Thứ Năm, 16/08/2012 06:44

Một năm nhiệm kỳ Thống đốc: "Hãy tin tôi"?

Nếu ghi điểm ở điều trị "căn bệnh" lãi suất, tỷ giá, thì trong chuyện điều hành thị trường vàng, cơ cấu lại NH yếu kém và giải quyết khối nợ xấu khổng lồ đang ngày càng "dềnh" lên trong hệ thống các tổ chức tín dụng, Thống đốc Bình lại chưa ghi được điểm trước công chúng.

Không nhiều phát ngôn gây "sốc" nhưng những gì mà vị "thủ lĩnh" Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thể hiện trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ cho thấy, ông là con người của hành động.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả nổi bật đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong năm đầu nhiệm kỳ của mình.

Lần đầu tiên sau nhiều năm những người theo dõi ngành tài chính - NH mới thấy những quyết sách mang tính cứng rắn nhằm "nắn" lại thị trường tiền tệ như thời gian qua: dẹp loạn thị trường "ngầm" lãi suất, ổn định tỷ giá, lập lại thị trường vàng vốn "náo động" một thời gian dài do đầu cơ...

Trên cương vị Thống đốc NHNN, nhiệm kỳ một năm qua của Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã để lại dấu ấn nhất định
Trên cương vị Thống đốc NHNN, nhiệm kỳ một năm qua của Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã để lại dấu ấn nhất định

Giai đoạn năm 2008 - 2011, kinh tế rơi vào khủng hoảng, thị trường tiền tệ cũng chứng kiến những cuộc đua tranh lãi suất không biết điểm dừng của các tổ chức tín dụng, bị đẩy lên mức 17-18%/năm. Lạm phát luôn ở mức hai con số, năm 2010 lạm phát là 11,75%, năm 2011 con số lạm phát "chốt" ở mức 18,58%. Thị trường ngoại tệ cũng chẳng sáng sủa gì hơn khi đã có lúc tỷ giá ngoại hối bị đẩy lên mức 9,3%...

Thời điểm cuối năm 2011 là vừa tròn 4 tháng người đứng đầu ngành NH ngồi vào vị trí ghế nóng. Thị trường tiền tệ bộc lộ quá nhiều "ung nhọt" cần "dọn dẹp" là thử thách lớn đối với người đứng đầu cơ quan quản lý tiền tệ.

Đã có những hồ nghi cho rằng, lời hứa đôi khi chỉ là hứa rồi... để đấy, bởi căn cứ vào tình hình vĩ mô và cả vi mô để đạt được những gì mà Thống đốc đã hứa quả thật khó như... lên trời. Nhưng, bằng sự quyết đoán, bản lĩnh trong điều hành, ở một chừng mực nào đó, Thống đốc Bình đã giữ được lời hứa của mình. Bằng chứng, sau một năm nhậm chức của vị chỉ huy ngành ngân hàng mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) đã thiết lập lại được trật tự.

Trong vòng chưa đầy một quý đầu năm 2012, mặt bằng lãi suất đã giảm tới 5%, từ mức 14% về mức 9%. Tỷ giá hối đoái luôn duy trì quanh ngưỡng dao động không quá 2-3% như lời hứa của Thống đốc tại thời điểm nhậm chức.

Tỷ giá luôn ổn định trong suốt gần 1 năm qua là một trong những thành công trong điều hành tiền tệ của Thống đốc NHNN
Tỷ giá luôn ổn định trong suốt gần 1 năm qua là một trong những thành công trong điều hành tiền tệ của Thống đốc NH

Ngay cả người được tiếng là khó tính, khắt khe khi đưa ra nhận định như TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng thừa nhận, lần đầu tiên sau nhiều năm dưới sự chỉ đạo của Thống đốc NHNN chính sách tiền tệ đã đạt được những bước tiến đáng kể, quan trọng nhất là chính sách tiền tệ đã được điều hành theo lạm phát mục tiêu. Cách điều hành này, theo TS. Nghĩa, là khá hiện đại mà người đứng đầu cơ quan quản lý tiền tệ đã kiên quyết và quyết tâm làm được, dẫu cho những người tiền nhiệm trước đây đều chần chừ cho rằng chưa đủ điều kiện để áp dụng.

Điểm nhấn thứ 2 trong điều hành của Thống đốc Bình được TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá cao, là thị trường mở (OMO) đã được mở rộng cả về quy mô, hoạt động bơm hút tiền nhịp nhàng, hiệu quả, lượng dự trữ ngoại tệ của NHNN đã tăng mạnh nhưng không gây ra lạm phát. "Bức tranh tài chính của thị trường tiền tệ đã khác xa so với tình hình năm 2007 – 2008" – TS. Nghĩa đánh giá.

Gần đây nhất là động thái quyết liệt đưa lãi suất các khoản vay cũ về 15% từ 1/7 của Thống đốc Bình. Tuy chỉ mang tính khuyến khích các NH thương mại, nhưng được các chuyên gia kinh tế đánh giá là sự "lắng nghe, thấu hiểu" kịp thời trước những khốn khó mà các DN đã và đang phải trải qua.

Nếu ghi điểm ở điều trị "căn bệnh" lãi suất, tỷ giá, thì trong chuyện điều hành thị trường vàng, cơ cấu lại NH yếu kém và giải quyết khối nợ xấu khổng lồ đang ngày càng "dềnh" lên trong hệ thống các tổ chức tín dụng, Thống đốc Bình lại chưa ghi được điểm trước công chúng.

Đơn cử, đã một năm trôi qua kể từ ngày Thống đốc Bình nhận chức và có những tuyên bố thẳng thắn, cương nghị về điều hành thị trường vàng, song tới nay xem ra quá trình này diễn ra khá chậm chạp. Nghị định 24 về quản lý và điều hành thị trường vàng dù đã được ban hành và có hiệu lực từ 25/5, nhưng hàng loạt những văn bản hướng dẫn cụ thể vẫn chưa thể ra đời để điều chỉnh thị trường đi vào nề nếp. Một câu hỏi mà người dân vẫn rất băn khoăn dành cho Thống đốc Bình, vì sao vẫn chưa thấy rõ một động thái cương quyết nào của NHNN trong việc ra tay dẹp loạn thị trường vàng, nạn đầu cơ trên thị trường này, điều trái ngược với thành công trong điều hành thị trường lãi suất và ngoại tệ.

Thêm nữa, những động thái và cách xử lý vấn đề đầu cơ trên thị trường vàng được nêu ra trong Nghị định 24 như lấy SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia duy nhất, đưa gần như toàn bộ cơ chế độc quyền về sản xuất, nhập khẩu và mua bán vàng miếng cho Công ty SJC... lại khiến dấy lên nghi ngại sẽ tạo ra sự độc quyền không đáng có trên thị trường này.

Về cơ cấu lại hệ thống NHTM yếu kém nay đã có hẳn một đề án tái cơ cấu vừa được Chính phủ thông qua, có thể coi là tạm yên tâm, chỉ có điều quá trình tái cơ cấu lại hệ thống NH vẫn diễn ra khá chậm chạp. Tới thời điểm này thị trường mới ghi nhận 2 thương vụ sáp nhập: sáp nhập 3 nhà băng Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn thành NHTMCP Sài Gòn (SCB) và thương vụ sáp nhập NHTMCP Nhà Hà Nội (Habubank) vào NHTMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB).

Riêng đối với phương thức xử lý nợ xấu, dù đã có nhiều hiến kế được đưa ra, nhưng cách xử lý cuối cùng vẫn chưa được NHNN công bố chính thức.

Trước băn khoăn, dường như trong cung cách điều hành của NHNN vẫn có những điểm "gợn", biện pháp hành chính có vẻ bị lạm dụng? TS. Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thẳng thắn: Tất nhiên, không có gì là hoàn hảo, tuyệt đối. "Đành rằng biện pháp hành chính là cực chẳng đã mới phải ban hành, nhưng trong bối cảnh này thì biện pháp hành chính ở mức độ nào đó cũng phát huy tác dụng đáng kể "- ông Thành nói và đánh giá, trong tình thế cấp bách này, lời khuyến nghị của Thống đốc với các NHTM đã phát huy tác dụng.

Rõ là để điều hành chính sách tiền tệ (trong đó bao gồm lãi suất, vàng, ngoại tệ...) rồi nay thêm vấn đề giải quyết "cục máu đông" nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống NHTM yếu kém... đối với vị lãnh đạo cơ quan điều hành không hề đơn giản.

Cũng mới chỉ một năm, nên có khó có thể dễ dàng thay đổi ngay lập tức những vấn đề yếu kém đã tồn tại từ nhiều năm, để vực dậy một cơ thể "ốm yếu" thành một cơ thể "cường tráng".

Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ được coi như một trong hai chiếc chìa khóa then chốt điều hành chính sách vĩ mô. Điều hành tài khóa khéo, nhưng tiền tệ "lỏng" thì cũng "sôi hỏng bỏng không". Thống đốc Bình cũng như những vị Bộ trưởng khác sẽ còn 4 năm nữa để cống hiến, để thực hiện những lời hứa của mình trước dân.

Dù vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đưa thị trường tài chính tiền tệ đi vào khuôn khổ như mong muốn, thì lời nói quả quyết của Thống đốc tại cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và NH gần đây "Hãy tin và làm theo Thống đốc", người dân cũng như giới NH đều mong muốn niềm tin đối với người đứng đầu NHNN sẽ ngày càng có thêm cơ sở vững chãi hơn.

infonet

Các tin tức khác

>   Nợ xấu phải coi là vốn đã mất (16/08/2012)

>   Thay đổi nhân sự ban công tác tài chính quy mô nhỏ (15/08/2012)

>   "Phải coi việc lợi nhuận giảm do hạ lãi suất là chi phí cơ hội" (15/08/2012)

>   Điều hành giá 'đá' chính sách tiền tệ (15/08/2012)

>   Lãi suất bình quân liên ngân hàng tiếp tục giảm (15/08/2012)

>   Chỉ một đầu mối cấp phép hoạt động ngoại hối (15/08/2012)

>   SHB tính lập ngân hàng con 100% vốn tại Lào (15/08/2012)

>   Vì sao nhiều ngân hàng được tăng tín dụng? (15/08/2012)

>   Nới hạn mức tín dụng, lo suy thoái kép (15/08/2012)

>   Kho bạc Nhà nước nhận “giữ hộ” tài sản quý (15/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật