Thứ Sáu, 14/09/2012 13:37

Thiếu hụt thanh khoản: Những "bánh xe đổ" sau SME

Sau đợt báo cáo tỷ lệ an toàn vốn khả dụng vừa qua, hầu hết CTCK đều vượt được ngưỡng 120% theo quy định tại Thông tư 226 để không phải rơi vào diện bị kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi chính thức áp dụng T+3, những “con bệnh” bắt đầu lộ diện.

Ẩn số an toàn tài chính

Lần lượt Chứng khoán Tràng An (TAS) rồi đến Chứng Khoán Golden Bridge (GBS) bị Trung tâm Lưu ký (VSD) đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký do liên tiếp vi phạm Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, không tuân thủ nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán, gây nguy hại đến hệ thống thanh toán chứng khoán của VSD.

Với TAS, kể từ tháng 11/2011, công ty đã có 4 lần vi phạm Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán nhưng vẫn chưa thể khắc phục được tình trạng này. Đến nay, TAS cũng chưa công bố báo cáo tỷ lệ an toàn vốn khả dụng tính đến 30/06/2012 theo quy định. Ngày 06/09 vừa qua, UBCKNN đã đưa công ty này vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong vòng 6 tháng.

Nhìn vào báo cáo tài chính của TAS có thể thấy những con số hết sức ảm đạm. Với 6 quý lỗ liên tiếp, công ty hiện có lợi nhuận giữ lại âm gần 70 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tính đến 30/06 chỉ còn hơn 80 tỷ so với số vốn điều lệ 139 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán đưa ra hàng loạt điểm ngoại trừ tại BCTC soát xét bán niên 2012, trong đó có ý kiến ngoại trừ về phần lớn công nợ phải thu. Tình trạng thiếu tiền mặt và việc chưa tách bạch tài khoản nhà đầu tư là nguyên nhân dẫn đến khả năng thanh toán của TAS rất kém. Kiểm toán viên thậm chí còn lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của TAS trong các kỳ tiếp theo.

Và sự thật đã diễn ra đúng như lời cảnh báo, hai Sở GDCK đã đồng loạt đình chỉ các hoạt động giao dịch của TAS trên các thị trường niêm yết và UPCoM trong vòng 1 tháng, đồng thời đưa cổ phiếu TAS vào diện kiểm soát, chỉ được giao dịch một phiên duy nhất trong tuần đến khi nào công ty khắc phục được tình trạng khó khăn này.

Với GBS, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng tính đến 30/06 là 190%, vượt ngưỡng an toàn theo Thông tư 226. Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh của công ty vẫn có lãi với 2.72 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận giữ lại đạt mức 24.47 tỷ đồng, tiền và tương đương tiền còn hơn 9 tỷ đồng, gấp 8 lần so với đầu năm. Tuy nhiên, đến khi GBS bị tạm đình chỉ hoạt động lưu ký chứng khoán từ 07/09 do liên tiếp vi phạm Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán thì vấn đề trung thực trong các số liệu của GBS mới được đặt ra. Trước đó, tại BCTC soát xét bán niên 2012, đơn vị kiểm toán cho GBS là Deloitte khẳng định BCTC “đã phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính của công ty tại ngày 30/06/2012…”.

Những ngày sau đó GBS vẫn chưa khắc phục được tình trạng thiếu hụt thanh khoản này đã buộc lòng VSD tiếp tục ra quyết định đình chỉ tạm thời mọi hoạt động thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán đối với GBS từ 11/09 đến 20/09. Hai Sở GDCK cũng tạm ngừng các hoạt động giao dịch chứng khoán của GBS trên thị trường, đặt cổ phiếu này vào diện cảnh báo.

Những sự việc diễn ra liên tục với TAS và GBS phần nào cho thấy “vết xe đổ” của Chứng khoán SME (SME) đã có người tiếp bước. Sự việc này một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng sức khỏe của những công ty chứng khoán trên thị trường.

