HSBC: Ngành sản xuất Việt Nam tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất 43.6 điểm
Chỉ số PMI™ ngành sản xuất Việt Nam của HSBC được điều chỉnh theo mùa đã sụt giảm từ 46.6 điểm trong tháng 6 xuống còn 43.6 điểm trong tháng 7.
Đây là tháng thứ tư liên tiếp chỉ số PMI cho kết quả dưới mức trung bình 50 điểm và tháng 7 là tháng có chỉ số thấp nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2011.
Cụ thể, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 7 đều giảm với tốc độ nhanh. Tính từ tháng 5, số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm mỗi tháng xuất phát từ nhu cầu yếu kém của các khách hàng trong nước, trong khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp tục giảm nhẹ.
Bên cạnh đó, khối lượng công việc mới và nhu cầu sản xuất tại các nhà máy giảm làm cho nhân công giảm theo.
Lượng hàng hóa đầu vào cũng giảm liên tiếp trong 4 tháng qua làm giảm đáng kể tồn kho hàng hóa trước sản xuất.
Do giá dầu và nguyên liệu thô giảm, các công ty sản xuất đã giảm giá xuất xưởng trong tháng 7, làm kéo dài quá trình giảm giá ba tháng liền.
Kết quả trên cho thấy tháng 7 tiếp tục là một tháng khó khăn cho ngành sản xuất Việt Nam, khi các điều kiện kinh doanh suy yếu với tốc độ nhanh hơn nhiều so với tháng trước.
"Lãi suất tái cấp vốn sẽ sớm giảm thêm 100 điểm phần trăm"
Bình luận về cuộc khảo sát chỉ số PMI™ ngành sản xuất Việt Nam, Trinh Nguyen, Chuyên viên kinh tế - Ngân hàng HSBC nói:
"Sự suy giảm mạnh hoạt động sản xuất phản ánh nhu cầu nội địa ở Việt Nam vẫn còn yếu khi người tiêu dùng còn chưa sẵn lòng chi tiêu và môi trường tín dụng vẫn khó khăn. Mức độ giảm việc làm và hoạt động mua hàng cho thấy tình hình này có thể tiếp diễn trong vài tháng tới. Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách trong nửa đầu năm. Với tốc độ lạm phát đang chậm lại và nhu cầu còn yếu kém, chúng tôi cho rằng lãi suất tái cấp vốn và những lãi suất khác sẽ sớm được giảm thêm 100 điểm phần trăm."
|
Đan Thanh (Vietstock)
FFN
|