Siết lại kỷ cương trên thị trường liên ngân hàng
Có một thực tế ở VN gần đây là ngoài nợ xấu phát sinh trong quan hệ vay mượn giữa NHTM và các DN, thì nợ xấu phát sinh giữa tín dụng ngân hàng – ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng (LNH), trước tiên đã làm ách tắc (đình trệ) dòng vốn trên thị trường tiền tệ, sau đó là các hệ lụy khác như tác động lây lan về thiếu hụt thanh khoản, trong ngân hàng hay làm xói mòn thu nhập...
Quy mô giao dịch bình quân mỗi ngày bằng VND trên thị trường liên ngân hàng
(đơn vị: tỉ đồng; tính trên cơ sở dữ liệu của NHNN)
|
Trước thực trạng này, từ 1/9 Thông tư 21/2012/TT-NHNN quy định đi vay, cho vay, mua, bán giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài có hiệu lực sẽ siết lại kỷ cương trên thị trường LNH.
Chủ nợ bất đắc dĩ
Ông Nguyễn Văn Trung- Chuyên viên kiểm toán AVA VN phân tích, bản chất giao dịch LNH (hay còn gọi là thị trường 2) chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu thanh khoản cấp thiết của TCTD trong thời gian rất ngắn, (qua đêm, hoặc từ 3 - 5 ngày, một vài tuần) và chủ yếu dựa vào chữ tín. Tuy nhiên, do thời gian qua, nhiều NH quá khó khăn về thanh khoản nên đã vay trên thị trường 2 bằng mọi giá, trong khi không thể cạnh tranh huy động tại thị trường 1 (huy động từ dân cư và DN) dẫn đến mất khả năng trả nợ đúng hạn cho NH bạn.
Ông Trần Bắc Á - Trưởng phòng kế toán Cty thép Việt Ý phân tích, “thời gian vừa qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng cho rằng nợ xấu NH đọng ở thị trường bất động sản, thép… nhưng có đi vay mới biết, chúng tôi vay NH thì phải có tài sản đảm bảo và khi có rủi ro khó trả nợ thì DN bị xếp ngay vào nhóm nợ xấu. Nhưng dường như các NH lại cho nhau vay quá dễ dãi”.
Bên cạnh đó, vấn đề khó xử hiện nay là không biết hạch toán khoản nợ trên thị trường LNH vào đâu. Với nợ xấu phát sinh khi cho vay khách hàng là cá nhân, DN thì đã có chuẩn hạch toán các nhóm nợ theo Quyết định 493 của NHNN. Nhưng với nợ xấu phát sinh từ cho vay các NH với nhau lại chưa có tiền lệ nên mỗi NH tự xử lý mỗi kiểu. Nếu hạch toán vào nợ xấu theo Quyết định 493, NH lo tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro thêm, càng gây khó cho NH trong phát triển thời gian tới. Do vậy, nhiều NHTM buộc phải “treo” vào tài khoản tiền gửi kỳ hạn dài.
Chưa kể trường hợp con nợ là NH đang nằm trong diện bị NHNN giám sát, kiểm soát. Theo đó, NH này bị quản chặt lượng tiền vào ra, chỉ ưu tiên chi trả cho khoản tiền gửi đến hạn trên thị trường dân cư. Điều này đồng nghĩa với việc nợ vay trên thị trường LNH cũng phải tiếp tục gia hạn.
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Hiếu - Chuyên gia tài chính NH có ý kiến, NHNN không nên phân biệt ưu tiên tái cấp vốn cho các khoản nợ thị trường 1 và coi nhẹ khoản nợ trên thị trường 2. Bởi xét cho cùng, khi yếu thanh khoản thì thị trường nào cũng đáng lo như nhau.
Bản thân một lãnh đạo ngân hàng cổ phần bộc bạch, tình trạng nợ xấu liên NH trong năm qua cũng để lại bài học chua xót cho nhiều NHTM, đấy chính là nguy cơ xói mòn lợi nhuận của nhiều NH.
Lợi nhuận “xói mòn”
Theo nhiều chuyên gia, những khó khăn trên thị trường liên NH đã kéo giảm lợi nhuận của các NH trong 6 tháng qua. Phải nói rằng, những năm vừa qua, thị trường LNH là một mảnh đất màu mỡ để các NH lớn tập trung kinh doanh. Một mặt, họ làm tốt vai trò cứu trợ, hỗ trợ thanh khoản hệ thống, nhưng mặt khác, lãi suất cho vay nhiều thời điểm đã tạo nên nguồn thu lớn trên thị trường LNH.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2012, tình hình đã khác. Về quy mô giao dịch, xét riêng mức giao dịch bình quân bằng VND mỗi ngày trong 6 tháng đầu năm 2011 từ 22.000 – 26.000 tỉ đồng/ngày, lãi suất giao dịch bình quân phổ biến quanh 13% – 14%/năm, có những giao dịch đạt 16% – 17%/năm. Cuối năm 2011 đến đầu quý I/2012, “mùa gặt vàng” trên liên ngân hàng thể hiện khi quy mô giao dịch đột biến với bình quân giao dịch bằng VND từ 30.000 – 51.000 tỉ đồng/ngày, lãi suất bình quân ghi nhận tới 17% – 21%/năm tùy kỳ hạn.