Đứt nguồn hỗ trợ

Trở lại lịch sử hình thành và phát triển của TAS, GBS, SME hay Chứng khoán Cao su (RUBSE), Chứng khoán Trường Sơn (TSS)… đều có những điểm chung khi được thành lập trong giai đoạn “huy hoàng” của thị trường chứng khoán Việt Nam (2006 – 2007), vốn điều lệ thấp cùng kinh nghiệm quản trị và điều hành yếu. Do đó, khi trải qua những biến cố về khủng hoảng kinh tế thế giới (2007 – 2008), cùng sự trì trệ của nền kinh tế trong nước (2011-2012), các công ty này dễ dàng rơi vào tình trạng khó khăn và mất kiểm soát về tài chính do đã đẩy mạnh vào các cuộc đua tranh giành thị phần môi giới, margin và tự doanh quá mức…

Ở mỗi công ty chứng khoán đều có sự tham gia góp vốn bởi các tổ chức và cá nhân có tiềm lực tài chính lớn, nhưng trong tình cảnh kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán xuống dốc thì việc các thể nhân này mở rộng hầu bao để bơm vốn cho “đứa con cưng” của mình vượt qua giai đoạn khó khăn trở thành một “nhiệm vụ bất khả thi”.

Điển hình là GBS, dù có cổ đông ngoại là Tập đoàn tài chính Golden Bridge của Hàn Quốc, nắm đến 49% trong tổng số 135 tỷ đồng vốn điều lệ, nhưng đến nay vẫn chưa thấy Tập đoàn này có động thái nào hỗ trợ GBS lấy lại thanh khoản và bù đắp các khoản thiếu hụt.

TAS có Chủ tịch HĐQT là ông Lưu Hiểu Đông (quốc tịch Trung Quốc), ông cùng vợ trở thành cổ đông lớn từ cuối tháng 4/2012 với tỷ lệ sở hữu gần 16%. Ông Đông đã thực hiện bơm cho TAS gần 30 tỷ đồng từ tiền túi của mình để giúp công ty bù đắp thanh khoản và khôi phục hoạt động. Nhưng cho đến nay “đơn thuốc” này vẫn chưa phát huy tác dụng và dường như “con bệnh” ngày càng trở nặng hơn.

Trong khi đó, tình hình của SME và RUBSE còn thê thảm hơn. Công ty gần như đã ngừng mọi hoạt động và đang “ngoi ngóp”. SME có hai cổ đông lớn là CTCP Tư vấn Anh nắm hơn 21% vốn do ông Phan Huy Chí (Chủ tịch kiêm TGĐ SME) làm đại diện và CTCP Đầu tư và Thương mại Quốc tế Nam Sơn nắm 5.89% vốn do ông Phạm Minh Tuấn (Phó Chủ tịch HĐQT SME) làm đại diện. Tuy nhiên, hiện tại hai cá nhân này đều bị bắt để điều tra về những sai phạm trong hoạt động kinh doanh.

Đến ngày 05/09 vừa qua, cả hai Sở GDCK đã có quyết định cuối cùng về việc chấm dứt tư cách thành viên đối với SME, chính thức cắt đứt mọi quan hệ với công ty này. Theo một số thông tin được biết thì hoạt động duy nhất của SME lúc này chỉ là chuyển nốt tài khoản khách hàng sang cho sang CTCK Đại Nam (DNSE) và CTCK Phú Gia (PGSC).

Với RUBSE, công ty có cổ đông lớn là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) với tỷ lệ sở hữu 51% cổ phần nhưng tập đoàn này không hề có ý định hỗ trợ về thanh khoản cho công ty, đặc biệt khi mà RUBSE có vốn chủ sở hữu là 40 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế tới hơn 39.9 tỷ đồng; tỷ lệ an toàn vốn khả dụng âm 18%, đồng thời đang bị UBCK đặt trong diện kiểm soát đặc biệt. Trước đó, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty, ông Phan Minh Anh Ngọc đã bị bắt tạm giam vì những sai phạm tài chính khi còn là Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV Cao Su Việt Nam - RFC (thành viên khác của VRG).

Viết Vinh (Vietstock)

ffn

Các tin tức khác

>   Nhà đầu tư chứng khoán đang bị “bịt mắt” (14/09/2012)

>   TTCK: Chờ “sóng” từ chính sách thuế (14/09/2012)

>   14/09: Bản tin 20 giờ qua (14/09/2012)

>   TAS tạm thời bị đình chỉ hoạt động thanh toán bù trừ (13/09/2012)

>   CMX: Lấy ý kiến văn bản bầu Thành viên HĐQT mới (13/09/2012)

>   FDC: 21/09 GDKHQ góp ý kiến bằng văn bản (13/09/2012)

>   HTI: 24/09 GDKHQ nhận cổ tức đợt 2/2011 tỷ lệ 8% (13/09/2012)

>   PGI: Giải trình lợi nhuận riêng Q2/2012 (13/09/2012)

>   CTCK cắt margin, rủi ro NĐT chịu (13/09/2012)

>   PGC: Lãi ròng quý 2 tăng 10 tỷ đồng nhờ ổn định tỷ giá (13/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật