/11/2007, nhưng trong trang web của Ủy ban Chứng khoán không có công bố thông tin của DIC T&T. Trong trang web của DIC T&T thì nhà đầu tư cũng tìm được rất ít thông tin (nhiều mục chỉ có tên đề mục, khi nhà đầu tư nhấn vào đường link thì không hề truy cập được).

Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh, trụ sở chính tại 54 Phan Đăng Lưu – Tp.Vinh, Nghệ An. Vốn điều lệ 105 tỷ đồng, phần vốn nhà nước do Sabeco nắm giữ. Công ty đã đăng ký công ty đại chúng từ 28/6/2007 nhưng cũng không thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin, thậm chí không tìm thấy địa chỉ website của công ty và trong website của Ủy ban Chứng khoán cũng không hề có công bố thông tin của công ty này.

Một nhà đầu tư phải thốt lên rằng, đây là một điển hình về loại công ty tù mù kém minh bạch trong công bố thông tin, cố tình bịt mắt cổ đông. Công ty Cổ phần chế tạo máy Vinacomin, 486 đường Trần Phú, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, vốn điều lệ 40,8 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 36% do Tập đoàn Than khoáng sản Vinacomin nắm giữ.

Theo danh sách công ty đại chúng do Ủy ban Chứng khoán công bố thì công ty này đã đăng ký với Ủy ban Chứng khoán ngày 12/4/2009, nhưng công ty trốn không công bố thông tin trên trang web của Ủy ban Chứng khoán. Trên trang web của công ty tại địa chỉ http://chetaomay.com.vn, thông tin khá nghèo nàn, không đúng quy định.

Một điển hình nữa cần nhắc tới cũng thuộc Vinacomin là Công ty Cổ phần xi măng La Hiên. Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 51% do Tổng công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc (công ty con của TKV) nắm giữ. Công ty Xi măng La Hiên đã đăng ký đại chúng với Ủy ban Chứng khoán ngày 30/502008. Đã có hàng chục cổ đông công ty làm đơn gửi Ủy ban Chứng khoán về việc công ty này vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin.

Gần đây trước sức ép của dư luận cổ đông thì Xi măng La Hiên đã lập website, nhưng thông tin công bố trong đó vẫn còn thiếu rất nhiều so với quy định luật pháp và trong trang web của Ủy ban Chứng khoán không có công bố thông tin của Xi măng La Hiên.

Một ví dụ khác là Công ty Cổ phần Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Vungtautouristn (207 Võ Thị Sáu, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), đã đăng ký công ty đại chúng ngày 18/9/2009.

Dưới sức ép của dư luận cổ đông, thời gian gần đây Vungtautourist đã tiến bộ nhiều về việc công bố thông tin, tuy nhiên thông tin công bố vẫn còn thiếu so với quy định, như: thiếu chưa đăng tải Điều lệ công ty, thông tin của các năm trước đây cũng còn thiếu nhiều (một số mục chỉ có tên đề mục, khi nhấn vào đường link thì lại không truy cập được hoặc truy cập được nhưng thông tin lại không khớp với tên đề mục)...

Tình trạng công bố thông tin không đầy đủ của công ty đại chúng khiến cổ đông bị thiệt hại do không nắm được đầy đủ hoạt động của doanh nghiệp. Hơn thế, thông tin tù mù thiếu minh bạch cũng là mảnh đất cho tham nhũng, tiêu cực có cơ hội nảy sinh.

Cùng với việc xử phạt, nhà đầu tư mong rằng cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra giám sát, mong các cơ quan quản lý vốn nhà nước tại các công ty cổ phần cần có trách nhiệm hơn nữa với việc quản lý đồng tiền của nhà nước, và phát huy vai trò của một cổ đông lớn.

Hoàng Xuân

tbktvn

Các tin tức khác

>   TTCK: Chờ “sóng” từ chính sách thuế (14/09/2012)

>   14/09: Bản tin 20 giờ qua (14/09/2012)

>   TAS tạm thời bị đình chỉ hoạt động thanh toán bù trừ (13/09/2012)

>   CMX: Lấy ý kiến văn bản bầu Thành viên HĐQT mới (13/09/2012)

>   FDC: 21/09 GDKHQ góp ý kiến bằng văn bản (13/09/2012)

>   HTI: 24/09 GDKHQ nhận cổ tức đợt 2/2011 tỷ lệ 8% (13/09/2012)

>   PGI: Giải trình lợi nhuận riêng Q2/2012 (13/09/2012)

>   CTCK cắt margin, rủi ro NĐT chịu (13/09/2012)

>   PGC: Lãi ròng quý 2 tăng 10 tỷ đồng nhờ ổn định tỷ giá (13/09/2012)

>   Chứng khoán: Sự hờ hững… đến buồn lòng (13/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật