Ts.Vũ Thành Tự Anh: Chưa chạm đến cốt lõi của tái cơ cấu
Ts. Vũ Thành Tự Anh (nguồn: internet)
|
Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mới được phê duyệt ngày 17-7-2012, và cũng là một trong ba đề án trọng tâm để tái cơ cấu nền kinh tế trong năm nay. TBKTSG đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thành tự Anh, chuyên gia kinh tế, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, xung quanh nội dung của đề án này.
TBKTSG: Nhận định chung của ông về Quyết định 929/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2012”, những điểm được và chưa được lớn nhất của đề án này là gì?
- TS. Vũ Thành Tự Anh: Cái được lớn nhất của quyết định này là nó khẳng định lại một số chủ trương quan trọng và đúng đắn của Chính phủ về cải cách DNNN, trong đó quan trọng nhất là tạo ra môi trường pháp lý cạnh tranh bình đẳng, hướng tới áp dụng thông lệ quản trị quốc tế, minh bạch báo cáo tài chính và kinh doanh nhằm tăng trách nhiệm giải trình, và thoái vốn nhà nước trong các hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính. Trong mấy năm trở lại đây, những chủ trương này được Chính phủ nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và cấp thiết.
Những điểm chưa được của quyết định này khá nhiều. Thứ nhất, nó bỏ qua một số nội dung cốt lõi của tái cơ cấu DNNN ở cả ba cấp độ: môi trường kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và quản lý kinh doanh. Thứ hai, quyết định có một số điểm không nhất quán, thậm chí mâu thuẫn với thực tế và mâu thuẫn với nhau. Thứ ba, nhiều nội dung quan trọng của quyết định được trình bày mập mờ, chắc chắn sẽ tạo ra sự tùy định cao khi thực hiện. Thứ tư, thiếu sự cẩn trọng trong việc soạn thảo văn bản. Chẳng hạn như mặc dù quyết định được phê duyệt ngày 17-7 nhưng có tới năm nhiệm vụ của các bộ, ngành phải được hoàn thành trong quí 2-2012. Bên cạnh đó, hai nhiệm vụ khác ở tầm nghị định và đề án quan trọng được yêu cầu phải hoàn thành ngay trong tháng 7. Đấy là chưa kể tới các lỗi ngữ pháp và chính tả có thể tìm thấy khá dễ dàng trong quyết định này.
TBKTSG: Ông có thể nói rõ thêm về một số nội dung cốt lõi của tái cơ cấu DNNN nhưng chưa được đề cập không ạ?
- Cạnh tranh là một điều kiện tiên quyết để buộc mọi doanh nghiệp, trong đó có DNNN, phải hoạt động hiệu quả. Đề án tuy có nói tới việc tạo ra môi trường pháp lý cạnh tranh bình đẳng, nhưng thực ra điều này đã được khẳng định trong Luật Doanh nghiệp 2005. Điều cần hơn hiện nay là môi trường chính sách và hoạt động thực sự bình đẳng và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bất kể thành phần kinh tế. Đây chính là cái chúng ta còn rất thiếu. Ví dụ như về phương diện chính sách, DNNN (đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty) luôn được Nhà nước ưu ái trong việc tiếp cận thị trường, đất đai, vốn đầu tư, tín dụng, mua sắm công...
Điều kiện tiên quyết thứ hai để buộc bất kỳ doanh nghiệp nào, kể cả DNNN, phải trở nên hiệu quả là “giới hạn ngân sách cứng”, hay theo cách nói thông thường là “lời ăn lỗ chịu”. Tuy nhiên, điều này không hề được đề cập trong Quyết định 929. Trên thực tế, ngay trong quá trình tái cơ cấu hiện nay, Chính phủ đã và đang hỗ trợ cho một số tập đoàn “tái cơ cấu” nhiều khoản nợ khổng lồ của mình bằng tiền thuế đánh lên người dân và các doanh nghiệp khác.
Về phương diện quản trị công ty, mặc dù quyết định khẳng định rằng sẽ áp dụng các thông lệ quản trị quốc tế, tuy nhiên lại không thấy nhắc đến yêu cầu thay đổi cơ chế trộn lẫn “3 trong 1” giữa quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và quản lý kinh doanh - điều tối kỵ của quản trị hiện đại. Chính cơ chế “3 trong 1” này là nguyên nhân của rất nhiều sự lẫn lộn về mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cũng như về quy trình, kỹ năng và công cụ chính sách, từ đó tạo ra các mâu thuẫn, xung đột lợi ích, làm triệt tiêu hiệu quả tổng thể như TS. Nguyễn Đình Cung ở CIEM đã phát biểu nhiều lần.
TBKTSG: Thế còn những điểm thiếu nhất quán, thậm chí mâu thuẫn với thực tế và với các chủ trương khác thì sao ạ?
- Mâu thuẫn đầu tiên là trong khi Nhà nước giao cho các tập đoàn và tổng công ty rất nhiều quyền lực kinh tế, thậm chí là vị thế độc quyền trên thị trường nội địa, nhưng Quyết định 929 lại không đề cập một cách thỏa đáng tới các biện pháp kiểm soát để đảm bảo quyền lực này không bị lạm dụng. Hiện nay, nhiều tập đoàn nhà nước có vị thế chi phối, thậm chí là độc quyền, và do vậy cơ chế thị trường ít phát huy tác dụng. Khi không áp đặt được kỷ luật thị trường thì lẽ đương nhiên là phải sử dụng đến các công cụ điều tiết của nhà nước. Thế nhưng cơ chế “3 trong 1” đề cập ở trên, cùng với vai trò “chủ đạo” và “thượng phương bảo kiếm” được giao (điều tiết vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và bình ổn kinh tế), đã và sẽ tiếp tục làm xói mòn hiệu lực của hoạt động điều tiết.
Mục “Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách” của quyết định cũng viết: “Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước: Hoàn thiện khung pháp lý để doanh nghiệp kinh doanh hoạt động trong môi trường pháp lý chung và cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác...”. Điều này mâu thuẫn trực tiếp với cách phân loại DNNN trong quyết định, theo đó nhóm doanh nghiệp mà Nhà nước nắm 100% vốn đều thuộc các lĩnh vực độc quyền nhà nước như quốc phòng, an ninh, xuất bản... Khi nhà nước đã nắm độc quyền 100% thì không thể nói đến cạnh tranh của khu vực tư nhân, huống hồ là cạnh tranh bình đẳng.
Theo đề án, “các DNNN thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục sẽ thực hiện bán, chuyển nhượng doanh nghiệp; tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, giải thể, phá sản”. Cần lưu ý rằng việc thua lỗ và không có khả năng khắc phục không phải là tiêu chí để quyết định bán hay giải thể một doanh nghiệp. Thay vào đó, cần căn cứ vào vai trò của Nhà nước, và do vậy của DNNN, trong nền kinh tế để quyết định doanh nghiệp nào nên được bán hay chuyển nhượng. Điều này có nghĩa là ngay cả những DNNN có lãi nhưng trong lĩnh vực mà tư nhân làm tốt hơn (như dệt may chẳng hạn) thì cũng nên bán chứ không nên giữ. Bên cạnh đó, tiêu chí “không có khả năng khắc phục” rất mập mờ. Chẳng hạn như trường hợp của Vinashin, và gần đây hơn là Vinalines, tất nhiên là đều có khả năng khắc phục nếu Nhà nước dang tay ra cứu, chỉ có điều chi phí và hệ lụy như thế nào thì không để lường hết được.
Giang Anh thực hiện
tbktsg
|