Thứ Ba, 14/08/2012 13:24

Vay nặng lãi và những hệ lụy

Kinh tế suy thoái khiến nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề tài chính, hàng hóa không bán được, tiền tái đầu tư cũng không có.

Lợi dụng thị trường hỗn loạn như hiện nay, một số kẻ đã lôi kéo rất nhiều người vào cái vòng luẩn quẩn, giải quyết vốn bằng việc đi vay nặng lãi, làm nảy sinh nhiều hệ lụy đau lòng trong xã hội.

… Cần tiền vay ở đâu?

Ngân hàng là một trong những nơi giao dịch tiền tệ giúp người dân tiếp cận được các nguồn vốn vay tốt nhất, nhằm hỗ trợ và giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Nhưng để tiếp cận được với các nguồn vốn vay của ngân hàng thì không phải doanh nghiệp, hộ kinh doanh nào cũng có cơ hội.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, chuyên viên tín dụng một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội, việc vướng mắc của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện nay chủ yếu là các báo cáo tài chính không rõ ràng, thiếu độ "tin cậy" đối với ngân hàng. Hơn nữa, ngân hàng luôn coi trọng vấn đề đáo hạn ngân hàng.

Hầu hết, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không hề muốn có mặt trong danh sách nợ xấu của ngân hàng. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu vay vốn trong tương lai của doanh nghiệp. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến việc dù lãi suất cao nhưng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn chọn giải pháp đi vay nặng lãi. Vì thời gian giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản và có thể vay được vốn cao hơn ngân hàng.

Theo anh T., một người cho vay nặng lãi ở quận Hoàng Mai, thì nguồn tiền dùng để cho vay nặng lãi được huy động bằng nhiều hình thức, nhiều kiểu khác nhau. Một số người có sẵn vốn từ bản thân, gia đình. Nhưng cũng có một số người vay tiền từ những người thân, bạn bè rồi cam kết trả lãi cao, kiếm tiền chênh lệch. Đây là hình thức kinh doanh trung gian hay còn gọi là môi giới trong kinh doanh.

Một số người vì hám lợi còn đem sổ đỏ nhà cửa, đất đai đi thế chấp để vay tiền ngân hàng rồi lại đem số tiền đó cho vay nặng lãi. Như vậy, họ vừa có tiền để trả nợ ngân hàng, vừa có tiền để sử dụng cho mục đích cá nhân.

Lại có những người không cần vốn để cho vay mà họ huy động vốn từ những người lấy lãi suất thấp rồi cho vay lại với lãi suất cao hơn rất nhiều mà không yêu cầu người vay của họ bất kỳ thủ tục nào. Đây là hình thức cho vay đánh vào tâm lý những người đi vay "nóng", ngại các thủ tục thế chấp tài sản.

Việc cho vay lãi như trên rất "mạo hiểm", rủi ro cao. Tuy nhiên, những người đứng ra cho vay kiểu này đều là những người có máu mặt. Đối tượng dám đi vay hình thức này cũng phải thông qua sự quen biết, giới thiệu. Đây là hình thức cho vay nặng lãi gắn liền với các hoạt động đòi nợ theo kiểu "xã hội đen".

Bi kịch từ vay nặng lãi

Gần đây báo chí đã đưa hàng loạt vụ vỡ nợ lớn tại Hà Nội và các địa phương trên cả nước. Như vụ vỡ nợ hơn 200 tỷ đồng tại Thường Tín, Hà Nội đã gây xôn xao dư luận cả nước. Nhiều người do cả tin và hám lợi đã dùng cách "xoay" tiền để cho vợ chồng Nguyễn Thị Ngừng (chủ hiệu thêu) vay nhằm ăn lãi suất chênh lệch, nay đã lâm vào cảnh nợ nần, khốn đốn.

Cách đây 2 năm, chị Nguyễn Thị Thanh (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do không có tiền trả nợ, đã bị 3 đối tượng cho vay nặng lãi trói tay bằng xích, rồi bắt giữ trái phép tại một cửa hàng cho thuê ô tô ở Mai Dịch. Nhóm đối tượng này đã cho chị Thanh vay 200 triệu đồng với lãi suất cắt cổ (4 triệu đồng/ ngày)

Vụ án gần đây nhất liên quan đến đường dây cho vay nặng lãi gây nhức nhối trong xã hội là vụ xả súng vào gia đình ông Nguyễn Văn Năng (huyện Từ Liêm, Hà Nội), khiến 3 người bị thương. Lý do là con trai ông đã vay 50 triệu đồng của một đối tượng cho vay nặng lãi….

Không thể kể hết những bi kịch đã diễn ra liên quan trực tiếp và gián tiếp đến việc cho vay nặng lãi mà các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh. Chúng ta hãy lấy những vụ án trên làm bài học, tránh vì hám lợi và nghe theo những lời dụ dỗ "ngon ngọt" về những món lời "không tưởng", để giảm bớt các bi kịch trên.

Trong nền kinh tế thị trường, những hình thức giao dịch dân sự về tài chính có lẽ vẫn còn tiếp diễn với nhiều hình thức khác nhau như cầm đồ, cho vay nặng lãi. Theo đó, các dịch vụ siết nợ, đòi nợ thuê sẽ gia tăng, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Các nhà quản lý xã hội và các cấp chính quyền cần tìm ra những biện pháp hữu hiệu để quản lý, giám sát hiện tượng xã hội này.

Nguyễn Tuấn

pháp luật và xã hội

Các tin tức khác

>   MBB được nâng hạn mức tín dụng lên 25% (14/08/2012)

>   TS. Phạm Đỗ Chí: “Ngân hàng còn dùng 2 sổ sách, nợ xấu sẽ không bao giờ dừng” (14/08/2012)

>   Chế độ điều hòa tiền mặt, giao dịch tiền mặt (13/08/2012)

>   Deutsche Bank sẽ làm gì với 40 triệu cổ phiếu HBB? (13/08/2012)

>   Tín dụng cá nhân mở vẫn khó vào (13/08/2012)

>   Ngân hàng ép nhân viên đi đòi nợ xấu (13/08/2012)

>   Oceanbank được tăng trưởng tín dụng 27% (13/08/2012)

>   Kẽ hở gây nợ xấu ngân hàng (13/08/2012)

>   Nợ xấu: Tự chữa thì lâu khỏi (13/08/2012)

>   Vốn rẻ khó thông (13/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật