Thứ Ba, 07/08/2012 14:33

SCG và dấu ấn của người Thái

Đứng từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nhìn ra xa, biểu tượng chú voi Thái nổi bật với màu đỏ thắm – hình ảnh của tập đoàn Thái Lan SCG (Siam Cement Group) nằm sánh vai với biển hiệu của nhiều tập đoàn toàn cầu khổng lồ khác. Tuy nhiên không nhiều người để ý, cho đến gần đây những thương vụ mua lại các công ty Việt Nam và những dự án lớn trong ngành hoá dầu, xây dựng, SCG trở nên quen thuộc và đầy ấn tượng.

Thông điệp phát triển của SCG đề ra: “Đến năm 2015 trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường khu vực, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của ASEAN. SCG sẽ được công nhận như công ty sáng tạo với mô hình quản trị hiện đại, phát triển bền vững với tư duy toàn cầu”. Theo bảng xếp hạng 2.000 doanh nghiệp lớn nhất của Forbes, năm 2011 SCG là công ty lớn thứ hai ở Thái Lan và xếp thứ 620 toàn cầu. Vị thế này là kết quả SCG vươn mạnh ra thị trường nước ngoài từ thập niên 1990. Ngày nay, SCG hiện diện tại khoảng 30 thị trường với hàng trăm công ty con về hoá chất; giấy; ximăng và vật liệu; phân phối và vận chuyển; và đầu tư tài chính.

Việt Nam ở vị trí nào trong cơ cấu của tập đoàn hàng đầu ASEAN này? Theo kết quả kinh doanh quý 2/2012, doanh thu của toàn tập đoàn này đạt 3,145 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, đạt lợi nhuận 134 triệu USD. So với quý trước, doanh thu giảm nhẹ 2% và lợi nhuận giảm 28%. Riêng thị trường Việt Nam, doanh thu quý 2/2012 tương đương 89 triệu USD), tăng 15% so với cùng kỳ, nâng mức doanh thu sáu tháng năm 2012 lên hơn 160 triệu USD. Thương vụ mới nhất hồi tháng 6, SCG đã tăng lượng cổ phần tại Nhựa Bình Minh (BMP) lên 20,38%, và nâng tổng tài sản của SCG tại Việt Nam lên 7.850 tỉ đồng (380 triệu USD), tăng 8% so với năm 2011. Nếu tính cả thị trường ASEAN (ngoài Thái Lan), doanh thu quý 2 của SCG đạt 276 triệu USD, chiếm 9% tổng doanh thu tập đoàn với tổng tài sản SCG tại ASEAN đạt 1,8 tỉ USD, tương đương 14% tổng tài sản tập đoàn.

Hoạt động tại Việt Nam đầu những năm 1990, đến nay SGC đầu tư và kinh doanh thông qua khoảng 15 công ty con, chủ yếu trong ngành vật liệu và hoá chất xây dựng như TPC Vina (nhựa và hoá chất), Long Sơn Petrochemicals (hoá dầu), Chemtech (ống nhựa và phụ kiện), Minh Thái House Component (cửa nhựa), Viet – Thai Plastchem (nhựa PVC), Vina Kraft Paper (giấy), CPAC Monier Vietnam (bêtông và phụ kiện nội thất); SCG Logistics Vietnam, SCT Vietnam (logistics)…

Sau khi mua lại Alcamax Packaging, một công ty sản xuất và phân phối giấy bao bì lượn sóng hàng đầu tại Việt Nam, năm nay Nawaplastic Industries (Saraburi) thuộc SCG trở thành cổ đông lớn của hai công ty nhựa hàng đầu Việt Nam là Nhựa Tiền Phong (22,67% cổ phần) và Nhựa Bình Minh. SCG còn kỳ vọng nâng tỷ lệ sở hữu tại hai công ty này lên mức tối đa với 49%. SCG cũng đầu tư vào nhà máy nghiền ximăng và hai nhà máy bêtông tổng hợp. Tập đoàn này còn tham gia dự án tổ hợp hoá dầu tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 4,5 tỉ USD; trong đó SCG nắm giữ 28% và công ty con TPC nắm 18%.

Người Thái vốn mềm mại, không mấy ồn ã, như cách họ đã và đang làm ăn tại Việt Nam. “Quyền lực mềm” của doanh nghiệp được chính phủ hỗ trợ để nâng tầm trong khu vực và toàn cầu. Ước tính tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan ra nước ngoài hơn 20 tỉ USD giai đoạn 2008 – 2011, tăng gấp ba lần giai đoạn 2003 – 2008. Tại Việt Nam, những tên tuổi Thái làm ăn nổi tiếng khác như tập đoàn Amata, Charoen Pokphand (C.P Pokphand Trung Quốc đã mua lại C.P Vietnam năm 2011), Berli Jucker Public Company (BJC), Royal Foods... Những tập đoàn lớn khác như Banpu, PTT, Union Frozen… chắc chắn không bỏ quên cơ hội của mình.

Đến nay các doanh nghiệp Thái Lan đang đầu tư vào 257 dự án tại Việt Nam với tổng vốn 6,7 tỉ USD. Thương mại song phương Thái Lan – Việt Nam đạt 8,02 tỉ USD trong năm 2011, trong đó Việt Nam nhập khẩu 6,4 tỉ USD. Hiệp định thương mại song phương Thái Lan – Việt Nam đã đề ra mục tiêu thương mại mỗi năm tăng trưởng khoảng 20% để đạt 17 tỉ USD vào năm 2015. Trong cán cân này, chắc chắn được ghi nhận từ sự trỗi dậy của các công ty Thái. Còn các công ty Việt Nam, dù là các tập đoàn hàng đầu trong nước, dấu ấn cũng còn đang mờ nhạt.

Tuyết Ân

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Tăng liều lượng xử lý hai điểm nghẽn lớn (07/08/2012)

>   Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lại gặp sự cố (07/08/2012)

>   “Đây chính là lúc dồn nguồn lực để nuôi ý chí” (07/08/2012)

>   Doanh nghiệp Việt Nam “tin” Mỹ hơn Trung Quốc (07/08/2012)

>   Gần 1.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại (07/08/2012)

>   Lộ trình ba năm thoái vốn đầu tư ngoài ngành (07/08/2012)

>   Mở rộng, làm sâu sắc quan hệ kinh tế Mỹ-Việt Nam (06/08/2012)

>   Doosan Vina XK thiết bị xử lý hóa chất cho Australia (06/08/2012)

>   'Điện, xăng không vin cớ CPI âm để tăng giá' (06/08/2012)

>   Việt Nam, Hàn Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm thuế quan (06/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật