Thứ Tư, 01/08/2012 23:19

Nợ nần vì tôm hùm

Bị đầu nậu câu kết với thương lái Trung Quốc ép giá trong lúc tôm hùm liên tục chết, hàng ngàn hộ dân nuôi tôm hùm rơi vào cảnh nợ nần.

Ba ngày qua, giá tôm hùm ở Phú Yên nhích lên trên 900.000 đồng/kg nhưng ngư dân không còn tôm để bán. Dọc đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu), lồng nuôi được kéo lên chất đống vì tôm đã chết hết. “Năm ngoái, tôi vay ngân hàng đầu tư gần 2 tỉ đồng để nuôi 15.000 con tôm hùm nhưng đến giờ chỉ còn khoảng 500 con. Không biết cách nào để trả nợ ngân hàng đây” - ông Nguyễn Văn Tuấn (thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh) phân trần.

Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, địa phương có khoảng 8.700 lồng tôm hùm, mỗi năm xuất bán gần 700.000 con. Nhưng hiện số tôm chết ở đây đã lên đến 80%. Ông Hoan nói: “Nuôi tôm hùm đòi hỏi vốn lớn nên nhiều người phải vay vốn ngân hàng. Nay tôm chết, giá bán không cao, rất nhiều người lâm cảnh nợ nần. Người ít thì dăm ba chục triệu, người nhiều đến năm, sáu trăm triệu đồng”.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, vùng biển Ninh Hải (Ninh Thuận) và khu vực giáp ranh với TP Cam Ranh (Khánh Hòa) hiện có khoảng 400 lồng nuôi tôm hùm. So với giữa năm 2011, con số này giảm hơn 30%. Người nuôi tôm ở các khu vực này gần như bất lực trước tình trạng tôm hùm chết hàng loạt do bệnh sữa và bệnh đen mang.

Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu - Phú Yên, cho biết chưa khi nào giá tôm hùm lại rớt thảm hại như hiện nay: Từ 2,5 triệu đồng/kg tôm loại 1 vào cuối năm ngoái rớt xuống còn 830.000 đồng/kg vào thời điểm tuần trước.

Nhiều nông dân nuôi tôm đang nghi ngờ đầu nậu câu kết với thương lái Trung Quốc không mua tôm hùm để ép giá. Tại vùng nuôi tôm hùm ở đầm Cù Mông, hiện mỗi ngày có trên 1,5 tấn tôm hùm chết. Tôm bị dịch bệnh sắp chết đang được bán với giá 200.000 đồng/kg, còn tôm vừa chết có giá thấp hơn, khoảng 150.000 đồng/kg.

Ông Lê Văn Khen, Trưởng thôn Vịnh Hòa, khẳng định hầu hết số tôm hùm này đều đưa vào TPHCM. Ông Khen cũng là một trong những người thu gom tôm chết để đưa vào TPHCM. Cũng theo ông Khen, hiện tôm hùm chết đưa vào TPHCM bán được giá hơn so với bán cho đầu nậu tại hồ. Do giá rẻ hơn nhiều so với tôm hùm sống nên một số nhà hàng, cơ sở kinh doanh tôm hùm vẫn thu mua.

Hết cách gỡ khó cho người nuôi tôm

Theo ông Lương Công Tuấn, trước tình hình tôm rớt giá và bị dịch bệnh chết hàng loạt, nhiều người dân đã kiến nghị ngân hàng cho dãn nợ. Nhưng theo ông Trần Minh Mẫn, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Phú Yên, muốn dãn hay khoanh nợ, chính quyền phải công bố dịch và ngân hàng chỉ thực hiện khi có sự chỉ đạo của Chính phủ. Về việc này, ông Tuấn nói chính quyền địa phương sẽ khó công bố dịch vì tôm hùm nằm ngoài danh mục các đối tượng được công bố dịch.



Hồng Ánh – Lê Trường

Người lao động

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn phải “tự bơi” (01/08/2012)

>   Grant Thornton: Doanh nghiệp Việt đã lạc quan hơn (01/08/2012)

>   Mỹ áp thuế chống phá giá 2 sản phẩm của Việt Nam (01/08/2012)

>   S-Fone tái sinh hay chết? (01/08/2012)

>   HSBC: Ngành sản xuất Việt Nam tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất 43.6 điểm (01/08/2012)

>   Vinapco chấm dứt hợp đồng với một công ty của Trung Quốc (01/08/2012)

>   Ai sẽ giữ chức Chủ tịch EVN? (01/08/2012)

>   VietinBank triển khai thu phí cầu đường tự động (31/08/2012)

>   Doanh nghiệp chưa quen với bảo hiểm rủi ro (01/08/2012)

>   DN thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký (31/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật