Chủ Nhật, 19/08/2012 08:18

Xác định "toạ độ" đầu tư công

Theo TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN, đầu tư công hiện đang trong tình trạng quá dàn trải, do vậy cần thu hẹp và tiến tới bỏ hẳn đầu tư ngoài ngành của các DNNN để dễ kiểm soát.

Bên cạnh đó, cần phải chọn các mục tiêu, vùng ưu tiên để có những tọa độ đột phá đầu tư công hiệu quả.

TS. Trần Đình Thiên
TS. Trần Đình Thiên

- Theo ông, trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần phải đặt ra những vấn đề gì để đảm bảo được việc đầu tư công có hiệu quả?

Có thể nói, câu chuyện thu hẹp đầu tư ngoài ngành của các DNNN đang là vấn đề "nóng". Hiện nay phần việc chính của các DNNN cũng chưa tốt, đã thế các DN này còn bỏ vốn ra ngoài để đầu tư nhằm tăng lợi nhuận khiến tình trạng dàn trải ngày một phổ biến. Vấn đề nằm ở chỗ, đáng lẽ về mặt chức năng không nên cho phép DNNN đầu tư ngoài ngành. Bởi các DN này đang sử dụng tài sản của xã hội để làm việc phục vụ cho xã hội, mà những lực lượng xã hội khác dựa vào nguồn lực của mình có muốn làm cũng khó.

Tôi cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, các DNNN nên làm chức năng phục vụ nhiều hơn, phục vụ tăng trưởng và tạo ra các điều kiện để các DN thuộc các lực lượng khác họ sản xuất ra lợi nhuận.

- Nhưng các DNNN đưa ra quan điểm, dù sao họ vẫn là một DN, và họ cần phải kinh doanh để tồn tại ?

Thực tế thì họ vẫn tồn tại, nếu nhìn ra các nước thì DNNN họ vẫn tồn tại và phát triển bình thường, không phải vì họ không kiếm lợi nhuận được thì họ không tồn tại. Họ có những nguyên tắc mà Nhà nước phải bảo đảm, chẳng hạn hoạt động trong những lĩnh vực không có hiệu quả kinh tế theo quan điểm thị trường giống như DN tư nhân thì Nhà nước phải bù vào. Ở đây chỉ khác biệt, khu vực tư nhân dựa vào đồng vốn của mình họ làm ra lợi nhuận và nộp thuế, bản thân tiền thuế đó cũng góp phần giúp cho các DN hoạt động trong khu vực công có cơ sở để tồn tại bình thường.

- Theo ông việc bỏ hẳn đầu tư ngoài ngành có gặp trở ngại gì cho các DNNN, và trong bao lâu chúng ta có thể thực hiện được điều này ?

Đây không phải là câu chuyện dễ  hiểu theo cả lợi ích vĩ mô và vi mô của DN. Chúng ta mới chuyển sang nền kinh tế thị trường được hơn 20 năm, trước đó thì tất cả DN đều là của Nhà nước, khi đó các DNNN cũng đang làm nhiệm vụ như những DN kinh doanh thị trường bây giờ, tức là cũng làm ra của cải vật chất.

Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, các DNNN mới nhường bớt sân cho khu vực tư nhân để lùi lại điểm cuối cùng là hoạt động mang tính công  ích, phục vụ nhiều hơn. Còn phần kiếm lợi nhuận bình thường của thị trường để cho khu vực tư  nhân làm. Đó là một quá trình chuyển giao  đòi hỏi thời gian dài chứ không phải "một sớm một chiều" được.

Tuy nhiên, điều cần nói là trong giai đoạn chuyển đổi, nhiều cơ chế không minh bạch, nhiều người cơ hội đã tranh thủ kiếm lợi nhuận nên họ rất muốn trì hoãn quá trình này. Trong khi đó, bản chất câu chuyện là chúng ta cần phải tăng trưởng nhanh nên cần chuyển đổi nhanh, tuy nhiên do vướng vào câu chuyện lợi ích nên không đảm bảo được việc tăng trưởng nhanh. Tôi hi vọng việc tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay là bước quyết định, 25 năm chuyển sang cơ chế thị trường là quá đủ để minh bạch thị trường.

- Tại sao thời điểm này ông lại nhấn mạnh cần phải xác định toạ độ cho công tác đầu tư công? Và việc cần phải có những vùng cụ thể trong câu chuyện này?

Việc này liên quan tới mục tiêu và nguồn lực chúng ta có. Hiện nay nước ta còn nghèo, nghèo tơi mức nếu chúng ta có tiết kiệm được tỉ lệ lớn thì khối lượng tuyệt đối vẫn không phải lớn.

Thứ  nhất, khi tỉ lệ tuyệt đối không lớn thì việc đầu tư để phát triển rất khó, tức là khan hiếm nguồn lực. Nhìn lại nền kinh tế, chúng ta thấy tính dàn trải rất cao, mà đã dàn trải thì chắc chắn không thể hiệu quả, trước hết nó làm cho tranh chấp nguồn lực, khả năng hỏng cơ chế rất cao.

Thứ hai, dàn trải không đủ nguồn lực, đầu tư sẽ manh mún và không đúng hạn, kéo theo nền kinh tế tụt hậu.

Thứ ba, càng nhiều dự án thì càng thiếu người quản trị, hiệu quả ở cả vĩ mô và vi mô của việc sử dụng vốn càng thấp.

Vì vậy, theo tôi đã ít vốn cần phải biết cách đầu tư, còn tăng thêm 1% của GDP là quý, nhưng tôi cho đó không phải là cơ bản. Cơ bản là phải biết sử dụng phần tiết kiệm được cho đầu tư công. Mặc dù có thể là vừa phải, nhưng phần dành cho đầu tư tư nhân sẽ tốt lên, hiệu quả. Bên cạnh đó, phần đầu tư công ít đi nhưng nếu quản trị tốt thì hiệu quả tối ưu của nền kinh tế phối hợp cả công và tư sẽ tốt hơn.

Do vậy, cần phải chọn các mục tiêu ưu tiên, chọn các vùng ưu tiên gắn với đầu tư công. Ngay bản thân trong vùng trọng điểm cũng nên có những toạ độ đột phá, nơi đó phải là nơi cửa khẩu, kết nối được với các nước, có những điều kiện tương đối tự do, đẳng cấp cao về thể chế để hút được đầu tư nước ngoài, có điều kiện hạ tầng chuẩn để tập trung đầu tư. Ví dụ có thể tập trung vào các vùng như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang... để tập trung rót vốn. Điều này sẽ giúp tạo ra những đặc khu kinh tế có hạ tầng, chính sách đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến kinh doanh, qua đó đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

- Xin cảm ơn ông !

P.V

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Bài toán ODA (18/08/2012)

>   'GDP Việt Nam năm nay chỉ khoảng 5,1%' (18/08/2012)

>   Lãi suất thấp tiếp thêm sức cho đầu tư công tại VN (17/08/2012)

>   Hà Nội “xin” Trung ương hàng nghìn tỷ làm dự án (17/08/2012)

>   Lương tối thiểu dự kiến tăng 35% (16/08/2012)

>   Chỉ thị cải thiện môi trường đầu tư đã thực hiện đến đâu? (16/08/2012)

>   Nợ công: Rủi ro không nằm ở các con số báo cáo (16/08/2012)

>   Chuyên gia ANZ: Có dấu hiệu nới lỏng tiền tệ, tài khóa (16/08/2012)

>   Một năm nhiệm kỳ Thống đốc: "Hãy tin tôi"? (16/08/2012)

>   Sẽ kết thúc chuỗi lạm phát giảm trong tháng Tám? (15/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật