Điều hành giá 'đá' chính sách tiền tệ
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, cách điều hành giá đang cản trở việc hỗ trợ và cứu doanh nghiệp của chính sách tiền tệ.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh.
|
Thưa ông, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, cần phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo ông, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải phối hợp thông qua những công cụ điều hành chính sách như thế nào?
Gốc của sự phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là câu chuyện nới lỏng và thắt chặt.
Bình thường, khi muốn kích thích tăng trưởng kinh tế thì phải dùng tới biện pháp nới lỏng, kể cả chính sách tài khóa lẫn chính sách tiền tệ. Khi lạm phát cao thường phải thắt chặt cả hai chính sách và khi muốn cân bằng cả tăng trưởng lẫn lạm phát thì phải thắt một cái và nới một cái, tất nhiên là phụ thuộc vào liều lượng nới như nào, đó là gốc đầu tiên.
Gốc thứ hai của phối hợp chính sách biện pháp hay cách thức nới lỏng và thắt chặt.
Thông thường nới lỏng tài khóa thường có hai cách cơ bản, thứ nhất là giảm thuế, thứ hai là tăng chi ngân sách, qua đó tăng thâm hụt, tăng tài trợ cho thâm hụt ngân sách và mỗi cách gây ra những hiệu ứng khác nhau.
Nới lỏng chính sách tiền tệ thường là tăng tín dụng, hạ lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và trong chừng mực nào đó có thể là phá giá nội tệ. Còn thắt chặt chính sách thì làm ngược lại.
Hiện nay, vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối đầu là đầu ra, tức là tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, liên quan tới chi phí đầu vào, bao gồm cả chi phí vốn gắn với chính sách tiền tệ và chi phí nguyên nhiên vật liệu thiết yếu như điện, xăng, dầu… thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính và Bộ Công thương.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cách thứ nhất là giảm chi phí của doanh nghiệp để thông qua đó giảm giá bán và kích thích tiêu dùng, tức là kích thích đầu ra, giảm hàng tồn kho.
Cách thứ hai là cung cấp tiền, tăng khả năng thanh toán, tăng thu nhập cho người tiêu dùng để họ có thể tiêu thụ hàng hoá dịch vụ với mức giá cao. Tuy nhiên, cách thứ hai rất hiếm khi được sử dụng ở nước ta.
Như vậy, chỉ còn lựa chọn cách giảm giá bán. Đến lượt mình, muốn giảm giá bán thì phải có sự phối hợp chính sách hiệu quả, cụ thể, hệ thống tài chính ngân hàng phải tìm cách giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng với chi phí vay vốn thấp hơn, ngành Tài chính miễn giảm các nghĩa vụ thu nộp ngân sách như miễn, giảm các loại thuế, phí…, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác các nguồn vốn phi tín dụng ngân hàng trên thị trường tài chính.
Ý ông là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá mới đem lại hiệu quả?
Vấn đề cốt lõi của phối hợp chính sách là trong khi Ngân hàng Nhà nước điều hành giảm chi phí vốn vay cho doanh nghiệp thì Bộ Tài chính và Bộ Công thương cần điều hành giá điện, nước, xăng dầu… trên cơ sở cân nhắc, tính toán thận trọng để giảm gánh nặng tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có điều kiện giảm hay ít nhất là không tăng giá thành.
Đó chính là bài toán liên quan đến cải thiện sức mua thông qua việc giảm giá để có thể giảm được hàng tồn kho, giải quyết được khó khăn cho doanh nghiệp.
Phối hợp chính sách còn liên quan đến điều hành lãi suất ngân hàng và lãi suất trái phiếu chính phủ, sao cho lãi suất trái phiếu Chính phủ, tức là các khoản vay và chi tiêu của Chính phủ với lãi suất vay và chi tiêu của khu vực ngoài Chính phủ, phải có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau mới đạt được hiệu quả, không tạo ra hiện tượng tranh giành vốn và đảm bảo nguyên tắc ưu tiên vốn cho khu vực nào có hiệu quả tối ưu.
Vốn hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam đang dựa chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng. Để tạo thêm kênh hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, bên cạnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng, làm thế nào để phát triển nguồn vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp?
Thực ra thì không hoàn toàn chỉ là trái phiếu doanh nghiệp. Đứng từ phía mỗi một doanh nghiệp thì phải kể đến các loại vốn như vốn tự có, vốn đi vay và vốn chiếm dụng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ta hiện nay chủ yếu dựa vào vốn vay là chính. Điển hình nhất là quy mô tín dụng cho nền kinh tế tăng rất nhanh, hiện nay lên tới 100% GDP, trong khi ở nhiều nước trên thế giới con số này chỉ khoảng 70%. Rõ ràng, kinh tế Việt Nam dựa vào vốn tín dụng rất nhiều.
Mục tiêu của chúng ta là làm cách nào để doanh nghiệp bớt phụ thuộc vào vốn tín dụng. Theo tôi, trong tình hình hiện nay, quan trọng nhất huy động vốn từ cổ phiếu chứ không phải từ trái phiếu doanh nghiệp.
Cổ phiếu có ưu điểm nổi bật là nếu thị trường chứng khoán (TTCK) tốt thì mệnh giá và giá thị trường sẽ có sự chênh lệch rất lớn và như vậy các doanh nghiệp sẽ có một khoản thặng dư vốn lớn.
Vốn cổ phiếu có ưu thế là doanh nghiệp có sự chủ động dưới áp lực kinh doanh hiệu quả của cổ đông, đồng thời doanh nghiệp có thể trả hay không phải trả cổ tức tuỳ theo thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Thậm chí, nếu doanh nghiệp quá khó khăn thì áp lực từ cổ phiếu nhẹ hơn rất nhiều so với áp lực từ trái phiếu doanh nghiệp hay vốn tín dụng.
Vì vậy, doanh nghiệp nên hướng tới phát triển huy động vốn từ cổ phiếu, nhưng cổ phiếu lại phụ thuộc vào sự phát triển của TTCK, mà TTCK lại dưới sự quản lý của Bộ Tài chính. Cho nên, đây cũng là vấn đề mà hai bên cần phải phối hợp với nhau.
Trên TTCK có hai hàng hóa chính là cổ phiếu và trái phiếu, mà trái phiếu doanh nghiệp hiện nay chiếm tỷ trọng không lớn, mặc dù mới đây một số doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn phát hành trái phiếu quốc tế, cả loại chuyển đổi và không chuyển đổi.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, cái đáng quan tâm nhất của trái phiếu là một khoản vay, tức là doanh nghiệp phải trả gốc và phải trả lãi.
Trái phiếu có đặc điểm khác với tín dụng ngân hàng ở chỗ, thông thường tín dụng ngân hàng phải có thế chấp, bảo lãnh hoặc tín chấp, nếu không thì không cho vay được.
Trái phiếu thì không cần vì phát hành trái phiếu chủ yếu dựa trên uy tín của doanh nghiệp nên phải khẳng định không phải doanh nghiệp nào cũng phát hành trái phiếu được, trong khi chúng ta lại thiếu hệ thống đánh giá và xếp hạng tín nhiệm để làm cơ sở cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Một vấn đề nữa liên quan đến trái phiếu là lãi suất. Lãi suất của trái phiếu rất quan trọng, vì bình thường lãi suất trái phiếu từ một đến năm năm, thậm chí dài hơn, nên phải xác định chính xác lãi suất trái phiếu để vừa có thể huy động được vừa tránh trả giá quá đắt cho khoản vay.
Muốn vậy, giữa doanh nghiệp, tổ chức bảo lãnh phát hành và các cơ quan quản lý phải có sự hợp tác trao đổi thông tin để nắm được tình hình thị trường.
Trái phiếu doanh nghiệp hiện nay mới phát triển trên thị trường sơ cấp, còn trên thị trường thứ cấp rất khó khăn, nên trái phiếu doanh nghiệp có tính thanh khoản thấp, làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp.
Tóm lại, ngành Tài chính cần hoàn thiện hàng loạt các vấn đề liên quan đến thị trường sơ cấp, đồng thời phải khơi thông thị trường thứ cấp thì trái phiếu doanh nghiệp mới trở thành công cụ tài chính quan trọng của doanh nghiệp và trong một chừng mực nhất định sẽ giúp doanh nghiệp bớt lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Cảm ơn ông!
Nguyễn Minh
Tiền phong
|