Nguồn thu trên thị trường LNH tiếp tục tốt nhưng từ tháng 4/2012 cả quy mô giao dịch và lãi suất thu được sụt giảm nhanh chóng. Góc khuyết đối với lợi nhuận ngân hàng lớn thể hiện rõ trong quãng giao dịch này.Trong quý II/2012, quy mô giao dịch bình quân bằng VND trên liên ngân hàng giảm nhanh từ 22.000 – 26.000 tỉ đồng/ngày, không còn phổ biến trên 30.000 – 50.000 tỉ đồng/ngày như trước đó. Đặc biệt lãi suất bình quân nhận được giảm rất mạnh, nhất là trong tháng 5, chỉ xoay quanh 3 – 5%/năm ghi nhận ở các kỳ hạn ngắn. Thậm chí có nhiều giao dịch có lãi suất dưới 1%/năm hay 0,5%/năm.
Và trong quý II/2012, lãi suất trên LNH thấp hơn hẳn so với lãi suất huy động trên thị trường 1 và trạng thái này kéo dài. Cả khối lượng và chất lượng đều bị giảm đi rất lớn nên lợi nhuận quý II/2012 của các nhà băng lớn bị giảm mạnh nhất là trên thị trường LNH .
Siết chặt kỷ cương thị trường LNH
NHNN đã ban hành Thông tư 21/2012/TT-NHNN quy định đi vay, cho vay, mua, bán giấy tờ có giá giữa các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài chính thức có hiệu lực từ 1/9. Có thể nói, việc ban hành Thông tư 21 là hành động mạnh mẽ của NHNN trong việc chấn chỉnh hoạt động của thị trường LNH vốn nhiều bất cập thời gian qua.
Không chỉ là nơi ăn đong thanh khoản của các NH yếu kém, thị trường LNH còn là nơi các NH sử dụng để biến báo hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR). Tại thông tư 13 được NHNN ban hành ngày 20/05/2010, CAR của các ngân hàng được nâng từ 8% lên 9%. Công thức tính CAR = [(Vốn cấp I + vốn cấp II) / (tài sản đã điều chỉnh rủi ro)] * 100%.
Để tăng CAR thì có nhiều cách, hoặc tăng tử số hoặc giảm mẫu số trong công thức hoặc điều chỉnh cả tử số và mẫu số. Cách dễ dàng mà các NH sử dụng là tăng cả tử và mẫu số thêm cùng 1 lượng thì giá trị phân số sẽ tăng lên.
Ví dụ một ngân hàng A để tăng vốn tự có cấp II sẽ làm hợp đồng vay 20 ngàn tỉ đồng thời hạn 10 năm trên liên ngân hàng đối với ngân hàng B. Sau đó ngân hàng B cũng thực hiện hợp đồng tương tự với ngân hàng A với ngày khác so với hợp đồng ban đầu.
Như vậy, với thủ thuật cho vay chéo, không vi phạm quy định của NHNN tại bảng cân đối của cả 2 NH tài sản có và tài sản nợ đều tăng 20 ngàn tỉ đồng. Với thời hạn hợp đồng vay là 10 năm thì rủi ro hiện tại là bằng 0. Theo cách tính hệ số an toàn vốn tối thiểu chắc chắn cả 2 NH đều tăng.
Tuy nhiên sau ngày 01/09/2012 khi thông tư 21 chính thức có hiệu lực thì thủ thuật này sẽ khó thực hiện hơn khi mà Điều 10 của thông tư quy định thời gian tối đa cho vay LNH dưới 1 năm.
Hơn nữa, tại Thông tư 21 cũng xác định các khoản vay LNH cũng có rủi ro và có trích lập dự phòng rủi ro với các giao dịch. Do vậy, mặc dù cho phép các TCTD thỏa thuận có áp dụng bảo đảm tiền vay khi giao dịch nhưng với quy định trên NHNN cũng đã "khuyến khích" các ngân hàng sử dụng hình thức bảo đảm tiền vay.
Bởi lẽ, với khoản tín dụng tín chấp thì hệ số rủi ro khi phân loại tài sản sẽ cao hơn là khoản vay có tài sản đảm bảo. Nếu có quá nhiều giao dịch không có tài sản đảm bảo thì TCTD sẽ khó đảm bảo các chỉ tiêu an toàn của NHNN.
Vay LNH chủ yếu là dựa trên quan hệ tín chấp nay quan hệ có thế chấp đảm bảo được khuyến khích. Từ đó dần hạn chế TCTD yếu thanh khoản, tồn tại nhờ "ăn đong" trên thị trường LNH.
Sự ra đời của Thông tư 21 kỳ vọng sẽ sớm lập kỷ cương trên thị trường liên ngân hàng cũng như chấn chỉnh các TCTD yếu kém thanh khoản và buộc các ngân hàng phải ra tăng công tác quản trị vốn và sử dụng vốn và đảm bảo sự tăng trưởng bền vững. Đây cũng chính là bước đi trong lộ trình tái cơ cấu hệ thống NH của NHNN.
Phương Hà
Diễn đàn DN
|